Điều trị bệnh mãn tính không lây nhiễm bằng y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại
Theo thống kê của Bộ Y tế, trên toàn quốc, cứ 100 trường hợp tử vong thì có tới 77 người tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Bệnh không lây nhiễm đang trở thành vấn đề y tế được ưu tiên tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Sáng 14/12, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học "Cập nhật điều trị và quản lý bệnh mãn tính không lây nhiễm bằng y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại".
Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành về tim mạch, nội tiết, oxy cao áp, y học cổ truyền đến từ nhiều bệnh viện Trung ương và Hà Nội; các bệnh viện, bệnh xá Công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thiếu tướng PGS.TS Phạm Bá Tuyến, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an cho biết, bệnh không lây nhiễm thường là các bệnh mạn tính, không có khả năng lây truyền, có thời gian bị bệnh dài và nhìn chung tiến triển chậm. Bệnh tạo ra gánh nặng bệnh tật nặng nề.
"Nguy cơ mắc bệnh chủ yếu do lối sống có hại cho sức khỏe và các yếu tố môi trường không thuận lợi. Tuy nhiên, nhiều nguy cơ bệnh không lây nhiễm có thể dự phòng được. Có 4 loại bệnh không lây nhiễm chính được quan tâm hiện nay là các bệnh tim mạch (như nhồi máu cơ tim và đột quỵ...), các thể ung thư, bệnh hô hấp mạn tính (như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản) và đái tháo đường", Thiếu tướng Phạm Bá Tuyến nhấn mạnh.
Theo báo cáo năm 2022 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bệnh không lây nhiễm gây ra 74% trường hợp tử vong trên thế giới. Khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương là những khu vực có tỷ lệ tử vong cao do bệnh không lây nhiễm so với các khu vực khác trên thế giới.
Bệnh không lây nhiễm không chỉ là nguyên nhân gây chết nhiều người nhất mà còn có tác động nghiêm trọng đến khả năng chống lại bệnh truyền nhiễm của bệnh nhân. Điều này đã được chứng minh rất rõ qua đại dịch COVID -19.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế, các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, lớn hơn tất cả các nguyên nhân khác cộng lại. Theo thống kê của Bộ Y tế, trên toàn quốc, cứ 100 trường hợp tử vong thì có tới 77 người tử vong do các bệnh không lây nhiễm, trong đó nguyên nhân do bệnh tim mạch chiếm 31%, ung thư chiếm 19%, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính chiếm 6%, đái tháo đường chiếm 4% và các bệnh không lây nhiễm khác chiếm 18%.
Bệnh không lây nhiễm đang trở thành vấn đề y tế được ưu tiên tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Theo PGS.TS Phạm Bá Tuyến, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an trải qua 27 năm xây dựng và phát triển, với định hướng phát huy kế thừa những tinh hoa của nền y học dân tộc kết hợp với những thành tựu phát triển của y học hiện đại trong khám và điều trị bệnh nhân, bệnh viện đã gặt hái được nhiều thành tích nổi bật.
Là bệnh viện tuyến cuối về y học cổ truyền trong hệ thống y tế CAND, được giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến trong cả nước về y học cổ truyền. Trong những năm qua, bệnh viện luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, song song với công tác khám và điều trị cho CBCS và nhân dân, bệnh viện còn chủ động tích cực triển khai thực hiện Đề án quản lý bệnh mạn tính của Bộ Y tế từ năm 2018 với 3 mặt bệnh chủ yếu là: Tăng huyết áp, đái tháo đường và viêm gan B. Đến nay, số lượng bệnh án mạn tính bệnh viện hiện đang quản lý là khoảng 2.000 bệnh nhân.
Hội thảo với nhiều bài báo cáo của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an... đã cập nhật kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm về điều trị các bệnh mãn tính không lây nhiễm, nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ y bác sĩ trong hệ thống y tế CAND trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đồng thời khuyến khích phong trào nghiên cứu khoa học trong các bệnh viện.
Chia sẻ tại Hội thảo bài báo cáo "Ứng dụng oxy cao áp trong điều trị bệnh đái tháo đường", GS.TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Trung tâm Y học dưới nước và oxy cao áp, Viện Y học biển Việt Nam đánh giá cao về tầm nhìn xa của Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an khi đã phát triển y học cao áp.
"Đây là đơn vị đầu tiên của ngành y tế trang bị được buồng điều trị oxy cao áp đa (có sức chứa từ 2 người nằm đến 4 người ngồi -PV, giải quyết được nhiều vấn đề điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, làm cho bệnh nhân tiếp cận được công nghệ mới và hưởng lợi từ công nghệ này. Mỗi ca điều trị oxy cao áp buồng đa chỉ khoảng 300 nghìn đồng/ngày, nếu BHYT chi trả, người bệnh chỉ phải phải trả hơn 100 nghìn. Một đợt điều trị 10 ngày mất khoảng 3 triệu đồng, nếu bệnh nhân có BHYT, chỉ phải trả hơn 1 triệu đồng", GS.TS Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Những bài báo cáo của các chuyên gia tại hội thảo đã mang đến rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm về điều trị các bệnh không lây nhiễm bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp với hiện đại. Qua đó, các bác sĩ tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an nói riêng và bệnh viện trong lực lượng y tế CAND, bệnh xá Công an các tỉnh nói chung học hỏi được nhiều kinh nghiệm, áp dụng trong công tác khám chữa bệnh cho CBCS và nhân dân.