Điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội: Cần đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả
Để nắm bắt, tập hợp kịp thời, sát thực tâm tư, tình cảm, ý chí, nguyện vọng của Nhân dân đối với những vấn đề thời sự, đặc biệt là các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội (DLXH) đóng vai trò hết sức quan trọng.
Xác định rõ vai trò quan trọng của công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH, ngày 18/8/2014, Ban Bí thư (khóa XI) đã ban hành Kết luận số 100-KL/TW “Về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội”. Theo đó, ngoài việc nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, việc điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH có thể xem như một “công cụ” giúp các cơ quan lãnh đạo, quản lý có thêm thông tin tham khảo trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, là một khâu quan trọng, cần thiết trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong thực tiễn.
Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH, đặc biệt là trong 10 năm triển khai thực hiện Kết luận số 100-KL/TW, tỉnh Thanh Hóa đã đưa công tác này từng bước đi vào nền nếp. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy các cấp thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức nắm bắt, tổng hợp tình hình DLXH, bảo đảm tính kịp thời, khách quan, toàn diện, trung thực. Các hình thức nắm bắt DLXH đa dạng, linh hoạt như thông qua hội nghị giao ban tư tưởng định kỳ 1 lần/tháng. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức các hội nghị giao ban tư tưởng, nắm bắt DLXH với lãnh đạo các ngành trong khối tư tưởng, ban tuyên giáo các đảng ủy trực thuộc và một số địa phương, đơn vị có vấn đề nổi cộm. Nội dung tập trung vào những vấn đề dư luận quan tâm, theo dõi, đồng thuận; và những vấn đề dư luận băn khoăn, bức xúc, đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Bên cạnh đó, DLXH còn được nắm bắt qua kênh của đội ngũ cộng tác viên DLXH các cấp. Nhờ hoạt động hiệu quả, đội ngũ cộng tác viên thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; theo dõi, tổng hợp thông tin DLXH nhiều chiều, nhằm kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. DLXH còn được nắm bắt thông qua Tổng đài tiếp nhận thông tin DLXH, với trên 4.000 lượt ý kiến phản ánh của Nhân dân đã được tổng đài tiếp nhận (từ năm 2018 đến nay). Ngoài ra, DLXH còn được tỉnh nắm bắt, tổng hợp thông qua phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, qua báo cáo của các ngành, đoàn thể... Việc đa dạng hóa các kênh thu thập thông tin giúp DLXH được tổng hợp, phản ánh kịp thời, đầy đủ và toàn diện. Từ đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổng hợp, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy để lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, xác minh, giải quyết và trả lời dư luận, góp phần giữ ổn định tình hình ở địa phương, cơ sở.
Một trong những điểm nổi bật trong công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH là phát huy trí tuệ tập thể của Nhân dân trong quá trình xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, đề án, dự án quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhờ việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả đã góp phần tích cực vào việc xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách một cách đồng bộ, đúng quy định, phù hợp với tình hình thực tiễn và khả thi trong tổ chức thực hiện.
Theo đó, tính từ năm 2014 đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp triển khai thực hiện 31 cuộc điều ra, thăm dò DLXH. Nội dung và chủ đề điều tra xã hội tập trung chủ yếu vào những vấn đề nổi cộm của địa phương; các đề án, chương trình lớn của tỉnh; kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh... Kết quả các cuộc điều tra, thăm dò DLXH đã phản ánh trung thực, khách quan, khoa học, sát thực tế; đồng thời, có tham khảo ý kiến của các chuyên gia, cán bộ am hiểu thuộc các ngành, lĩnh vực chuyên môn. Qua đó, giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể, cơ quan chức năng nắm rõ thực trạng, nguyên nhân các vấn đề tư tưởng trong Nhân dân, làm cơ sở cho việc ban hành, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, công tác tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH theo tinh thần Kết luận số 100-KL/TW vẫn còn những hạn chế. Sự lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện của một số cấp ủy, ban tuyên giáo các địa phương, đơn vị dẫn đến công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH có lúc, có nơi chưa kịp thời, chất lượng, hiệu quả chưa cao. Cùng với đó, một số địa phương chưa tổ chức các cuộc điều tra, thăm dò dư luận trước khi ban hành chủ trương và triển khai các chương trình, dự án có ảnh hưởng, tác động đến tư tưởng, đời sống người dân. Điều này đã khiến cho việc ban hành và triển khai các chủ trương, chính sách có độ “lệch” nhất định khi đưa vào cuộc sống. Đó là chưa kể đến việc cung cấp thông tin, kiểm tra, xác minh, xử lý các vấn đề dư luận phản ánh và trả lời dư luận chưa kịp thời, làm nảy sinh các luồng dư luận, ảnh hưởng đến việc triển khai các nhiệm vụ chính trị của địa phương...
Ngày nay, cùng với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông hiện đại, mạng Internet và nhất là sự tác động của mạng xã hội với nhiều luồng thông tin xấu độc, thiếu kiểm chứng... đã và đang tác động đến tư tưởng, nhận thức, tâm trạng của Nhân dân. Điều này cũng gây ra nhiều khó khăn cho công tác nắm bắt, định hướng DLXH. Trước tình hình đó, việc nắm bắt kịp thời tư tưởng, dư luận Nhân dân phải được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình ban hành, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Do đó, phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân trong công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH. Đặc biệt, phải đổi mới cách thức, nhất là ứng dụng công nghệ truyền thông hiện đại để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH trong tình hình mới... Có như vậy, tâm tư, tình cảm, ý chí, nguyện vọng của Nhân dân mới được nắm bắt đầy đủ và những vấn đề nổi cộm mới được giải quyết kịp thời. Đồng thời, đưa công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH tiếp tục đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.