Điều trị thành công cho người bệnh đau thần kinh mạn tính kéo dài suốt 18 năm

Ngày 9/4, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Khoa Ngoại Thần kinh của Bệnh viện đã áp dụng nhiều phương pháp tiên tiến, vừa điều trị thành công cho người bệnh đau thần kinh mạn tính kéo dài suốt 18 năm.

Người bệnh đang được giảm dần liều thuốc giảm đau, tiếp tục tái khám định kỳ để Bác sĩ theo dõi và đánh giá hiệu quả điều trị.

Người bệnh đang được giảm dần liều thuốc giảm đau, tiếp tục tái khám định kỳ để Bác sĩ theo dõi và đánh giá hiệu quả điều trị.

Theo đó, sau một tai nạn giao thông, anh N.V.T. (56 tuổi, ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh) liệt hoàn toàn cánh tay phải, tất cả sinh hoạt, ăn uống ban đầu phải phụ thuộc vào người nhà. Sau đó người bệnh đã nỗ lực luyện tập và có thể vận động bằng tay trái. Tuy nhiên chỉ sau 5 – 6 tháng, cơn đau nhức xuất hiện kèm tê rát và co cứng toàn bộ phần vai, cánh tay xuống bàn tay, cơn đau xuất hiện liên tục với cường độ và tần suất ngày càng nhiều. Anh T. đi khám, điều trị ở nhiều nơi bằng nhiều phương pháp khác nhau. Ban đầu cơn đau có giảm nhưng càng lúc càng hành hạ dữ dội, người bệnh phải tăng liều thuốc giảm đau lên mức tối đa cho phép.

Tuy nhiên chỉ sau 5 – 6 tháng, cơn đau nhức xuất hiện kèm tê rát và co cứng toàn bộ phần vai, cánh tay xuống bàn tay, cơn đau xuất hiện liên tục với cường độ và tần suất ngày càng nhiều. Anh T. đi khám, điều trị ở nhiều nơi bằng nhiều phương pháp khác nhau. Ban đầu cơn đau có giảm nhưng càng lúc càng hành hạ dữ dội, người bệnh phải tăng liều thuốc giảm đau lên mức tối đa cho phép.

Đến tháng 5/2021, anh T. đến khám tại Phòng khám Đau mạn tính - Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh trong tình trạng đau nhức nhiều với điểm đau 9/10 điểm. Người bệnh đau đớn, tuyệt vọng vì tình trạng đau đã dai dẳng và ngày càng nghiêm trọng kể từ tai nạn giao thông cách đây 18 năm.

Bên cạnh việc trấn an tâm lý cho người bệnh, các bác sĩ đã chẩn đoán người bệnh bị đau thần kinh mạn tính do di chứng tổn thương đám rối cánh tay phải và nhanh chóng hội chẩn lâm sàng với các chuyên gia nhiều kinh nghiệm từ Singapore và Thái Lan.

Sau hội chẩn, người bệnh được chỉ định đặt điện cực kích thích tủy sống (SCS: Spinal Cord Stimulation) để điều trị đau.Phương pháp này cần được thực hiện nhiều bước để đánh giá đáp ứng của người bệnh với điện cực kích thích.

Sau phẫu thuật đặt điện cực thử nghiệm, người bệnh đáp ứng giảm đau trên 50%. Sau đó, các bác sĩ tiến hành đặt điện cực vĩnh viễn vào khoang ngoài màng cứng vùng cổ để kiểm soát cơn đau và co cứng. Ca phẫu thuật kết thúc thuận lợi, trong một năm đầu tiên, người bệnh đáp ứng điều trị tốt, không còn phải chịu đựng các “cơn đau thấu xương” như trước đây, điểm đau trung bình 4-5 trên thang điểm 10. Tuy nhiên do bệnh tiến triển, các cơn đau ngày càng khó kiểm soát. Các bác sĩ đã tìm mọi cách để chỉnh các chế độ phù hợp nhưng không cải thiện. Cơn đau quay lại với tần suất ngày càng dày đặc và cường độ ngày càng tăng.

Các bác sĩ tiếp tục hội chẩn, kiểm soát đau cho người bệnh bằng morphine, rTMS, Scrambler... nhưng không đáp ứng. Để chữa trị cho người bệnh, đến tháng 12/2023, các bác sĩ quyết định triển khai kỹ thuật “DREZotomy” để giảm đau.

“DREZotomy” là kỹ thuật làm mất các liên kết dẫn truyền đau ở mức độ sừng sau tủy sống, nơi đi vào các rễ thần kinh cảm giác, làm thay đổi cung phản xạ tủy nhằm giảm đau và giảm co cứng. Đây là kỹ thuật khó, cần đòi hỏi kinh nghiệm, sự chính xác và kết hợp theo dõi điện sinh lý trong mổ (IOM: Intraoperative monitoring). Kỹ thuật này có hiệu quả trong việc điều trị và kiểm soát những tình trạng đau thần kinh và co cứng khi đã thất bại với các điều trị khác như: đau sau tổn thương đám rối cánh tay, đau thần kinh sau herpes, chấn thương tủy sống, đau do ung thư…

PGS TS BS. Nguyễn Minh Anh, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh

Sau khi được bác sĩ tư vấn cụ thể, người bệnh được hội chẩn đa chuyên khoa, thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Với sự phối hợp của ê-kip phẫu thuật, ê-kíp theo dõi điện sinh lý và ê-kíp dụng cụ, gây mê, ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi trong 2.5 giờ. Phẫu thuật viên lần lượt cắt đứt các liên kết dẫn truyền gây đau và thường xuyên kiểm tra điện sinh lý trong mổ để bảo đảm toàn vẹn chức năng vận động cho người bệnh.

Ngay sau phẫu thuật, cơn đau của người bệnh giảm 70-80%, điểm đau còn 3/10 điểm và gần như không còn cơn co rút ở tay, chỉ còn đau tại chỗ vết mổ. Lần tái khám đầu tiên sau mổ 1 tháng, tình trạng hậu phẫu ổn, vết mổ khô, lành tốt và gần như không còn cơn co rút cánh tay, người bệnh cải thiện giấc ngủ đáng kể. Tinh thần người bệnh ngày càng lạc quan, ăn uống tốt và tăng được 2 kg. “Tôi cảm giác như được sống lại lần nữa”- anh T. tâm sự. Hiện tại sau 3 tháng kể từ sau phẫu thuật DREZotomy, người bệnh đang được giảm dần liều thuốc giảm đau, tiếp tục tái khám định kỳ để Bác sĩ theo dõi và đánh giá hiệu quả điều trị.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dieu-tri-thanh-cong-cho-nguoi-benh-dau-than-kinh-man-tinh-keo-dai-suot-18-nam-post803913.html