Điều trị nôn, tiêu chảy cấp ở trẻ em - những sai lầm cần tránh
Trẻ bị tiêu chảy cấp, nôn sẽ bị mất nước, do đó việc đầu tiên là cần bù nước và điện giải và dùng thuốc điều trị nguyên nhân khi cần thiết. Tuy nhiên, nhiều gia đình mắc sai lầm trong việc chăm sóc và cho trẻ uống thuốc đã khiến tình trạng sức khỏe của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn.
1. Nhận biết trẻ bị tiêu chảy cấp
Trẻ bị tiêu chảy cấp khi đi ngoài phân lỏng hoặc tóe nước hoặc có máu trong phân trên 2 lần trong một ngày. Số ngày tiêu chảy dưới 14 ngày (nếu kéo dài hơn 14 ngày thì không gọi là tiêu chảy cấp nữa). Ngoài tiêu chảy, trẻ sẽ nôn nhiều, có thể không uống được nước hoặc uống vào lại nôn ra, ăn kém.
Do tiêu chảy và nôn nhiều, trẻ sẽ bị mất nước với các dấu hiệu:
Trẻ khát nước, uống nước háo hức (giành cốc nước, hóng nghe rót nước) hoặc nặng hơn là không uống được, uống kém.
Mắt trũng, có thể khóc không ra nước mắt.
Nếu mất nước nặng có thể lúc đầu trẻ bị kích thích, sau đó tình trạng nặng hơn trẻ sẽ rơi vào trạng thái li bì.
Khi kiểm tra tình trạng mất nước, có thể véo da vùng giữa bụng của trẻ sẽ thấy vết véo chậm đàn hồi.
Đối với trẻ sơ sinh, trẻ chưa kín thóp sẽ thấy thóp lõm sâu xuống.
2. Cách điều trị tiêu chảy cấp cho trẻ tại nhà
Điều quan trọng nhất cần làm khi trẻ bị nôn và tiêu chảy nhiều đó là bù nước và điện giải, cùng một số vi chất:
- Bổ sung oresol thẩm thấu thấp (bản chất giống oresol thường nhưng nồng độ các chất thấp hơn). Một nghiên cứu đã được tiến hành tại 5 nước phát triển, đối tượng là trẻ nhỏ từ 1 tháng tuổi đến 2 tuổi bị tiêu chảy và mất nước. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng oresol có nồng độ muối + và glucose thấp đã làm giảm nhu cầu truyền dịch tĩnh mạch xuống 33%.
Oresol thẩm thấu thấp có độ an toàn và hiệu quả tương tự như oresol tiêu chuẩn trong việc ngăn ngừa và điều trị chứng mất nước ở tất cả các dạng của tiêu chảy. Mặt khác, nó còn làm giảm khối lượng phân 20% và đem lại nhiều lợi ích lâm sàng quan trọng khác, tỉ lệ nôn cũng giảm 30%.
Cách uống oresol:
Trẻ dưới 2 tuổi, uống mỗi lần 50 - 100ml sau mỗi lần tiêu chảy.
Trẻ 2 - 10 tuổi, uống mỗi lần 100 - 200 ml sau mỗi lần tiêu chảy
Trẻ trên 10 tuổi, uống theo nhu cầu của trẻ.
Người chăm sóc trẻ cần cho trẻ uống từng ngụm nhỏ khoảng 5ml/lần. Trẻ đang tiêu chảy và nôn nếu uống ngụm lớn, uống nhiều cùng lúc càng khích thích trẻ nôn nhiều hơn. Khi đã uống từng ngụm nhỏ mà trẻ vẫn nôn, nên cho trẻ nghỉ khoảng 10 phút và tiếp tục cho uống lại với từng ngụm ít hơn.
- Bù kẽm: Việc bù kẽm sẽ giúp trẻ nhanh hồi phục tế bào niêm mạc ruột. Tùy từng độ tuổi, nên bổ sung kẽm như sau:
Trẻ dưới 6 tháng nên bù 10mg kẽm nguyên tố/ngày trong 10-14 ngày
Trẻ lớn 20mg/ngày trong 10-14 ngày
- Chống nôn: Việc dùng thuốc chống nôn cần theo chỉ định của bác sĩ, phụ huynh hoặc người chăm sóc trẻ không nên thấy trẻ nôn nhiều, sốt ruột mà cho trẻ uống thuốc bừa bãi sẽ gây hại cho trẻ.
- Probiotics (men vi sinh): Có thể bổ sung để giúp tăng sức đề kháng hàng rào bảo vệ niêm mạc ruột.
Lưu ý: Cho trẻ dùng trong 3 ngày đầu, nếu không thấy có tác dụng thì nên dừng.
- Racecadotril: Có tác dụng giúp giảm nước ở phân, dùng 3 ngày đầu, ưu tiên khi tiêu chảy xuất tiết nhiều, vì thuốc có tác dụng làm giảm xuất tiết. Liều dùng: 1,5mg/kg mỗi 8 giờ.
Lưu ý: Trong quá trình điều trị, quan trọng nhất là phải cho trẻ uống oresol. Trường hợp trẻ tiêu chảy, nôn nhiều mà không uống được, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được truyền dịch.
3. Những sai lầm cần tránh khi điều trị tiêu chảy cấp cho trẻ em
- Uống kháng sinh khi chưa rõ căn nguyên: Trẻ bị tiêu chảy cấp chủ yếu nguyên nhân là do virus hoặc độc tố vi khuẩn. Thực tế là rất nhiều phụ huynh đi mua kháng sinh cho trẻ uống khi chưa rõ nguyên nhân. Nếu nguyên nhân tiêu chảy là do virus thì việc cho trẻ uống kháng sinh không mang lại hiệu quả mà còn làm tình trạng tiêu chảy của trẻ nặng nề hơn.
Muốn biết trẻ bị tiêu chảy do nguyên nhân gì mà chưa cần thiết phải đến bệnh viện, thì chụp lại phân và gửi cho bác sĩ. Khi quan sát phân kết hợp với việc miêu tả mùi phân và triệu chứng của trẻ, bác sĩ sẽ tìm ra những gợi ý đặc trưng để kê đơn thuốc.
- Cho trẻ uống cầm đi ngoài: Nếu trẻ tiêu chảy do độc tố vi khuẩn, nếu uống thuốc cầm đi ngoài sẽ làm giảm tốc độ đào thải tác nhân và độc tố gây tiêu chảy. Vi khuẩn sẽ có điều kiện sinh sôi nảy nở nhanh chóng trong đường ruột sẽ khiến tình trạng sức khỏe của trẻ gặp nguy hiểm nhiều hơn.
- Uống cầm nôn: Cũng tương tự như uống thuốc cầm tiêu chảy, nếu uống sai sẽ khiến trẻ mệt mỏi và tình trạng tiêu chảy nghiêm trọng hơn.
- Ăn kiêng: Nhiều phụ huynh cho rằng khi trẻ bị tiêu chảy cần phải ăn kiêng, nếu ăn thịt sẽ không tiêu hóa được khiến trẻ lâu khỏi hơn. Đây là quan điểm rất sai lầm, bởi nếu chỉ cho con ăn cháo trắng, không bổ sung đủ dinh dưỡng sẽ làm trẻ nhanh chóng bị suy dinh dưỡng cấp.
Vì thế, ngoài việc bù oresol để tránh mất nước là quan trọng nhất, thì việc cho trẻ ăn thức ăn bổ sung đầy đủ dinh dưỡng là quan trọng thứ hai. Tuy nhiên cần cho trẻ ăn thức ăn loãng, chia làm nhiều bữa nhỏ để tránh chán ăn và nôn nhiều.
- Truyền tại nhà: Nhiều gia đình sợ đưa con vào bệnh viện bị đông, phải xếp hàng chờ đợi, vì sốt ruột… mà tự mua dịch truyền và mời y tá, điều dưỡng đến truyền dịch cho trẻ tại nhà. Đây là việc làm cực kỳ nguy hiểm, bởi truyền dịch, nhất là truyền cho trẻ cần phải thực hiện tại cơ sở y tế, nơi có đủ phương tiện cấp cứu. Nếu truyền dịch tại nhà, không may xảy ra biến cố sẽ nguy hiểm tính mạng của trẻ.
- Cho con uống nước ngọt: Khi trẻ tiêu chảy cấp mà cho uống nước ngọt đóng chai sẽ càng làm đi ngoài nhiều hơn và mất nước nhanh hơn, do quá trình thẩm thấu, nước ngọt sẽ kéo nước từ cơ thể vào đường ruột nhiều hơn.
- Pha oresol không đúng cách: Một sai lầm đến nay vẫn thường gặp, dù thông tin hướng dẫn cách pha oresol khá rõ trên bao bì, đó là pha oresol quá đặc hoặc quá loãng.
Nhiều phụ huynh vẫn không biết rằng khi pha oresol là để lấy một dung dịch chuẩn để bù nước và điện giải chứ không phải là thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó họ đã pha oresol đậm đặc với hy vọng rằng thuốc sẽ chất lượng hơn, trẻ chỉ cần uống đủ viên hoặc bột oresol đó là đủ mà không cần phải uống nhiều. Nhưng nếu pha oresol quá đậm đặc sẽ gây hại, thậm chí gây co giật do rối loạn điện giải dẫn đến tử vong.
Trường hợp pha oresol quá loãng cũng mất tác dụng và cũng không có lợi. Pha oresol với sữa cũng là một sai lầm khác của phụ huynh. Oresol hiệu quả bởi vì tỷ lệ các điện giải có trong dung dịch pha chuẩn với nước lọc theo một tỷ lệ nhất định. Nếu pha với sữa hoặc nước khoáng thì sẽ làm mất đi giá trị quan trọng nhất này.