DIG lại bị bán tháo, một cổ phiếu tăng trần 10 phiên liên tiếp
Thị trường chứng khoán phiên cuối tuần tiếp tục duy trì sự ảm đạm từ phiên hôm qua, tâm lý nhà đầu tư tiêu cực khiến VN-Index thủng mốc 1.030 điểm. DIG lại bị bán tháo với hơn 2,6 triệu đơn vị dư bán sàn.
Kết phiên 3/3, chỉ số sàn HoSE giảm gần 13 điểm, về mốc 1.024,77 điểm. HNX-Index giảm 1,25 điểm còn UPCoM giảm 0,48 điểm. Tổng giá trị giao dịch qua kênh khớp lệnh đạt hơn 8.000 tỷ đồng, có cải thiện hơn phiên hôm qua ngày 2/3 nhưng vẫn ở mức thấp.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 100 tỷ đồng trên sàn HoSE (trong tổng số gần 1.300 tỷ đồng giao dịch), đánh dấu chuỗi 3 tuần bán ròng liên tiếp.
HPG dẫn đầu chiều bị bán ròng với giá trị hơn 50 tỷ đồng. SSI, VCB, KBC cùng bị bán ròng hơn 20 tỷ đồng. Danh sách bán ròng còn có VND, CTG, MSN, DXG, KDC, KDH…
Chiều ngược lại, HSG được mua ròng mạnh nhất với giá trị gần 35 tỷ đồng. Tiếp sau là NKG 19 tỷ đồng, VNM 13 tỷ đồng, STB 11 tỷ đồng, BID 10 tỷ đồng…
Trong rổ VN30, chỉ còn PLX giữ được sắc xanh, tỷ lệ tăng chỉ 0,4%. Ba mã đứng tham chiếu là CTG, PDR và NVL. Còn lại giảm mạnh nhất là MSN -3,8%, các mã ACB, MWG, POW, STB, VCB giảm hơn 2%.
Hai mã có khối lượng khớp lệnh cao nhất là HSG (25 triệu đơn vị) và DIG (22,8 triệu đơn vị). DIG chịu lực bán tháo từ thời điểm 10h30 phiên sáng, tuy nhiên lực cầu cũng tốt nên số lượng khớp lệnh lớn. Mặc dù vậy, cổ phiếu của DIC Corp vẫn dư bán sàn 2,6 triệu đơn vị khi kết phiên.
Nhóm cổ phiếu giữ được sắc xanh duy nhất trong phiên hôm nay là nông nghiệp nhưng tỷ lệ chỉ +0,6%. Kết quả tích cực nhờ 2 mã thuộc ngành trồng trọt tăng trần là VIF và HKT. ASM cũng tăng nhẹ 0,12%, còn các mã đầu ngành như HAG, HNG, BAF vẫn giảm trên dưới 2%.
Tạo gánh nặng cho VN-Index nhất chính là nhóm dịch vụ tài chính. Tại ngành chứng khoán, VND -2,2%, SSI -1,1%, VCI -4,1%, VIX -2,2%, SHS -2,4%, MBS -3%, HCM -2,6%, CTS -3,8%... Chỉ có 2 mã ở chiều tăng là TVS (+1,1%) và VIG (+3,6%).
Trong phiên hôm qua, VIG của Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng là mã ngược dòng thị trường, tăng hết biên độ 10%, sau khi công ty công bố kế hoạch lãi khủng trong năm 2023.
Tại ngành ngân hàng cũng chỉ có 3 mã nhỏ giữ được sắc xanh là BAB, VAB và VBB. PGB giảm mạnh nhất 4,3%. Nhiều mã giảm hơn 2% như VCB, STB, ACB, NAB, NVB, MSB…
Các nhóm còn lại, dòng tiền rút ra trên diện rộng nên đa số các mã đều giảm giá nhưng mức giảm không sâu.
Về cổ phiếu riêng lẻ, đáng chú ý là IBC của Apax Holdings có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp. CFV của CTCP Cà phê Thắng Lợi có phiên trần thứ 10; thị giá tương ứng tăng 351% lên mức 38.800 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên thanh khoản của CFV chỉ vài trăm đơn vị/phiên.
Nửa cuối quý 3/2022, CFV từng ghi nhận chuỗi tăng trần 23 phiên liên tiếp từ ngày 15/8 - 16/9; thị giá được kéo tăng từ mức 4.300 đồng lên 91.300 đồng - tương ứng tăng 2.023% chỉ trong 1 tháng. Dù vậy, thanh khoản của mã cũng chỉ đạt trung bình vài trăm đơn vị/phiên.
Về mặt kỹ thuật, VN-Index hôm nay tiếp tục giảm điểm với mẫu hình Black Marubozu. Khối lượng giao dịch vẫn duy trì ở mức thấp cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư. Chỉ báo MACD tiếp tục lao dốc sau khi phá vỡ ngưỡng 0 nên khả năng có hồi phục mạnh trong ngắn hạn không lớn.