Điều trị và phòng huyết áp thấp
Huyết áp thấp là khi áp lực của dòng máu trong động mạch bị giảm xuống thấp hơn mức bình thường. Khi huyết áp tối đa dưới 100mmHg và huyết áp tối thiểu dưới 60mmHg, cơ thể người rơi vào tình trạng huyết áp thấp, nếu để kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thường xuyên mất thăng bằng, chóng mặt hoặc ngất xỉu.
Theo bác sĩ Đỗ Hữu Nghị, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, mỗi người sẽ có những dấu hiệu cảnh báo khác nhau về tình trạng huyết áp thấp như: Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt do máu không bơm được lên não; mạch nhanh, buồn nôn; cảm giác sợ lạnh, da xanh nhợt nhạt, môi tím tái, chân tay hay bị tê nhức mỏi, ngáp liên tục; mắt nhìn mờ, khó tập trung, hay quên, đãng trí, dễ nổi cáu.
Đối với trường hợp người bệnh không muốn dùng thuốc, cách tốt nhất là thay đổi lối sống sinh hoạt và điều chỉnh chế độ ăn uống. Người bệnh cần ngủ đủ giấc, từ khoảng 9 đến 11 tiếng mỗi ngày. Ngoài ra, người bệnh có thể đi bộ, bơi hay chơi các trò chơi thể thao, không nên chọn những môn thể thao vận động quá mạnh. Bên cạnh đó, người bệnh cần chú ý duy trì chế độ ăn hợp lý từ 3 đến 4 bữa một ngày, nên ăn hơi mặn để giữ nước trong cơ thể, tăng lượng máu lưu thông trong lòng mạch máu dẫn đến tăng huyết áp. Tăng cường thức ăn chứa nhiều sắt như thịt nạc, gan động vật, mộc nhĩ, nấm hương khô, cần tây, rau đay, quả lựu, táo…
Đối với những người lựa chọn phương pháp chữa huyết áp thấp bằng thuốc, phương pháp điều trị tùy thuộc vào bệnh lý chính gây ra huyết áp thấp. Việc sử dụng thuốc cần phải dựa trên cơ sở khám bệnh rõ ràng, có sự chỉ dẫn của các thầy thuốc. Tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/1001169/dieu-tri-va-phong-huyet-ap-thap