Điều tra vụ hai trẻ em bị hành hạ nghiêm trọng

Công an huyện Thanh Oai đã nhận được tin báo tố giác và tiến hành điều tra vụ việc hai cháu bé bị hành hạ rất nghiêm trọng sau khi bị chủ nhà phát hiện đang câu cá trong khu vực nhà mình. Sự việc cho thấy thực trạng báo động về nhận thức của người trưởng thành về quyền trẻ em.

Vào sáng ngày 8/12, cháu N.T.T. (sinh năm 2013) và bạn của mình, cùng trú tại xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, Hà Nội, đến cánh đồng gần nhà để câu cá thì bị ông Hà Văn Lập đuổi bắt. Sau khi bắt được cháu T, ông Lập không khuyên nhủ mà có hành vi trói tay cháu vào cổng, liên tục đánh đập bằng nhiều dụng cụ. Tuy nhiên, người đàn ông này lại cho rằng đó chỉ là việc “dạy bảo” cháu vì đã xâm phạm tài sản của gia đình mình.

Đối tượng Hà Văn Lập khai nhận: "Các cháu đã câu nhiều lần buổi trưa rồi. Hôm đó, sau khi tôi đi ăn cỗ về, tôi bắt được cháu Tùng và đã lấy cần câu để vụt cháu 3 roi. Vụt 2 roi vào chân thì gãy mất cần câu rồi. Thâm tâm tôi cũng chỉ muốn dọa các cháu thôi, chứ không có ý đồ tàn sát các cháu".

Không trực tiếp đánh đập, hành hạ trẻ, nhưng vợ của ông Lập – bà Nguyễn Thị Dự cũng có lỗi lớn trong sự việc này khi nhìn thấy hai cháu bé bị giam giữ hơn hai tiếng tại sân nhà nhưng không có động thái gì.

Biết hành vi của các cháu là sai, nhưng thay vì khuyên nhủ, hai đối tượng này lại lựa chọn cách giải quyết cảm tính. Phải đến khi ngồi trước cán bộ điều tra, các đối tượng này mới biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật.

Theo Trung tá Nguyễn Nam Khánh, Đội trưởng đội điều tra tổng hợp – Công an huyện Thanh Oai, cơ quan điều tra đã tiến hành giám định thương tích của hai cháu để làm căn cứ khởi tố. Đối với hành vi giữ người, có hai yếu tố kịch khung là giữ người dưới 18 tuổi và giữ từ hai người trở lên.

Hành vi bạo hành trẻ em được quy định rất rõ trong Luật Trẻ em 2016. Trong vụ việc này, hành vi ông Hà Văn Lập bắt giữ, đánh gây thương tích, giữ 2 người trở lên đều dưới 18 tuổi, đã vào tình tiết định khung quy định tại khoản 2, Điều 157 (Bộ Luật Hình sự). Còn bà Nguyễn Thị Dự là đồng phạm về tội giữ người trái pháp luật nên cũng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Những hành vi như vậy đã để lại hậu quả nghiêm trọng, nặng nề đối với sự phát triển của trẻ em cũng như tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Do đó, điều chỉnh hành vi nhằm tôn trọng quyền trẻ em là điều vô cùng quan trọng.

"Chúng tôi đề nghị người dân cần chấp hành đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Trẻ em 2016, tránh việc có hành vi giữ người trái pháp luật. Đối với các hành vi vi phạm pháp luật đó, trong bộ Luật Hình sự đều có những quy định xử phạt riêng", Trung tá Nguyễn Nam Khánh cho hay.

Việc thiếu hiểu biết pháp luật, hành xử theo nếp “lệ làng” thế này còn tồn tại khá phổ biến ở một số địa phương. Để giải quyết vấn đề này, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng.

Mai Linh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/dieu-tra-vu-hai-tre-em-bi-hanh-ha-nghiem-trong-293690.htm