Điều trị cho trẻ mắc dị tật khe hở môi - vòm miệng không phải chỉ 1 hoặc 2 ca mổ
Trung bình cứ 500 trẻ được sinh ra, có một trẻ mắc dị tật khe hở môi - vòm miệng. Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 3.000 em sinh ra bị dị tật khe hở môi - vòm miệng. Việc điều trị cho trẻ bị dị tật khe hở môi - vòm miệng là quá trình lâu dài, không phải 1-2 ca mổ là xong...
Hôm nay 4/6, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội phối hợp với Tổ chức phi chính phủ Smile Train tổ chức phát động Chương trình hành động vì người bệnh khe hở môi – vòm miệng, một hoạt động hưởng ứng nội dung đề án Nâng cao năng lực khám chữa bệnh răng hàm mặt và dự phòng bệnh răng miệng cộng đồng giai đoạn 2021 – 2030 của Bộ Y tế; Đồng thời đây cũng là hoạt động hưởng ứng tháng hành động vì trẻ em năm 2024.
PGS.TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam cho biết, trung bình cứ 500 trẻ được sinh ra, có một trẻ mắc dị tật khe hở môi - vòm miệng. Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 3.000 em sinh ra bị dị tật khe hở môi - vòm miệng. Việc điều trị cho trẻ bị dị tật khe hở môi, vòm miệng là quá trình lâu dài, không phải 1-2 ca mổ là xong...
Đến nay các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra dị tật khe hở môi - vòm miệng mà chỉ mới xác định một số yếu tố môi trường, dịch tễ, cá thể, đặc biệt là phụ nữ mang thai 3 tháng đầu bị cúm. Nếu như trước kia việc điều trị cho trẻ chủ yếu là phẫu thuật thì nay toàn diện hơn.
Dị tật hở môi và hở hàm ếch là khiếm khuyết bẩm sinh phổ biến nhất xảy ra tại vùng mặt và miệng. Tuy nhiên, nhiều trẻ điều trị muộn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và phát âm của trẻ. Dị tật này có thể gây ra các rối loạn trầm trọng cho trẻ như khó ăn - bú, hay bị sặc, dễ mắc các bệnh đường hô hấp, rối loạn phát âm, rối loạn tâm lý…
Theo chuyên gia, để một bệnh nhi bị khe hở môi - vòm miệng được can thiệp toàn diện, người bệnh sẽ phải theo đuổi việc điều trị một quá trình dài với nhiều quy trình như phẫu thuật tạo hình môi, khe vòm, điều trị ngữ âm, nắn chỉnh răng, chỉnh hình xương, phẫu thuật thẩm mỹ khi trưởng thành.
Trong tuần đầu tiên của tháng 6 này, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội đã tiếp nhận nhiều trường hợp tới phẫu thuật lần đầu, cũng như nhiều ca phẫu thuật các thì sau, các trường hợp đến đúng độ tuổi cũng như nhiều bệnh nhân bị chậm muộn do hoàn cảnh khó khăn hay nhận thức còn hạn chế.
Bên cạnh những ca phẫu thuật đóng khe hở, bệnh nhân còn được tư vấn về các điều trị khác cũng vô cùng quan trọng như chỉnh nha hay ngữ âm trị liệu để phục hồi toàn toàn chức năng và thẩm mỹ.
Theo PGS.TS Trần Cao Bính, khám chữa bệnh, điều trị cho bệnh nhân khe hở môi - vòm miệng không chỉ diễn ra trong tháng hành động này, mà luôn được tiến hành 365 ngày tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội để trả lại nụ cười cho trẻ thơ.
Năm 2023, các bác sĩ của bệnh viện đã tiến hành khám chữa bệnh, điều trị khe hở môi - vòm miệng cho khoảng vài trăm cháu. "Trường hợp nào đủ điều kiện về thể trạng, sức khỏe, đảm bảo yêu cầu chuyên môn, các y bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cho trẻ"- PGS.TS Trần Cao Bình nói.
Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội cũng nhấn mạnh, hiện nay do công tác truyền thông đẩy mạnh nên nhận thức của nhiều gia đình về dị tật khe hở môi - vòm miệng của trẻ được nâng lên.
Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo đối với những trường hợp dị tật khe hở môi - vòm miệng, chậm nhất 1 tháng sau sinh cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị trước phẫu thuật, đóng tạm khe hở tạo điều kiện sau này việc phẫu thuật sẽ tốt hơn. Đồng thời, người nhà cũng được tư vấn để cho trẻ bú, ăn đỡ bị sặc.
Thông thường khi được 3 tháng tuổi là đã có thể phẫu thuật. Sau đó, trẻ sẽ được điều trị khiếm khuyết về giọng nói, điều trị ngữ âm trị liệu, để làm sao khi trẻ đi học không bị mặc cảm, dị nghị.
Khi trẻ thay răng, cha mẹ cần chú ý vấn đề chăm sóc vì gần như 100% trẻ mắc dị tật này bị lệch răng cần phải nắn chỉnh răng, khi lớn hơn sẽ được phẫu thuật chỉnh hình xương (ít nhất là khi trẻ 18 tuổi).
PGS.TS Trần Cao Bính cũng kỳ vọng sẽ từng bước phối hợp với các tổ chức từ thiện nâng mức hỗ trợ, kéo dài hỗ trợ, việc điều trị cho trẻ cần kéo dài ít nhất đến khi trẻ bước vào tuổi trưởng thành.
"Chúng tôi chia sẻ, đồng cảm với các gia đình không may có con bị dị tật. Quá trình điều trị rất lâu dài, cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, không chỉ răng hàm mặt mà cả hô hấp, dinh dưỡng. Với việc điều trị toàn diện, trẻ sẽ sớm hòa nhập với cộng đồng, không còn bị tự ti vì bị dị tật"- PGS.TS Trần Cao Bính nói.
Đại diện Smile Train cho biết, tháng hành động vì người bệnh khe hở môi – vòm miệng là một trong những hoạt động quan trọng, thể hiện rõ quyết tâm của Smile Train trong việc đồng hành, sát cánh cùng các bệnh viện đối tác để tiến tới xây dựng hoạt động điều trị toàn diện và phổ cập thông tin tới các gia đình cũng như toàn xã hội.
"Đối với rất nhiều ca khe hở môi – vòm, chỉ khi được điều trị đầy đủ các hợp phần các người bệnh mới có thể khôi phục hoàn toàn về thẩm mỹ và chức năng cho nụ cười trọn vẹn. Với hơn 30.000 ca phẫu thuật được tài trợ, Smile Train xác định vai trò tiếp theo của chúng tôi còn bao gồm việc triển khai chương trình điều trị toàn diện trên cả nước"- ông Nguyễn Văn Thực, đại diện Smile Train nói.