Đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973) là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Đây cũng là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris, ngày 27/1/1973. Ảnh: Tư liệu

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris, ngày 27/1/1973. Ảnh: Tư liệu

Chiến thắng của chính nghĩa

Từ ngày 23 đến ngày 26/1/1967, Hội nghị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định nâng hoạt động ngoại giao thành một mặt trận để phối hợp với mặt trận quân sự và chính trị. Tiếp đó, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, mở ra cục diện mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã mở màn vào đêm 30, rạng ngày 31/1/1968, làm cho Mỹ - ngụy bị bất ngờ, không kịp trở tay đối phó. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta không chỉ có ở Tết Mậu Thân, mà trên thực tế, đây chỉ là đợt 1, còn đợt 2 và đợt 3 diễn ra mùa Hè và mùa Thu năm 1968. Kết quả, quân và dân ta ở miền Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 630.000 tên Mỹ, ngụy và quân của các nước đồng minh Mỹ; tiêu diệt và đánh thiệt hại 1 lữ đoàn, 7 trung đoàn, chiến đoàn, tiểu đoàn bộ binh, 18 chi đoàn thiết giáp; phá hỏng, phá hủy 13.000 xe quân sự, 1.000 tàu, xuồng chiến đấu trên sông, 700 kho đạn, 100 khẩu pháo các loại; diệt, bức hàng, bức rút 15.000 đồn bốt, chi khu.

Ngày 13/5/1968, Hội nghị Paris giữa phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ chính thức bắt đầu. Tuy nhiên, không từ bỏ âm mưu xâm lược, đế quốc Mỹ đã thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam, leo thang đánh phá miền Bắc, xâm lược Lào, Campuchia. Bởi vậy, trên chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị chủ trương phát triển thế tiến công chiến lược nhằm thay đổi cục diện chiến tranh có lợi cho cách mạng.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và giành thắng lợi to lớn, làm chuyển biến căn bản cục diện chiến tranh. Ta đã diệt và làm tan rã khoảng 30 vạn quân địch, giải phóng những vùng đất rộng gồm trên 1 triệu dân, đưa tổng số dân được giải phóng lên tới 4 triệu (trong tổng số 11 triệu dân). Thắng lợi của cuộc tiến công đã góp phần buộc đế quốc Mỹ phải ngồi lại đàm phán với phía ta để kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Đúng như dự đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội…”. Tuy phía Mỹ tuyên bố “Hòa bình trong tầm tay”, nhưng ngay sau khi Richard Nixon trúng cử Tổng thống nhiệm kỳ hai, phía Mỹ lại trì hoãn việc ký hiệp định. Sau đó, Mỹ thực hiện chiến dịch quân sự “Linebacker II” đánh phá ồ ạt bằng lực lượng không quân được huy động lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương trên miền Bắc nước ta nhằm bắt phía ta phải ngồi lại đàm phán theo hướng có lợi cho Mỹ. Với 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, quân và dân miền Bắc đã tiêu diệt 81 máy bay các loại, trong đó có 34 pháo đài bay B-52 của Mỹ.

Trận “Điện Biên Phủ trên không” khiến Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Hiệp định Paris là thắng lợi tổng hợp của nước ta trong cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao; là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

Các nguyên tắc trên tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến” luôn được giữ vững. Lập trường của ta trong các cuộc đàm phán là luôn khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam; lên án tội ác chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trên hai miền Nam, Bắc Việt Nam; đòi Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam; yêu cầu chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện việc ném bom miền Bắc Việt Nam của Mỹ… Chúng ta đã linh hoạt ứng xử trong các tình huống cụ thể nhưng không bao giờ từ bỏ các nguyên tắc đó và chúng ta đã chiến thắng.

Tạo bước ngoặt lớn cho lịch sử dân tộc

Theo Hiệp định Paris, Mỹ không được tiếp tục dính líu quân sự, không can thiệp công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam. Mỹ phải ngừng bắn, rút hết quân trong 60 ngày. Sau khi hiệp định được ký kết, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, Đảng đã tạo ra thế và lực mới cho cuộc chiến đấu của dân tộc ta, tạo thế xoay chuyển có lợi cho cách mạng, đi đến Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hiệp định Paris được ký sau quá trình đàm phán dài tới 4 năm 8 tháng 16 ngày (từ năm 1968 đến năm 1973), gồm 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn và nhiều phong trào phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ trên khắp thế giới.

Phát biểu với báo chí nhân kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp định Paris, ông Trịnh Ngọc Thái, thành viên đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp khẳng định: Cuộc đàm phán Paris về Việt Nam đã trở thành trung tâm chú ý của dư luận thế giới vì cuộc đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ là tâm điểm của những mâu thuẫn cơ bản của thời đại lúc bấy giờ. Việc ký kết Hiệp định là sự tháo nút cho cuộc chiến tranh ác liệt và lâu dài nhất trên thế giới sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai... Đàm phán Paris được đánh giá là cuộc đấu trí căng thẳng giữa hai nền ngoại giao. Đó là nền ngoại giao trên thế mạnh của Mỹ và nền ngoại giao nhân văn của Việt Nam.

Các bài học của Hội nghị Paris là hành trang quý giá để nước ta tạo dựng, củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, tạo tiền đề thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 190 quốc gia trên thế giới thuộc tất cả các châu lục, trong đó, 3 nước có quan hệ đặc biệt, 17 đối tác chiến lược (4 đối tác chiến lược toàn diện), 13 đối tác toàn diện; có quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Việt Nam cũng đang là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong nhiều cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc. Việt Nam hiện là một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 (nhiệm kỳ 2022-2023) đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Kết quả này phản ánh sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam sau quá trình dài đóng góp vào hòa bình, an ninh thế giới.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá vị thế, uy tín, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao. Đại hội cũng đã xác định xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân để tiếp tục nâng tầm vị thế quốc gia. Văn kiện Đại hội đã khẳng định: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”.

Nguyễn Văn Toàn

------------------------------------

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”, tập 1, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr. 162.

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dinh-cao-thang-loi-cua-mat-tran-ngoai-giao-viet-nam-trong-thoi-ky-chong-my-cuu-nuoc-post457823.html