Điều trị và phòng ngừa bệnh suy tĩnh mạch

Ngày nay cùng với sự phát triển kinh tế và thay đổi lối sống của người dân thì suy tĩnh mạch trở thành một trong những bệnh phổ biến trên thế giới với tỷ lệ bệnh ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa.

Bệnh ảnh hưởng lớn lên sức khỏe người bệnh cả thể chất, tâm thần và xã hội, nếu không điều trị không kịp thời sẽ gây những biến chứng nặng nề.

Suy tĩnh mạch mạn tính là gì?

Tĩnh mạch chi dưới có nhiệm vụ đưa máu từ chân trở về tim. Tại đây có hệ thống van một chiều giúp giữ cho máu không trào ngược dòng. Khi thành tĩnh mạch và/hoặc hệ thống van này bị suy sẽ dẫn đến tình trang ứ trệ máu, tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch chân, lâu dần dẫn đến tình trạng suy tĩnh mạch mạn tính.

Điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh Phạm Hùng

Điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh Phạm Hùng

Bệnh gây ra hàng loạt các triệu chứng khó chịu ở chân: Sưng cẳng chân và mắt cá, đặc biệt sau một ngày đứng lâu - ngồi nhiều, đau mỏi ở chân, dị cảm gồm ngứa, tê bì, châm chích, chuột rút về đêm, giãn tĩnh mạch nông, rối loạn dinh dưỡng da (chàm, mảng sắc tố) và loét chân. Nếu không điều trị kịp thời có thể gây tàn phế, thậm chí tử vong do cục máu đông bóc tách khỏi thành tĩnh mạch theo máu về tim gây thuyên tắc động mạch phổi.

Ai dễ mắc bệnh? Bệnh có liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ, trong đó chủ yếu gặp ở người trên 50 tuổi, nữ giới, thừa cân/béophì, hút thuốc lá, phụ nữ mang thai hoặc sử dụng thuốc tránh thai, tiền sử gia đình có cha/mẹ mắc bệnh, tiền sử bản thân bị huyết khối, tư thế đứng lâu, ngồi nhiều và ít vận động.

Phòng ngừa và điều trị?

Suy tĩnh mạch là một bệnh mạn tính, hay tái phát và tiến triển theo tời gian. Để tránh các biến chứng, người bệnh cần đến bệnh viện ở giai đoạn sớm, không tự ý mua thuốc chữa bệnh tại nhà, kiên trì điều trị theo hướng dẫn bác sĩ, tái khám định kỳ. Ở giai đoạn sớm với giãn tĩnh mạch nhỏ dạng lưới hay mạng nhện, cần tuân thủ điều trị bằng thuốc và mang vớ y khoa. Ở giai đoạn đã có giãn thân tĩnh mạch, cần phẫu thuật cắt bỏ các búi tĩnh mạch giãn hoặc can thiệp nội mạch kết hợp điều trị nội khoa. Nếu điều trị tốt, người bệnh vẫn có thể làm việc sinh hoạt bình thường

Dự phòng chủ yếu là thay đổi lối sống: Kiểm soát tốt cân nặng tránh thừa cân/ béo phì; chế độ dinh dưỡng phù hợp giảm chất béo, tăng cường chất xơ, uống đủ nước, tránh táo bón; tập thể dục đều đặn; cai thuốc lá; bảo vệ chân tránh chấn thương; thay đổi tư thế thường xuyên, tránh đứng lâu ngồi nhiều.

Mang vớ y khoa có tác dụng hỗ trợ chân, giảm đường kính tĩnh mạch, khép kín các van, ngăn máu chảy xuống phần thấp của chân. Chỉ định ở người có hoạt động phải đứng nhiều trong ngày; dự phòng với phụ nữ giai đoạn mang thai; giảm các triệu chứng khó chịu ở chân; hỗ trợ sau phẫu thuật điều trị cắt bỏ tĩnh mạch.

Vận động thể lực nhằm tăng cường sức mạnh, chức năng bơm của cơ bắp chân, tăng huyết động tĩnh mạch, giúp giảm các triệu chứng khó chịu ở chân. Vận động thể lực bao gồm các hoạt động tăng tính di động ở chân như tránh đứng lâu, ngồi nhiều, ngồi bắt chéo chân,… thay vào đó nên thay đổi tư thế thường xuyên, tham gia các hoạt động thể dục thể thao vừa sức như đi bộ, tập dưỡng sinh, đạp xe đạp… Khuyến khích các bài tập vận động ở chân thường xuyên trong ngày ở tư thế đứng, ngồi, nằm; kê cao chân khi ngủ tạo điều kiện cho máu tĩnh mạch hồi lưu tốt.

PGS.TS. BS Nguyễn Hoài Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dieu-tri-va-phong-ngua-benh-suy-tinh-mach.html