Điều trị viêm tai giữa bằng thổi bồ hóng, bột đá gây nguy hiểm

Viêm tai giữa là một bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Được xếp vào nhóm bệnh viêm đường hô hấp trên, bệnh sẽ để lại nhiều hậu quả xấu nếu cha mẹ điều trị cho trẻ sai cách.

Viêm tai giữa cấp có thể gây thủng màng nhĩ, làm tiêu xương

Viêm tai giữa là một bệnh thường gặp ở trẻ em. Nếu không được điều trị triệt để, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, áp xe não, gây liệt dây thần kinh số 7.

Viêm tai giữa thường gặp ở trẻ từ 6 tháng tới 3 tuổi. Trẻ thường mắc viêm tai giữa do viêm VA lan vào vòi nhĩ, làm cho vòi nhĩ bị viêm và tắc lại. Ở trẻ em vòi nhĩ ngắn hơn, khẩu kính lớn hơn ở người lớn nên vi khuẩn và các chất xuất tiết ở mũi họng rất dễ lan lên tai giữa. Đặc biệt, hệ thống niêm mạc đường hô hấp (niêm mạc mũi họng, niêm mạc hòm tai, niêm mạc khí phế quản…) ở trẻ rất nhạy cảm, rất dễ phản ứng với những kích thích bằng hiện tượng xuất tiết dịch, làm cho dịch ứ đọng nhiều trong hòm tai, gây viêm.

Điều nguy hiểm là viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ có thể gây thủng màng nhĩ, làm tiêu xương… ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ và dẫn đến rối loạn ngôn ngữ. Nếu không được điều trị triệt để, bệnh có thể gây các biến chứng nhiễm trùng sọ não rất nguy hiểm như viêm màng não, áp xe não, viêm tắc tĩnh mạch bên hoặc gây liệt dây thần kinh mặt (dây số 7).

Ở giai đoạn đầu biểu hiện của bệnh viêm tai giữa không rõ rệt, trẻ không sốt, không đau tai, rất ít khi có ù tai, không chảy dịch ở tai. Triệu chứng duy nhất là trẻ bị nghễnh ngãng nên cha mẹ thường hay bỏ qua và cho rằng trẻ thiếu tập trung. Khi chuyển sang giai đoạn mạn tính mới có hiện tượng chảy mủ tai.

Vì vậy, ngay từ giai đoạn ủ bệnh (trẻ sốt, thường là sốt cao 39 - 40 độ C, quấy khóc nhiều, trẻ bé thường bỏ bú, kém ăn, nôn trớ, đi ngoài, co giật, lấy tay dụi vào tai…), người lớn cần đưa trẻ đi khám và điều trị. Nếu được phát hiện sớm, thầy thuốc sẽ chủ động chích rạch dẫn lưu hoặc sau khi vỡ mủ được điều trị cẩn thận thì bệnh sẽ khỏi sau 1 - 2 tuần, không để lại di chứng.

Viêm tai giữa là một bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ảnh minh họa.

Viêm tai giữa là một bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ảnh minh họa.

Không được tự ý điều trị bệnh viêm tai giữa

Trên thực tế có nhiều cha mẹ khi thấy trẻ bị viêm tai giữa thường dùng các phương pháp truyền miệng, theo kinh nghiệm hoặc theo mách bảo để điều trị. Nhiều trường hợp đã thổi bồ hóng, bột đá, ôxy già… vào trong tai để chữa viêm tai giữa, điều này gây khó khăn cho bác sĩ trong quá trình chẩn đoán và điều trị. Nhiều mẹ còn dùng các dạng thuốc viên nghiền ra để thổi vào trong tai, dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn.

Cần biết, khi chẩn đoán và theo dõi quá trình điều trị viêm tai giữa, bác sĩ sẽ thăm khám màng nhĩ bằng nội soi. Việc cha mẹ thổi các dị vật vào trong tai khiến màng nhĩ bị che lấp, khó quan sát. Bên cạnh đó những dị vật này thường khó để lấy ra, gây ảnh hưởng tới quá trình điều trị.

Cha mẹ cần lưu ý ở giai đoạn viêm tai giữa màng nhĩ chưa thủng, mọi thứ đưa vào tai ngoài không thể tác động đến tai giữa. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp mách bảo để điều trị trong viêm tai giữa ở trẻ là không hiệu quả và gây khó khăn trong việc chẩn đoán, điều trị sau này. Khi trẻ có những dấu hiệu sốt, quấy khóc trên nền bệnh mũi họng, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Với viêm tai giữa ở trẻ giai đoạn 3 là giai đoạn chảy mủ chảy ra ống tai ngoài qua lỗ thủng màng nhĩ thì cần thăm khám bác sĩ tai mũi họng để làm thuốc tai, nhỏ thuốc kháng sinh qua lỗ thủng vào tai giữa. Đặc biệt lưu ý không tự mua thuốc nhỏ tai vì có một số thuốc có độc tính cho tai trong, có thể gây mất thính lực và chóng mặt.

Việc điều trị còn tùy theo nguyên nhân gây bệnh, tùy theo sức đề kháng của cơ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc khác nhau cho phù hợp.

Việc điều trị viêm tai giữa bao gồm các phương pháp điều trị khác nhau như:

Điều trị nội khoa giúp giảm triệu chứng như giảm đau, hạ sốt, chống viêm, loãng đờm... Hoặc sử dụng kháng sinh theo phác đồ điều trị. Trong trường hợp điều trị kháng sinh không đỡ thì có thể sử dụng phương pháp trích màng nhĩ để cấy vi khuẩn điều trị theo kháng sinh đồ.

Trường hợp bệnh viêm tai giữa ở trẻ bị tái đi tái lại nhiều lần có thể áp dụng phương pháp đặt ống thông khí để dẫn lưu dịch ra ngoài và đưa thuốc từ ngoài vào tai giữa.

Lời khuyên thầy thuốc phòng viêm tai giữa

Để phòng ngừa viêm tai giữa cấp ở trẻ em, cha mẹ cần lưu ý những yếu tố thuận lợi có thể gây viêm tai giữa hoặc tái phát viêm tai giữa ở trẻ như:

Viêm VA tái phát nhiều lần.
Viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng.
Trào ngược dạ dày.
Trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá.
Trẻ đi nhà trẻ.
Trẻ bú bình.

Từ đó cha mẹ có thể phòng các bệnh viêm mũi họng nói chung và viêm tai giữa ở trẻ nói riêng. Ngoài ra, cha mẹ có thể hạn chế nguy cơ mắc viêm tai giữa ở trẻ bằng cách tiêm phòng đầy đủ các mũi phế cầu.

BS. Nguyễn Thị Bích

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dieu-tri-viem-tai-giua-sai-cach-bang-thoi-bo-hong-bot-da-gay-nguy-hiem-1692408250955118.htm