Đình chỉ lưu hành, thu hồi tiêu hủy 206 loại mỹ phẩm

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa ra thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy 206 sản phẩm mỹ phẩm do Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Belux Việt Nam sản xuất.

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có Công văn số 2622/QLD-MP về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

Theo đó, Cục Quản lý dược thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc và tiêu hủy 206 loại sản phẩm mỹ phẩm do Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Belux Việt Nam (xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội) sản xuất.

Nguyên nhân là do các sản phẩm này sản xuất tại cơ sở không đáp ứng các điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định.

Trong danh sách 206 loại sản phẩm, có hàng chục nhãn hàng khác nhau như: Chăm sóc da, tóc; nước hoa; dung dịch vệ sinh phụ nữ; dung dịch rửa tay; nước súc miệng...

Tiêu hủy sản phẩm mỹ phẩm (Ảnh minh họa).

Tiêu hủy sản phẩm mỹ phẩm (Ảnh minh họa).

Cụ thể là sản phẩm chăm sóc, làm đẹp da mang nhãn nhiệu Sarador, GPRO; rửa tay diệt khuẩn Casavi, Beoncare, Miso, Lux’K...; kem gạo dưỡng da Me White; kem dưỡng da Tx-20; sản phẩm tắm gội Promedi; làm sạch da Shina Skin; mỹ phẩm T.a Cosmetics, Gimi, Jardin Lab, Mariadt Beauty Cosmetic, Maria DT, Mộc Hạc Anh, Sunlya, TH Beauty, De.Laru...

206 sản phẩm này do hơn 100 tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm đưa ra thị trường, có địa chỉ tại nhiều tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Thái Bình, Phú Thọ...

Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng 206 sản phẩm vi phạm và trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm.

Ngoài ra, các tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng sản phẩm; tiếp nhận sản phẩm trả lại từ các cơ sở kinh doanh và tiến hành thu hồi, tiêu hủy toàn bộ sản phẩm không đáp ứng quy định.

Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Sở Y tế Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hải Phòng và Sở Y tế các tỉnh: Phú Thọ, Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Gia Lai, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Trà Vinh, Bạc Liêu, Đồng Nai giám sát các tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

Minh Lý

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/dinh-chi-luu-hanh-thu-hoi-tieu-huy-206-loai-my-pham-442635.html