Điều ước ở ngã ba Cây cốc

Chạy dọc quốc lộ từ Bắc vào Nam, qua khỏi thị trấn Hà Lam chừng 3 cây số sẽ gặp ngã ba có cây đa sộp sải nhánh hướng về phía Tây.

Chạy thẳng thì vào thành phố, hướng rẽ lên là con đường 14E dẫn tới mấy xã miền núi. Gốc đa cổ thụ bị rỗng ruột bên trong, nghe đồn ở bọng rỗng đó trước đây có cây cốc đã cháy 3 ngày 3 đêm do trúng đạn rốc-két. Chắc hẳn cái tên ngã ba Cây cốc được đặt vì lẽ ấy.

Cây đa tỏa bóng rợp cả khoảng trời. Nghe đâu cây thiêng lắm, chẳng đứa trẻ nào dám xúm xít tụ tập. Một phần vì bị ba má la cấm. Cây nằm ở ngã ba, nơi xe cộ ngày đêm rượt đuổi nhau, làm chi còn chỗ cho những trò chơi con nít.

Phước hay lò dò theo chân má ra gốc đa mỗi tối rằm, mùng 1 để cầu bình an cho cả nhà. Cái thời bước chân chưa ra khỏi xóm, tầm mắt chỉ tới cánh đồng lúa làng Quán Hương, Phước chưa làm sao hiểu được nỗi lo lắng trong lòng má.

Cành lá đa lao xao trong gió đêm đã vẽ vào đầu Phước bao nhiêu câu chuyện rờn rợn về một thế giới ma quái đáng sợ. Trẻ con sợ ma là chuyện thường tình. Kể cả người lớn, điều gì không nhìn thấy nắm bắt được, không chắc chắn có thật trên đời, đều là thứ khiến ta phải e dè.

Tới khi lớn lên, Phước đã hết bị mấy con ma ám ảnh nhưng gốc đa luôn là bóng đen ghim sâu trong tâm trí. Cô còn nhớ rất rõ dáng vẻ của má trưa nắng oi oi đó. Má gào lạc cả giọng, tóc rũ rượi lòa xòa dính bết vào mặt do mồ hôi.

- Cường ơi, má mua sách vở cho con rồi đây. Cường ơi, con hứa từ ni chăm học hơn mà. Má mua sách vở cho con rồi con ơi…

Má lả đi trong giàn giụa nước mắt. Phước ngồi bệt trên nền xi-măng lỗ chỗ, thẫn thờ hướng mắt chăm chăm vào chiếc quan tài đặt giữa nhà. Nằm trong ba miếng gỗ đóng kín, phía trên đậy tấm kính trong suốt, là xác anh Hai của Phước. Mặc dù chỉ chênh nhau 2 tuổi nhưng anh Hai luôn là người đứng ra che chắn cho Phước mỗi khi bọn trẻ con trong xóm bắt nạt hoặc lúc má đánh đòn. Anh cưng Phước nhất nhà, bất kể điều chi cũng nhường cô.

Vì tránh chiếc xe đột nhiên lao ra từ hẻm nhỏ, anh Hai đã loạng choạng tay lái chẳng kịp bóp phanh, tông thẳng vào xe tải ngược chiều. Cả người lẫn chiếc Cub 50 bị kéo rê ra giữa quốc lộ cách ngã ba Cây cốc chừng 5 m.

Xen lẫn vào tiếng nhạc cứa lòng là câu nói lặp đi lặp lại "má mua sách vở cho con rồi". Chỉ 2 ngày nữa là tựu trường, 2 ngày nữa anh em cô bước vào lớp mới gặp thầy bạn mới cười đùa vui vẻ. Cả cuộc đời dài thế, anh của Phước lại phải dừng lại khi mới vừa tròn 17.

***

Phố sưa vàng nằm giữa ngã ba, nơi hợp lưu 3 dòng sông, kỳ lạ từ cái tên Tam Kỳ cho tới cả người dân ở đây. Bà Hiền mỗi trưa ra chợ, vẫn nghe mấy bà già bán cá xì xầm: "Xa xôi chi đó mà lầm. Phải hương hương bén, phải trầm trầm thơm". Câu nói thổi vào đầu bà Hiền những nghi hoặc mơ hồ ngày này qua tháng nọ. Điều gì chưa thấu rõ càng khiến người ta tò mò lo sợ.

Vậy chớ, nắng nôi oi bức cỡ nào, chỉ cần một cơn gió nồm tạt qua mát rượi liền gạt xua đi. Mùa sưa vàng rải thảm mặt đường, bà Hiền hay ra khu vườn gần mé sông đi dạo dưới bóng cây. Hương hoa thoảng nhẹ, vài cánh mỏng manh trôi xuôi dòng êm ả, ngước nhìn tán lá xanh ngắt rợp bóng, nghe lòng nhẹ nhàng hẳn. Đành rằng con dâu bà chẳng quý giá như trầm hương thơm ngát trong rừng già, cũng không xinh đẹp tựa góc trời hoa sưa rực vàng nhưng nào có xấu xa như lời mai mỉa của miệng người.

Con dâu bà Hiền là cử nhân kinh tế loại giỏi hẳn hoi, chăm chỉ cặm cụi lo làm lo ăn. Leo mãi mới lên được chức phó phòng kinh doanh. Dễ đâu ở cái tuổi mới 27 mà đã thành công được như thế. Thói đời, "trâu buộc ghét trâu ăn". Họ thấy nhà bà nở mày nở mặt "chân gọt bớt phèn" nhờ con dâu giàu có nên ghen ăn tức ở với bà thôi.

Thằng con trai bà Hiền thiệt đúng nghĩa "tứ đổ tường". Có thói chi mà nó không chơi, từ đi bar nhảy nhót, cá độ đá banh, cặp kè những đứa con gái tóc vàng áo hở rốn tới cả dính vào mấy trò hút shisha. Hên sao số trời run rủi, đợt trung thu năm đó nó về thăm quê, tán đổ đứa con dâu này. Con bé cũng đâu phải dạng vừa nhưng chơi ra chơi, học ra học. Nhờ nó mà đời thằng con bà mới được vớt từ dưới hố lên. Lết mãi, thằng con bà Hiền cũng cầm được tấm bằng đại học, ra trường còn đợi con bé xin việc sẵn cho.

Bà Hiền nhìn đứa con dâu ở ngoài đường hét ra lửa nhưng về nhà cung cúc lo cơm nước cho con trai bà, lụy tình một thằng nhóc bất tài, lòng bà không khỏi xót xa. Gia đình bà mặc kệ quá khứ của con dâu đã xảy ra điều chi, chỉ cần tương lai phía trước, vợ chồng chúng nó yêu thương nhau là được. Dẫu sao, nhà bà cũng nợ con bé quá nhiều.

Con bé lại hay nịnh nọt ngọt như mía lùi. Mấy cũng "má yêu", con mua cho má cái này, con dẫn má đi ăn chỗ kia, để con xoa bóp cho má. Cưng hết sức thế, ai lại nỡ ghét.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

***

Phước khuỵu xuống nức nở. Mười sáu tuổi, cô nào biết tình đầu ngây dại lại kết thúc bằng cách đớn đau tệ hại như rứa. Anh ta là bạn chơi chung nhóm với anh Hai, nhà ở bên làng Quán Hương. Từ sau ngày anh Hai mất, má lúc mơ lúc tỉnh, khi khóc khi cười, sáng ôm mớ sách vở tới nhàu nát, tối ôm bộ quần tây áo trắng đến ngả vàng. Ba phơi mình trên cánh đồng, chôn chân ngoài vườn cảnh hoặc trốn biệt trong mấy quán nhậu.

Phước luôn sợ phải ở trong căn nhà ngập hương khói trầm xen lẫn mùi rượu và nước mắt. Phước theo anh ta vào tiệm net, đi thụt bi-da, trượt pa-tin, lang thang cả đêm dưới biển. Ba má bỏ lửng Phước, quên bẵng rằng trong căn nhà vừa mất đi đứa con trai duy nhất, vẫn còn lại một đứa con gái đang tuổi dậy thì.

Ông bà nói cấm có sai, "đi đêm lắm sẽ có ngày gặp ma". Đợi ba má tỉnh ra, Phước đã mang cái bụng chình ình gần 4 tháng. Má đóng cửa, cấm anh ta tới nhà gặp Phước. Ba lên trường xin bảo lưu kết quả học tập. Hàng xóm phong thanh chưa kịp hiểu chuyện chi, nghe bảo rằng Phước bị bệnh thần kinh cần chữa kín. Vấp váp đầu đời của Phước, ba má giải quyết cái rẹt.

Giỗ đầu anh trai, Phước gói ghém quần áo rời thị trấn, chuyển trường vào thành phố học. Ngoái đầu nhìn lại, tán đa cổ thụ nơi ngã ba Cây cốc vẫn mướt xanh một màu.

- Rứa là con phá cái thai hở? Sinh linh vừa mới tượng hình đâu có lỗi chi!

Bà Hiền thảng thốt cau mày hỏi. Phước lắc đầu nhè nhẹ, mặc cho hai hàng nước mắt đua nhau lăn dài.

Phước chấp nhận mất một năm, bất chấp cơ thể yếu ớt của mình để sinh đứa bé ra. Đầy tháng, ba má Phước mang cậu con trai đang quấn tã của cô trao cho gia đình nội nó. Hai bên thống nhất, chuyện Phước là mẹ đứa bé sẽ được giấu kín. Phước đã cho họ đứa cháu nối dõi, sau này cô chẳng dính dáng chi nữa.

Phước còn con đường tương lai phía trước để đi, không thể vì một chút lỡ dại mà bỏ học vùi đời mình ở chốn ni được. Tại bước ngoặt của tuổi trẻ, nếu lựa chọn sai lầm và thiếu quyết đoán có thể phá hỏng cả cuộc đời. Cũng như đến ngã ba Cây cốc, rẽ sai hướng thì đích đến sẽ hoàn toàn khác nhau.

Bà Hiền thở hơi ra, vừa nhẹ nhõm xen lẫn chua xót. Bà ghét nhất những kẻ nhẫn tâm bỏ đi bào thai đang cựa quậy trong bụng mình. Làm như thế là mang tội nghiệt rất lớn. Con cái đến với mình nói cho cùng cũng là duyên nợ của đôi bên. Ở cái tuổi nông nổi đó, may rằng Phước vẫn quyết định sinh con ra. Phải mạnh mẽ, cứng cỏi bao nhiêu mới đi qua được sóng gió lớn nhường ấy.

Ráng chiều nhả những tia nắng yếu ớt sót lại của ngày xuống, chiếu thẳng lên gương mặt bầu tròn của Phước. Cô có làn da ngăm ngăm nâu khỏe khoắn, từng đường nét nhỏ nhắn, đôi mắt ướt và thần thái cực sáng. Có lẽ bà Hiền yêu quý Phước là vì sự lanh lợi thuần khiết ẩn đằng sau con người nhỏ bé luôn cười tí tởn của cô. Bây chừ nghe con dâu kể lại tổn thương sâu sắc thời non dại, bà Hiền lại càng thương Phước hơn nữa.

***

Mười mấy năm rồi, Phước mới bước chân ra chỗ gốc đa sộp nơi ngã ba Cây cốc. Trước đây, mỗi lần về, Phước chỉ đi ngang, còn chẳng dám liếc nhìn một cái. Nay gánh nặng trong lòng đã được gỡ bỏ, cô hít hơi sâu để đối mặt với quá khứ.

Khung cảnh không thay đổi nhiều so với xưa. Rễ đa chằng chịt đan chéo vào nhau, gốc nâu sần sùi, thân cây cứng cáp tỏa bóng. Trên thân cắm ít chân nhang tăm đỏ. Khoảng đất rộng quanh gốc được bọc bởi bậc xi-măng, mấy cái dù bạt dựng lên, vài chiếc bàn, dăm ba chiếc ghế nhựa cỏn con. Xe bánh mì, quán bún mắm bên cạnh quán nước mía, nước dừa. Thảng hoặc vài người khách đi đường dừng xe nghỉ mát.

Phước ngồi sát gốc cây, gọi ly chè đậu thập cẩm, ngước mắt nhìn khoảng trời xanh trên cao. Năm ấy, lời nguyện cầu bình an cho anh Hai không thành nhưng điều ước của Phước vào ngày rời đi đã hóa hiện thực. Tán cây xanh mướt rì rào làm dịu cái nắng giòn tan, trong gió thoảng có tiếng cô bé 16 tuổi lầm rầm khấn xin một hạnh phúc bình dị mai này.

Truyện ngắn của Ny An

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/dieu-uoc-o-nga-ba-cay-coc-20221022182207442.htm