Điều trị thành công cho bệnh nhân áp xe túi tinh cực hiếm gặp

Khoa Nam học, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết vừa điều trị thành công cho ca bệnh áp xe túi tinh 2 bên cực hiếm gặp trên thế giới.

Ngay sau khi hoàn thiện chẩn đoán, người bệnh được chỉ định phẫu thuật cắt túi tinh 2 bên. Ảnh: BVCC.

Ngay sau khi hoàn thiện chẩn đoán, người bệnh được chỉ định phẫu thuật cắt túi tinh 2 bên. Ảnh: BVCC.

Cụ thể, bệnh nhân nam L.H.T sinh năm 1958, Hưng Yên đến Khoa Nam học, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám với triệu chứng đau rất mơ hồ ở vùng bụng dưới lan ra hậu môn. Bệnh nhân sốt cao 38 - 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.

Qua thăm khám và làm một số xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán bị áp xe túi tinh hai bên. Ngay sau khi hoàn thiện chẩn đoán, người bệnh được chỉ định phẫu thuật cắt túi tinh 2 bên. Sau phẫu thuật, bệnh nhân ra viện ổn định, các chỉ số về giá trị bình thường, hết sốt, hết đau.

Theo bác sĩ Phan Lê Nhật Long, Khoa Nam học, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chức năng của túi tinh bao gồm sản xuất và lưu trữ chất dịch là thành phần của tinh dịch sau này.

"Thực tế, chất dịch này sẽ chiếm khoảng 70% lượng dịch giải phóng ra trong quá trình xuất tinh. Vì không phải chức năng sản xuất tinh trùng nên cắt túi tinh không ảnh hưởng đến chức năng sinh sản như nhiều người đã lầm tưởng”, bác sĩ Long cho biết.

Áp xe túi tinh đơn thuần (không kèm áp xe tuyến tiền liệt) là bệnh lý viêm nhiễm tầng sinh môn cực hiếm gặp. Tại Mỹ, từ năm 1958 - 2017, nước này chỉ ghi nhận 7 trường hợp bị áp xe túi tinh đơn thuần. Trong đó, có 1 trường hợp áp xe túi tinh 2 bên.

Bệnh lý này có bệnh cảnh không thực sự đặc hiệu (đau âm ỉ, tức nặng vùng chậu, bẹn, hạ vị và tầng sinh môn) nên việc chẩn đoán chính xác là rất khó khăn. Chẩn đoán áp xe túi tinh chủ yếu dựa vào chẩn đoán hình ảnh chụp cộng hưởng từ vùng tầng sinh môn. Sau khi đã xác định chẩn đoán, người bệnh được chỉ định phẫu thuật cắt túi tinh 2 bên, bảo tồn tuyến tiền liệt, bảo tồn ống dẫn tinh 2 bên.

Túi tinh là phần phồng ra phía bên của ống dẫn tinh, dung tích khoảng 3 - 4 ml, kích thước bình thường không bị tắc nghẽn là 2 - 4 cm chiều dài và 1 - 2 cm chiều rộng. Túi tính nằm sâu trong vùng chậu, phía sau tuyến tiền liệt. Vì vậy, các bệnh lý túi tinh thường đi kèm cùng với bệnh lý tuyến tiền liệt.

Hiện tại, tại Việt Nam chưa ghi nhận báo cáo nào về số liệu người bệnh được chẩn đoán áp xe túi tinh đơn thuần (không kèm áp xe tuyến tiền liệt).

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dieu-tri-thanh-cong-cho-benh-nhan-ap-xe-tui-tinh-cuc-hiem-gap-post694195.html