Điều xảy ra ở Lào sau một năm tuyến đường sắt tốc độ cao hoạt động
Đối với Kingkeo Duangphanam, 32 tuổi, người sống ở phía bắc tỉnh Luang Prabang của Lào, hành trình tới thủ đô Viêng Chăn ở phía nam bằng xe khách thường mất tới 8 - 9 tiếng.
Người dân Lào chờ đợi đoàn tàu vào ga.
Hiện nay, hành trình này đã rút ngắn còn 2 giờ nhờ tuyến đường sắt tốc độ cao Trung - Lào do Trung Quốc xây dựng.
Sau một năm tuyến đường sắt đi vào hoạt động, Kingkeo đã di chuyển từ quê nhà tới Viêng Chăn 6 lần, lần gần nhất là khi đưa con đến bệnh viện khám. Cô nói với Tân Hoa Xã rằng di chuyển bằng đường sắt rất tuyệt, tiết kiệm thời gian và thoải mái hơn nhiều, không mệt mỏi như đi xe khách.
Một nhà ga tuyến đường sắt Trung - Lào ở Vân Nam, Trung Quốc.
Kết nối Viêng Chăn với Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, tuyến đường sắt dài 1.035km tạo ra lợi ích trên diện rộng hơn là ở cấp địa phương.
Với tốc độ tối đa 160km/giờ, các chuyến tàu có thể đưa du khách và doanh nhân từ Trung Quốc sang Lào trong vòng chưa tới một ngày và ngược lại.
Tuyến đường sắt có tốc độ di chuyển tối đa 160 km/giờ.
Sau một năm, hơn 8,5 triệu hành khách và 11,2 triệu tấn hàng hóa đã được vận chuyển qua tuyến đường sắt xuyên Lào này. Tuyến đường sắt này là một dự án kết nối giữa Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc và chiến lược của Lào nhằm biến Lào từ một quốc gia không giáp biển thành một trung tâm liên kết đất liền.
Kể từ năm 2009, Lào chỉ có 3,5km đường sắt kết nối với Thái Lan và sự phát triển kinh tế từ lâu bị hạn chế đáng kể.
Giống Kingkeo, Phouttoula Xayyathit đến từ Luang Prabang có khi mất tới 12 giờ để tới Viêng Chăn bằng xe hơi. Với tuyến đường sắt Trung - Lào, tuyến đường sắt hiện đại đầu tiên đi vào hoạt động ở Lào từ ngày 3/12/2012, việc di chuyển đã thuận tiện hơn nhiều. "Tôi chưa bao giờ cảm thấy di chuyển tới Viêng Chăn tiện lợi như vậy", Phouttoula nói với Tân Hoa Xã.
Lào trước đây chưa từng có tuyến đường sắt hiện đại xuyên qua quốc gia.
Thị trấn Luang Prabang cách Viêng Chăn khoảng 220km về phía bắc, được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 1995. Đây là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch ở Lào.
Kể từ tháng 5/2022, thị trấn này đón một lượng lớn khách du lịch, đặc biệt là những người di chuyển bằng đường sắt.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, 335.794 khách du lịch, tương đương mức 85%, tới Luang Prabang bằng đường sắt, theo số liệu thống kê chính thức. Nhiều du khách đến từ các nước láng giềng như Thái Lan. "Điều này phản ánh tuyến đường sắt đã giúp thúc đẩy du lịch và hỗ trợ phát triển kinh tế", Vilaxay Xaylongsy, quản lý tại nhà ga đường sắt Viêng Chăn, nói.
Với việc rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, tuyến đường sắt Trung - Lào cũng giúp thúc đẩy thương mại. "Chúng tôi tiết kiệm 30% tổng chi phí hàng hóa từ Côn minh tới Viêng Chăn nhờ tuyến đường sắt", Yang Jie, trưởng văn phòng Côn Minh của một công ty quản lý chuỗi cung ứng có trụ sở tại Thượng Hải, nói.
Các dữ liệu mới nhất cho thấy hàng hóa được vận chuyển qua tuyến đường sắt Trung - Lào với hơn 1.200 mặt hàng khác nhau.
Hàng hóa được vận chuyển qua tuyến đường sắt Trung - Lào.
"Người dân và doanh nghiệp trên cả nước đã được hưởng lợi từ tuyến đường sắt giúp tiết kiệm thời gian, di chuyển thuận tiện và góp phần thúc đẩy nền kinh tế Lào phát triển lên một tầm cao mới", Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena nói.
Kể từ năm 2018, Lào đã thường xuyên gửi sinh viên sang Trung Quốc học tập về lĩnh vực đường sắt. Những người này đã quay về nước làm việc cho dự án đường sắt Trung - Lào và trở thành những nhân tố chính.
Hàng ghế bên trong toa tàu.
"Để nhiều người Lào có cơ hội học hỏi kiến thức về đường sắt, tôi đã đến Trung Quốc để học tập. Khi trở về, tôi sẽ dạy lại những gì mình đã học được cho những người khác", sinh viên Lào Weobandid Phonvilai nói.
Ngoài ra, hơn 700 công dân Lào đang làm việc tại tuyến đường sắt, tạo thêm công ăn việc làm cho người Lào.
Trung Quốc hiện đang thúc đẩy dự án đường sắt tốc độ cao mới với Thái Lan. Một khi dự án hoàn tất, các chuyến tàu sẽ khởi hành từ Bangkok tới thị trấn biên giới Nong Khai. Tại khu vực này, một cây cầu sẽ kết nối dự án với tuyến đường sắt Trung - Lào, tạo cơ hội để người Thái Lan di chuyển bằng đường sắt trực tiếp qua Lào tới Côn Minh, theo Tân Hoa Xã.
Người dân Lào xếp hàng chờ đến lượt ở nơi bán vé.