Điều trị gãy xương cho trẻ em bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu, không cần bó bột

Bệnh nhi P.T.T.L. (12 tuổi, ngụ huyện Nhơn Trạch) đang đi xe đạp thì bị té ngã dẫn đến gãy cổ xương cánh tay trái.

Đây là tai nạn rất thường gặp ở trẻ em. Để điều trị, các bác sĩ thường sử dụng phương pháp truyền thống là bất động phần xương bị gãy bằng bó bột. Phương pháp này tuy tránh được biến chứng của phẫu thuật nhưng lại khó đánh giá chính xác mức độ di lệch của xương, có thể gây chèn ép và khiến trẻ phải nghỉ học dài ngày.

Trường hợp tổn thương nặng hơn, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật kết hợp xương. Phương pháp này đòi hỏi đường mổ lớn, ảnh hưởng đến quá trình lành xương và để lại sẹo xấu trên cơ thể bệnh nhân.

Bệnh nhân bình phục tốt sau ca phẫu thuật, không cần bó bột. Ảnh: B.V

Bệnh nhân bình phục tốt sau ca phẫu thuật, không cần bó bột. Ảnh: B.V

Để giải quyết các bất cập trên, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện đại học Y dược Shing Mark đã tiến hành điều trị bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu dưới màn hình tăng sáng (C-arm). Đây là phương pháp hiện đại mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh.

Với sự hỗ trợ của màn hình C-arm, bác sĩ có thể nắn chỉnh hầu hết các di lệch xương mà không cần phẫu thuật mở. Điều này giúp giảm thiểu tổn thương mô và màng xương, từ đó đẩy nhanh quá trình lành xương.

Sau phẫu thuật, bé L. hồi phục tốt và đã sớm trở lại sinh hoạt bình thường mà không gặp phải các biến chứng đáng kể.

An Yên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202409/dieu-tri-gay-xuong-cho-tre-em-bang-phuong-phap-xam-lan-toi-thieu-khong-can-bo-bot-d8c1ed8/