Đình công tại 3 nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ

Bắt đầu từ 15/9, Liên đoàn United Auto Workers (UAW) phát động các cuộc đình công đồng thời tại 3 nhà máy thuộc sở hữu của nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ bao gồm General Motors, Ford và công ty mẹ của Chrysler là Stellantis.

Thành viên công đoàn United Auto Workers đình công tại Nhà máy lắp ráp của Ford ở Wayne, Michigan, Mỹ ngày 15/9. Ảnh: Reuters

Thành viên công đoàn United Auto Workers đình công tại Nhà máy lắp ráp của Ford ở Wayne, Michigan, Mỹ ngày 15/9. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, các cuộc đình công có liên quan đến tổng cộng 12.700 công nhân và diễn ra tại một nhà máy do Ford điều hành ở Wayne (bang Michigan), một nhà máy do GM điều hành ở Wentzville (bang Missouri) và một nhà máy sản xuất thương hiệu xe Jeep của Stellantis ở Toledo (bang Ohio). Việc sản xuất các mẫu xe bán tải Ford Bronco, Jeep Wrangler và Chevrolet Colorado cùng với một số mẫu xe phổ biến khác dự kiến sẽ buộc phải tạm dừng tại các cơ sở này.

Các cuộc đình công đánh dấu đỉnh điểm của cuộc xung đột nhiều tuần giữa các giám đốc điều hành của Ford, GM và Stellantis với UAW trong bối cảnh công đoàn yêu cầu lợi nhuận lớn hơn cũng như yêu cầu đảm bảo việc làm cho người lao động khi các nhà sản xuất ô tô điện hóa phương tiện của mình.

UAW đang yêu cầu mức tăng lương 40% trong khi các công ty chỉ đưa ra đề nghị tăng lương 20% không đi kèm các lợi ích mà công đoàn yêu cầu. Đặc biệt, không có nhà sản xuất nào trong top 3 đồng ý với việc loại bỏ hệ thống trả lương theo cấp độ - một yêu cầu trọng tâm của UAW. Hệ thống trả lương này sẽ yêu cầu những người mới được tuyển dụng phải làm việc trong 8 năm để có mức lương tương đương với những công nhân kỳ cựu.

Thông báo trên trang Facebook cá nhân ngày 15/9, chủ tịch UAW Shawn Fain cho biết: “Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng tôi sẽ đình công tại cả 3 nhà sản xuất lớn”. Trước mắt, công đoàn sẽ không tiến hành đình công tại các cơ sở sản xuất gây thiệt hại lớn. Tuy nhiên, ông không loại trừ các khả năng khác nếu các nhà sản xuất không thống nhất được hợp đồng với công đoàn.

Theo dữ liệu của Cox Automotive trích dẫn từ báo cáo tài chính của Stellantis, công ty hiện có lượng xe Jeep tồn kho đủ cho 90 ngày và đang sản xuất xe SUV và xe tải ngoài giờ. Dù vậy, nếu việc đóng cửa kéo dài một tuần tại nhà máy Jeep của Stellantis ở Toledo, công ty có thể ghi nhận doanh thu sụt giảm hơn 380 triệu USD.

Deutsche Bank cũng đưa ra các ước tính của mình khi nhận định một cuộc đình công toàn diện sẽ khiến thu nhập của các nhà sản xuất ô tô trên giảm khoảng 400 triệu đến 500 triệu USD mỗi tuần do sản lượng bị mất. Một số tổn thất có thể được khắc phục bằng cách tăng cường lịch trình sản xuất sau cuộc đình công, nhưng khả năng này sẽ giảm dần khi cuộc đình công kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng.

Phản ứng về động thái này của UAW, Ford cho biết các đề xuất mới nhất của công đoàn sẽ khiến chi phí lao động tại Mỹ tăng gấp đôi và khiến tính cạnh tranh của công ty suy giảm so với Tesla và các đối thủ không thuộc công đoàn như Toyota, Honda và Mercedes. Đình công cũng đồng nghĩa với việc số lợi nhuận chia sẻ giữa UAW và Ford trong năm nay sẽ bị “giảm bớt”.

Trong khi đó, nhà sản xuất Stellantis cho biết công ty đã ngay lập tức được đưa vào "chế độ dự phòng" và sẽ thực hiện tất cả các quyết định cơ cấu phù hợp để bảo vệ công ty và các hoạt động ở Bắc Mỹ mà không cần giải thích chi tiết.

Về phía GM, nhà sản xuất này bày tỏ sự thất vọng vào cuộc đình công và cho biết sẽ tiếp tục "thương lượng một cách thiện chí". Reuters dẫn lời ông Gerald Johnson, giám đốc điều hành sản xuất hàng đầu của GM, cho biết các đề xuất về lương và phúc lợi của UAW sẽ khiến công ty thiệt hại 100 tỷ USD. Ông tuyên bố số tiền này "cao gấp đôi giá trị của toàn bộ General Motors và hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Chủ tịch UAW sau đó đã bác bỏ tuyên bố này khi cho biết các nhà sản xuất vẫn chi hàng tỷ USD mỗi năm để trả lương cho các giám đốc điều hành.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/dinh-cong-tai-3-nha-san-xuat-o-to-lon-nhat-nuoc-my-post26921.html