Điều tra vụ 2 máy bay suýt 'giao cắt' tại sân bay Nội Bài
Sáng 5/7, Cục Hàng không Việt Nam đã thành lập tổ điều tra sự cố máy bay suýt 'giao cắt' tại sân bay Nội Bài. Sau khi có kết quả điều tra, Cục sẽ xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể trong vụ việc này.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, chiều 24/6, chuyến bay AIQ645 của Thai Air Asia lăn ra đầu đường băng chuẩn bị chạy đà cất cánh từ Hà Nội đi Bangkok (Thái Lan). Cùng thời điểm đó, một chuyến bay của hãng khác cũng hạ cánh xuống đường băng 11L (song song với 11R).
Quá trình liên lạc, kíp trực không lưu tại sân (TWR) của Đài không lưu Nội Bài yêu cầu tổ bay AIQ645 dừng chờ huấn lệnh cất cánh, đồng thời cấp huấn lệnh cho chuyến bay hạ cánh cắt qua đường băng 11R để sang đường lăn S8 và đi vào sân đỗ.
Tuy nhiên, tổ bay của Thai Air Asia chỉ nhắc lại huấn lệnh bay mà không nhắc lại nội dung chờ huấn lệnh khởi hành. Kíp trực không lưu cũng không phát hiện ra tổ bay bỏ sót huấn lệnh này. Hậu quả, tổ bay AIQ645 thực hiện chạy đà cất cánh trên đường băng 11R trong lúc chuyến bay hạ cánh cũng đang lăn cắt qua đường băng này.
Theo tường trình của tổ bay AIQ645, thời điểm máy bay nhấc bánh mũi và rời mặt đất thì vị trí của máy bay hạ cánh cũng đang ở giữa giao điểm đường băng 11R và đường lăn S8, khoảng cách giữa 2 máy bay khoảng 1.500m.
Thời điểm trên, hệ thống giám sát mặt sân đã phát cảnh báo đỏ đối với 2 chuyến bay trên. Sau khi phát hiện vụ việc, kiểm soát viên không lưu không có hành động gì để xử lý tình huống.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, kíp trực TWR Nội Bài (kíp trực điều hành bay) không thực hiện báo cáo sự cố theo quy định. Vào lúc 11h00 ngày 30/6, Phòng An toàn chất lượng an ninh - Công ty Quản lý bay miền Bắc mới chuyển cho Ban An toàn - Chất lượng của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) báo cáo của tổ lái AIQ645.
Ngay sau khi nhận được báo cáo ban đầu của cơ quan an toàn Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chỉ đạo Công ty Quản lý bay miền Bắc. Cụ thể, tạm thời đưa ra khỏi dây chuyền Điều hành bay toàn bộ phiên trực TWR Nội Bài (kíp trực điều hành bay) liên quan đến sự cố và không phân công nhiệm vụ trực lãnh đạo liên quan của Trung tâm APP/TWR Nội Bài từ ngày 30/6 để phục vụ công tác điều tra, xác minh làm rõ sự cố…
Cũng trong những ngày qua, sân bay Nội Bài đã xảy ra một số sự cố khác liên quan đến an toàn bay.
Vào ngày 3/7, Cảng hàng không Nội Bài nhận thông tin tại sân bay Đà Nẵng, thợ máy phát hiện cánh quạt động cơ số hai của máy bay Airbus A320 bị mẻ sau khi bay từ Hà Nội vào.
Trước đó, vào 20h32, ngày 30/6, thợ máy tại sân bay Nội Bài phát hiện chiếc Airbus A321 bay từ Phú Quốc hạ cánh xuống Nội Bài bị một đinh vít găm sâu vào lốp số 2, càng trái. Đinh vít này dài 1 cm, đường kính 0,2 cm.
Còn ngày 28/6, thợ máy tiến hành kiểm tra chiếc Airbus A350 dự kiến sẽ phục vụ chuyến bay từ Nội Bài đi Melbourne, Australia vào ngày hôm sau thì cũng phát hiện lốp số 2 càng trái bị một đinh mũ ghim vào.
Cả 3 trường hợp này, Trung tâm Khai thác khu bay Nội Bài cùng các đơn vị liên quan kiểm tra hệ thống đường băng, đường lăn, sân đỗ, xưởng bảo dưỡng theo lộ trình di chuyển của máy bay nhưng không phát hiện bất thường.
Theo đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, công tác kiểm soát FOD (vật ngoại lai) tại Cảng được tiến hành thường xuyên, định kỳ và bất thường khi có sự vụ.
Cũng trong ngày 3/7 Cục Hàng không Việt Nam có thông báo về sự việc đường băng sân bay Vinh (tỉnh Nghệ An) bị nứt nẻ bong tróc nhiều mảng lớn. Sự cố trên đã khiến nhiều chuyến bay phải thay đổi lịch trình hoặc hủy chuyến.
Ngành Hàng không hiện đang trải qua cao điểm hè sôi động với nhu cầu du lịch, di chuyển tăng cao trong cả nước. Điều này khiến cho nhiều sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất liên tục rơi vào tình trạng kẹt cứng do lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không tăng đột biến, bởi vậy những sự cố có nguy cơ đe dọa an toàn bay cần được giải quyết triệt để.