Điều tra phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần chú ý

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) khuyến cáo doanh nghiệp thường xuyên theo dõi thông tin, trao đổi với đối tác để nắm bắt thông tin sớm về khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại mặt hàng xuất khẩu.

Khuyến cáo doanh nghiệp nắm thông tin sớm để tránh điều tra phòng vệ thương mại

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa có thông tin khuyến cáo doanh nghiệp thường xuyên theo dõi thông tin, trao đổi với đối tác để nắm bắt thông tin sớm về khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại mặt hàng xuất khẩu.

Các quốc gia sẽ có xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhiều hơn

Các quốc gia sẽ có xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhiều hơn

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường và sản phẩm, tránh xuất khẩu phụ thuộc quá lớn vào một thị trường; có chính sách về giá xuất khẩu phù hợp để giảm thiểu rủi ro bị điều tra, áp thuế. Đặc biệt, trong trường hợp có vụ việc điều tra phòng vệ thương mại xảy ra, doanh nghiệp nên chủ động tham gia, xử lý, cung cấp thông tin phù hợp theo yêu cầu của Cơ quan điều tra. Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại để được hỗ trợ kịp thời để đạt hiệu quả cao.

Theo Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương, đến hết tháng 9/2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 234 vụ việc phòng vệ thương mại do các nước khởi kiện. Riêng trong 9 tháng năm 2023, các nước đã khởi kiện 7 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Tuyên bố cam kết bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước trước điều tra phòng vệ thương mại

Trước tình hình Chính phủ Indonesia đã có những tuyên bố cam kết bảo vệ ngành dệt may nước này cũng như sẽ cân nhắc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với một số ngành hàng khác, Cục phòng vệ thương mại chia sẻ vấn đề cân nhắc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng nhập khẩu của Indonesia.

Cục phòng vệ thương mại cho biết: Để áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, các quốc gia phải thực hiện điều tra với quy trình chặt chẽ, tuân thủ theo quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của quốc gia đó và quy định trong các hiệp định của Tổ chức Thương mại thế giới.

Đáng lưu ý, khi kết luận điều tra xác định điều kiện để áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đã được đáp ứng đầy đủ, quốc gia đó mới có thể cân nhắc việc áp dụng biện pháp.

Cục Phòng vệ thương mại tiếp tục theo sát các cuộc điều tra phòng vệ thương mại tại thị trường Indonesia có liên quan đến các doanh nghiệp Việt Nam

Trước động thái của Chính phủ Indonesia, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục theo dõi sát các cuộc điều tra phòng vệ thương mại tại thị trường Indonesia có liên quan đến các doanh nghiệp Việt Nam.

Đây là hoạt động nhằm đảm bảo các cuộc điều tra được tiến hành công bằng, minh bạch, dựa trên dữ liệu, chứng cứ rõ ràng được cung cấp từ nhà sản xuất Indonesia và nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài theo đúng quy định trong các hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Ngoài vụ việc này, Cục Phòng vệ thương mại đã và đang thông tin về các vụ việc phòng vệ thương mại và quy trình điều tra phòng vệ thương mại của Indonesia cho các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp quan tâm.

Cùng đó, Cục tăng cường hướng dẫn doanh nghiệp và hiệp hội cách thức tham gia vào các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng. Đặc biệt, Cục Phòng vệ thương mại sẽ có những hình thức trao đổi phù hợp với cơ quan có thẩm quyền của Indonesia để đảm bảo điều tra phòng vệ thương mại được tiến hành công bằng, minh bạch và phù hợp với cam kết trong các hiệp định mà Indonesia đã tham gia.

Thống kê đến hết năm 2023, Indonesia đã điều tra tổng cộng 197 vụ việc phòng vệ thương mại; trong đó, có 154 vụ việc chống bán phá giá và 43 vụ việc tự vệ. Trong số đó chỉ có 15 vụ việc liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm 5 vụ việc chống bán phá giá và 10 vụ việc tự vệ.

Qua đó cho thấy, tác động từ phòng vệ thương mại đến xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia chưa lớn nhưng Indonesia có tần suất điều tra tương đối cao nên cần theo dõi sát hoạt động phòng vệ thương mại tại thị trường này.

Theo Báo Công thương, Phòng vệ thương mại là các công cụ được Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) cho phép các thành viên sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước tình trạng nhập khẩu gia tăng gây thiệt hại cho sản xuất trong nước.

Phòng vệ thương mại bao gồm ba biện pháp là chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được quy định tại ba Hiệp định tương ứng của WTO.

Ngoài ra, các nước còn điều tra và áp dụng biện pháp chống lại các hành vi lẩn tránh ba biện pháp trên (thường gọi là biện pháp chống lẩn tránh). Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu thì các biện pháp phòng vệ thương mại đang trở thành công cụ chính sách quan trọng góp phần tăng cường hiệu quả cả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Các vụ việc liên quan tới phòng vệ thương mại gần nhất tại thị trường Indonesia, theo Bộ Công thương cho biết, tháng 1/2023, Cục Phòng vệ thương mại nhận được thông tin về việc Ủy ban Chống bán phá giá Indonesia (KADI) ban hành thông báo tổ chức Phiên điều trần vụ việc rà soát cuối kỳ lần thứ 2 về thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm màng BOPP có xuất xứ từ Thái Lan và Việt Nam.

Trước đó, ngày tháng 11/2023, Ủy ban Tự vệ Indonesia (KPPI) ban hành thông báo tổ chức Phiên điều trần vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sợi làm từ bông (cotton yarn) nhập khẩu... Các vụ việc gần đây cho thấy, hoạt động phòng vệ thương mại cần được theo dõi chặt chẽ để bảo vệ các doanh nghiệp Việt Nam trong thị trường quốc tế.

Nguồn: TTXVN

PV

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/dieu-tra-phong-ve-thuong-mai-doanh-nghiep-can-chu-y-179240720181932192.htm