Điều trị bệnh võng mạc tiểu đường đúng cách để ngăn ngừa mù lòa

Bệnh võng mạc tiểu đường (VMTĐ) là tình trạng bệnh lý với các tổn thương xảy ra ở võng mạc do bệnh tiểu đường gây nên. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa và tỷ lệ bị bệnh tăng nhanh trong những năm gần đây tại nước ta.

Khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) triển khai chụp ảnh màu đáy mắt bệnh nhân tiểu đường trên hệ thống máy chụp CLARUS -500.

Khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) triển khai chụp ảnh màu đáy mắt bệnh nhân tiểu đường trên hệ thống máy chụp CLARUS -500.

Việt Nam đuợc xếp trong 10 quốc gia có tỷ lệ gia tăng bệnh nhân tiểu đường cao nhất thế giới, với tỷ lệ mắc 6% (khoảng 5,5-6 triệu nguời). Dự báo có thể tăng gấp 3 lần vào năm 2040. Bệnh diễn biến âm thầm, không có biểu hiện, bệnh nhân không thể tự phát hiện đuợc, nên phần lớn bệnh nhân tiểu đường chỉ đi kiểm tra mắt khi đã có các triệu chứng suy giảm thị lực, thường là đã quá muộn, khi đáy mắt có tổn thuơng không thể phục hồi.

Một người mắc bệnh tiểu đường càng lâu, điều trị càng không tốt, thì nguy cơ phát triển bệnh VMTĐ càng cao. Bệnh ảnh hưởng đến trên 80% người bị tiểu đường 20 năm trở lên. Đường máu cao kéo dài gây nên tổn thương các mạch máu của toàn bộ các cơ quan trong cơ thể, rõ nhất ở các mạch máu nhỏ. Tại mắt, do tổn thương các mạch máu nhỏ của võng mạc gây phù nề, tắc mạch, làm thiếu máu võng mạc. Cơ thể phản ứng bằng cách kích thích sự phát triển các mạch máu mới (tân mạch), để nuôi dưỡng những vùng võng mạc này. Tuy nhiên, những mạch máu này mỏng manh, dễ vỡ, gây ra các biến chứng nặng nề, dẫn đến mù lòa.

Ở giai đoạn đầu người bệnh thường không tự thấy triệu chứng gì. Chỉ khi khám đáy mắt bởi các bác sỹ chuyên khoa mắt, với phương tiện chuyên dụng như sinh hiển vi khám mắt, siêu âm mắt, chụp ảnh màu đáy mắt, chụp đáy mắt huỳnh quang, chụp cắt lớp võng mạc (OCT)..., mới có thể phát hiện những bệnh lý thuờng gặp nhất đối với bệnh nhân tiểu đường là đục thủy tinh thể và bệnh VMTĐ. Ít nhất 90% trường hợp bệnh mới có thể thuyên giảm, nếu được điều trị, theo dõi mắt đúng cách. Do vậy, việc khám mắt hàng năm sàng lọc bệnh cần được thực hiện với tất cả người bệnh tiểu đường.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện quản lý 1.400 bệnh nhân tiểu đường, theo số liệu uớc tính của Orbis thì sẽ có khoảng 500 bệnh nhân có bệnh VMTĐ cần được theo dõi. Năm 2019, Khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã khám cho trên 10.000 luợt bệnh nhân, trong đó phẫu thuật 760 ca bệnh, với nhiều mặt bệnh như: đục thủy tinh thể, glocom, mộng thịt, quặm, các khối u tại mắt…

Từ tháng 3 đến nay, Khoa Mắt đã triển khai chụp ảnh màu đáy mắt bệnh nhân tiểu đường trên hệ thống máy chụp CLARUS-500. Đây là hệ thống máy hiện đại với các thao tác nhanh gọn, trong thời gian 2-3 phút máy có thể chụp đuợc ảnh đáy mắt của bệnh nhân, cho hình ảnh rõ nét. Sự chuẩn xác về màu sắc hết sức quan trọng, từ đó giúp phát hiện sớm võng mạc tiểu đường để xử trí kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc, gây mù lòa của bệnh VMTĐ.

Theo khuyến cáo của bác sỹ: cần đồng thời điều trị tích cực bệnh tiểu đường và các tình trạng bệnh khác, có ảnh hưởng xấu đến bệnh VMTĐ như: tăng huyết áp, mỡ máu, hút thuốc, uống rượu, ít vận động, ngủ ngáy...; đi khám định mắt định kỳ tại các cơ sở y tế tin cậy.

Anh Tuấn

Khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/219/140744/dieu-tri-benh-vong-mac-tieuduong-dung-cach-de-ngan-ngua-mu-loa.htm