Điều tra nhiều chuyên án lớn, thêm niềm tin trong dân
Chúng ta đã làm tốt công tác điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, nhất là việc phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư công; đã đưa ra xét xử khách quan, nghiêm minh nhiều vụ án lớn, được dư luận đồng tình, đánh giá cao, qua đó củng cố niềm tin trong nhân dân.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nói như vậy, tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo 138/CP (phòng chống tội phạm) và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (phòng chống buôn lậu), diễn ra ngày 23/7/2020, tại Hà Nội.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng đã biểu dương thành tích của các lực lượng đã điều tra, khám phá nhiều chuyên án lớn và yêu cầu đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong đấu tranh phòng chống tội phạm; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả…
Vụ việc tội phạm giảm 8,4%, thu ngân sách tăng 83%
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đồng ý với các báo cáo của Ban Chỉ đạo 138, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và ý kiến của các bộ, ngành, địa phương.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm và trật tự xã hội, góp phần kéo giảm 8,4% số vụ tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội so với cùng kỳ năm 2019. Điều tra khám phá nhiều chuyên án lớn, đặc biệt là tội phạm liên quan đến băng nhóm “tín dụng đen, xã hội đen”, nhiều vụ phạm tội sử dụng công nghệ cao… như: băng nhóm do Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ) cầm đầu ở Thái Bình; băng nhóm hoạt động tín dụng đen do đối tượng Loan “cá” - Tuấn “cá” cầm đầu ở Đồng Nai...
“Đặc biệt, chúng ta đã làm tốt công tác điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, nhất là việc phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư công; đã đưa ra xét xử khách quan, nghiêm minh nhiều vụ án lớn, được dư luận đồng tình, đánh giá cao, qua đó củng cố niềm tin trong nhân dân, đề cao tính thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm trong xử lý vi phạm” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ biểu dương các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 75.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách gần 11.300 tỷ đồng (tăng 83% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó số thu từ lực lượng thuế và hải quan tăng rất ấn tượng, lần lượt là 98% và 44%); khởi tố 1.128 vụ án, với hơn 1.346 đối tượng.
Đáng chú ý trong đó có nhiều vụ việc nổi bật như: vụ phát hiện bắt giữ 8.000 tấn quặng nghi là Titan, 30 container nghi là quặng đồng có dấu hiệu xuất lậu ở cảng Hải Phòng; vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hơn 4 triệu bao thuốc lá ở Quảng Ninh; ngoài ra cơ quan hải quan đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời hàng trăm vụ giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất hàng đi nước ngoài, được các nước đánh giá cao. Đặc biệt, các lực lượng đã tập trung làm tốt công tác ổn định thị trường, chống sản xuất, kinh doanh các mặt hàng y tế giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ và các địa phương.
Đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, trong đó, Bộ Tài chính và cơ quan hải quan, cơ quan thuế được lưu ý một số nhiệm vụ quan trọng.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính làm tốt nhiệm vụ Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; linh hoạt trong việc phân công nhiệm vụ, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp tốt với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là trong công tác tham mưu, xây dựng các kế hoạch chuyên đề, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ Tài chính chủ động phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong việc chỉ đạo điều tra, xử lý một số vụ việc điển hình, dư luận quan tâm; đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả Quy chế tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ban hành kèm theo Quyết định số 195 ngày 23/3/2020 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh việc giám sát hoạt động công vụ của công chức hải quan bằng camera và quy trình nghiệp vụ chặt chẽ, nhất là khi công chức hoạt động công vụ ở ngoài trụ sở. Đi đôi với đó là tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản, chia sẻ thông tin với các lực lượng liên quan; củng cố, hoàn thiện phần mềm quản lý rủi ro, đảm bảo tốt công tác quản lý nhà nước về hải quan, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.
Đối với Tổng cục Thuế, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ đạo, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về thuế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc kê khai, nộp thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ; có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả tình trạng chuyển giá, khai báo gian dối về giá, chi phí để trốn thuế. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, trang bị camera di động giám sát hoạt động công vụ khi công chức làm nhiệm vụ ở ngoài trụ sở để phòng ngừa tiêu cực...
Để công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới có được chuyển biến căn bản hơn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để tội phạm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả xảy ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu, báo cáo kết quả lên Trưởng ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.