Đình chỉ cơ sở sản xuất giò lụa 'chui' nghi gây ra chùm ca ngộ độc
Cơ quan chức năng bước đầu yêu cầu tạm ngưng hoạt động đối với cơ sở sản xuất giò lụa 'chui' nghi gây ra chùm ca ngộ độc botulinum ở TP Thủ Đức.
Liên quan đến chùm ca ngộ độc botulinum tại Thủ Đức, tối 20-5, đại diện Phòng Y tế TP Thủ Đức cho hay ngay sau khi nhận được thông tin có người ngộ độc botulinum do ăn giò lụa từ người bán dạo, cơ quan này đã phối hợp công an kiểm tra cơ sở kinh doanh giò lụa nghi gây ngộ độc ở Thủ Đức.
Giò lụa gây ngộ độc được sản xuất “chui”
Cụ thể, cơ quan chức năng xác định chủ lò bánh mì lấy giò lụa tại một cơ sở sản xuất giò lụa ở phường Trường Thọ, TP Thủ Đức. Phòng Y tế TP Thủ Đức đã phối hợp cùng Công an phường Trường Thọ và UBND phường Trường Thọ tiến hành kiểm tra cơ sở này.
Qua làm việc, lực lượng chức năng xác định cơ sở này đã hoạt động khoảng hơn hai tháng nay, không có giấy phép kinh doanh, kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ, cơ sở không có biển hiệu.
Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ cơ sở cho biết chỉ buôn bán nhỏ lẻ nên không có các giấy tờ liên quan. Bước đầu, đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở này ngưng hoạt động, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính vì các lỗi liên quan.
Theo đoàn kiểm tra, đây chỉ là nghi ngờ và hiện cơ quan chức năng đã lấy mẫu giò lụa tại cơ sở đi xét nghiệm và đang chờ kết quả kết chính.
Giò lụa bọc kín, bắt đầu chảy nước
TS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (BV Chợ Rẫy), cho biết chùm ca ngộ độc botulinum ở TP Thủ Đức đều ăn giò lụa có đặc tính bắt đầu chảy nước. Loại chả này được bọc bằng bao ni lông rất kín, khi mở ra đã chảy nước và trong tình trạng mùi vị không bình thường.
Theo BS Hùng, độc tố botulinum sinh ra từ vi khuẩn Clostridium, loại này có khắp nơi xung quanh ta, nhiều nhất là ở các phần đất cát. Vi khuẩn này không phát triển trong môi trường có không khí, tuy nhiên nếu đặt nó trong môi trường yếm khí sẽ sống lại.
Các loại thức ăn chế biến, đóng gói, đóng hộp hay đóng vào bao kín,… không có ôxy thì vi khuẩn này đều có khả năng phát triển nên nguy cơ nhiễm độc botulinum luôn rình rập.
“Nếu một số thức ăn khác có thể sử dụng bằng chế biến nấu, nên nấu ở 100 độ C trong vòng 10-15 phút sẽ hạn chế được chất độc botulinum, không đảm bảo 100% nhưng giảm rất nhiều nguy cơ ngộ độc” - BS Hùng khuyến cáo.
3 giai đoạn phòng chống ngộ độc botulinum
Giai đoạn đầu, khi chế biến thực phẩm tươi sống, các loại thức ăn đóng chai lọ, ngay thời điểm đầu tiên phải làm trong môi trường sạch. Nên lau chùi, vệ sinh vị trí chế biến thường xuyên để tránh bụi bẩn, đất cát bám vào. Các vị trí chế biến thức ăn sạch sẽ thì tránh được nguy cơ nhiễm các vi khuẩn gây hại.
Giai đoạn thứ hai, khi gói kín đồ ăn sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sống lại và phát triển. Vì thế không nên đóng kín nếu không có kỹ thuật tốt. Nếu đồ ăn đóng gói kín được sản xuất thủ công, không sử dụng phương pháp chiếu tia khử khuẩn, nên sử dụng độ chua hay độ mặn trên 5%, 5g muối/100g thức ăn. Ở môi trường quá mặn, vi khuẩn không phát triển được.
Giai đoạn thứ ba là giai đoạn sử dụng thức ăn, chúng ta phải xem hạn sử dụng. Tuy nhiên, hộp đồ ăn có vi khuẩn sẽ sinh ra khí làm móp méo hộp. Vì thế không nên ăn nếu thấy các hộp đồ ăn biến dạng, móp méo, hương vị không còn tự nhiên dù vẫn còn hạn sử dụng.
TS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (BV Chợ Rẫy).