Điều trị bệnh không lây nhiễm ở cơ sở còn nhiều bất cập
(Báo Quảng Ngãi)- Theo thống kê của Sở Y tế, đến tháng 9/2024, toàn tỉnh có 95,5 nghìn người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, ung thư. Trong khi đó, thực tế khám, điều trị cho nhóm bệnh nhân này tại tuyến xã, huyện đang gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu của người bệnh.
Quảng Ngãi hiện có hơn 71,1 nghìn bệnh nhân bị bệnh tăng huyết áp, gần 16,6 nghìn bệnh nhân bị đái tháo đường, 5.307 bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và 2.464 bệnh nhân ung thư. Đây đều là những bệnh không lây nhiễm phổ biến hiện nay.
Để theo dõi, quản lý sức khỏe cho các bệnh nhân này, trạm y tế cấp xã có trách nhiệm lập danh sách người được phát hiện bệnh không lây nhiễm để theo dõi và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho từng cá nhân. Thực hiện quản lý điều trị tại trạm y tế đối với các trường hợp mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường mức độ vừa và nhẹ, chưa có biến chứng và các trường hợp ổn định do tuyến trên chuyển về theo quy định. Triển khai hoạt động quản lý điều trị, chăm sóc người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản tùy theo tình hình thực tế tại địa phương. Trung tâm y tế tuyến huyện thực hiện chẩn đoán, điều trị, quản lý điều trị ngoại trú theo phân tuyến kỹ thuật đối với các bệnh ung thư, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính. Cung cấp các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ, tư vấn, trị liệu tâm lý cho người bệnh ung thư và người nhà tại cơ sở y tế theo quy định.
Sự phân tuyến trong quản lý, điều trị bệnh nhân bị bệnh không lây nhiễm góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giúp người dân được thụ hưởng dịch vụ y tế gần nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm đang được quản lý điều trị tại các đơn vị y tế tuyến xã và huyện chiếm tỷ lệ còn khiêm tốn. Cụ thể, tỷ lệ bệnh nhân bị bệnh tăng huyết áp được quản lý, điều trị chiếm 41,5%; bệnh nhân đái tháo đường được quản lý, điều trị đạt 25,9%. Tỷ lệ này ở bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản là 30,2%. Riêng bệnh nhân ung thư, tỷ lệ này đang ở mức 0%.
Theo rà soát của Sở Y tế, tỷ lệ trung tâm y tế tuyến huyện có triển khai sàng lọc bệnh không lây nhiễm tại trung tâm hiện nay chỉ mới đạt khoảng 58,3%. Đối với trạm y tế cấp xã, trong quá trình triển khai sàng lọc bệnh không lây nhiễm, khó khăn lớn nhất mà trạm y tế cấp xã gặp phải là thiếu kinh phí (chiếm hơn 83%). Cùng với đó, việc thiếu các trang thiết bị, thiếu cán bộ, thiếu chủng loại thuốc thiết yếu, thiếu sự hỗ trợ chuyên môn của tuyến trên cũng là những khó khăn phổ biến của trạm y tế cấp xã trong quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm. Hiện tại, đối với bệnh tăng huyết áp, 100% trạm y tế cấp xã đã thực hiện quản lý thông tin người bệnh, 78,1% trạm y tế xã khám, điều trị cấp thuốc cho người bệnh. Đối với bệnh đái tháo đường, hơn 80% trạm y tế cấp xã triển khai quản lý thông tin người bệnh, nhưng chỉ khoảng 36% trạm y tế cấp xã quản lý điều trị.
Từ dữ liệu mới nhất vừa thu thập được về tỷ lệ mắc bệnh cũng như những khó khăn, vướng mắc trong chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh không lây nhiễm của y tế tuyến cơ sở, ngành y tế cần sớm có giải pháp khắc phục “lỗ hổng” này. Qua đó, từng bước nâng cao tỷ lệ người dân được sàng lọc, phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh, cũng như các bệnh nhân đã mắc bệnh không lây nhiễm, để theo dõi, chăm sóc sức khỏe ngay từ hệ thống y tế cơ sở. Nhất là khi, tỷ lệ dân số mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng và các bệnh không lây nhiễm đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam.