Định danh người bán hàng qua thương mại điện tử để chống hàng giả

Ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, qua các vụ việc do lực lượng chức năng kiểm tra trong thời gian gần đây, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) sản xuất trong nước tăng dần về quy mô, số vụ việc với diễn biến ngày càng phức tạp.

Tại hội thảo "Chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại điện tử, thương mại truyền thống: Thực trạng và giải pháp trong tình hình mới", do Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp với Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội tổ chức ngày 14/6, ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, qua các vụ việc do lực lượng chức năng kiểm tra trong thời gian gần đây, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) sản xuất trong nước tăng dần về quy mô, số vụ việc với diễn biến ngày càng phức tạp.

Hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ gia tăng

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT được sản xuất quy mô lớn có dấu hiệu tăng dần, việc mua bán công khai, lộ liễu gần như thách thức đối với các cơ quan chức năng. Hiện, tất cả các sản phẩm hàng hóa đều có nguy cơ bị làm giả, nguy cơ bị xâm phạm quyền SHTT do các đối tượng có chủ đích nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng.

Lực lượng chức năng trao đổi nhận diện hàng thật, hàng giả bên lề hội nghị.

Lực lượng chức năng trao đổi nhận diện hàng thật, hàng giả bên lề hội nghị.

Ở Việt Nam, nguồn hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT được xác định bởi hàng hóa nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước. Trên thị trường, các mặt hàng bị làm giả, xâm phạm quyền SHTT xuất hiện ở hầu hết các nhóm, ngành hàng tiêu dùng lương thực, thực phẩm, thuốc tân dược, đông dược, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, đồ điện tử, điện dân dụng, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, thực phẩm chức năng…; hàng thời trang như túi xách, nước hoa, đồ trang sức; vật liệu xây dựng như nhựa, sơn…

Trên thực tế, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT ngày càng đa dạng, phong phú và tinh vi, được bày bán công khai. Bên lề hội thảo, hàng trăm sản phẩm hàng giả, hàng vi phạm SHTT đã được trưng bày để các lực lượng chức năng, cơ quan quản lý nhận diện, phân biệt. Theo đó, từ những sản phẩm có giá trị nhỏ như gói dầu gội đầu, bột giặt, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, quần áo, giày dép cho tới những sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật giá trị cao như pháo hoa, máy lọc không khí, máy khoan, cắt, dụng cụ cầm tay cũng bị làm giả. Điều đáng bàn là hàng giả, hàng vi phạm SHTT rất khó phân biệt, nếu không có 2 sản phẩm để so sánh đối chứng thì rất khó để nhận biết.

Theo ông Đỗ Hồng Trung, từ các cuộc khảo sát trên các trang mạng xã hội, dễ dàng bắt gặp những nội dung giới thiệu thương hiệu nổi tiếng như: Adidas, Gucci, LV, Hermes Chanel, Boss…, nhưng lại có dấu hiệu làm giả thương hiệu, hàng xâm phạm quyền SHTT.

Ông Phạm Đức Thắng, Giám đốc Công ty Luật Thắng Phạm và công sự (đại diện nhãn hiệu Hermes) khẳng định, Hermes không bán hàng qua các sàn TMĐT. Hàng năm, Hermes phải chịu nhiều chi phí trong việc điều tra, phối hợp với các cơ quan thực thi để đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm SHTT trên thị trường Việt Nam. Trung bình, mỗi năm Hermes phối hợp với các lực lượng Hải quan, QLTT, Công an xử lý khoảng 900 vụ vi phạm. Theo ông Thắng, cùng với các thương hiệu khác, hoạt động sản xuất, việc kinh doanh hàng giả của các đối tượng sẽ gây ảnh hưởng đến danh tiếng, uy tín của thương hiệu, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm của Hermes có yêu cầu chất lượng cao.

Theo Báo cáo tổng kết về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, kết quả phát hiện, xử lý, bắt giữ của các bộ, ngành, các lực lượng chức năng và địa phương là 146.678 vụ vi phạm, trong đó 11.499 mua bán, vận chuyển kinh doanh hàng cấm, hàng lậu (giảm 3,37% so với cùng kỳ); 129.713 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (tăng 4,51% so với cùng kỳ). Chỉ tính riêng vi phạm về sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT là 5.464 vụ việc, tăng 48% so với cùng kỳ. Đây là một con số đáng báo động về vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại.

Yêu cầu định danh người bán hàng là cần thiết

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan chức năng, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thời trang, điện tử, xe đạp - xe máy, hóa mỹ phẩm… đã thông tin thực trạng hàng giả, hàng vi phạm SHTT với từng ngành hàng, DN và thống nhất cần có nhiều giải pháp mạnh tay hơn nữa để ngăn chặn vấn nạn này.

Ông Phạm Đức Thắng cho rằng, việc xử lý hành chính chỉ là một lượng rất nhỏ so với lợi nhuận từ kinh doanh hàng giả, cần phải có biện pháp nặng tay hơn, đặc biệt là các vụ án hình sự và không nương tay với các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả. Bên cạnh đó, cần có quy định rõ ràng đối với loại hình kinh doanh TMĐT, ràng buộc trách nhiệm giữa người bán hàng và người mua hàng.

Về giải pháp ngăn chặn xử lý vi phạm trên TMĐT, ông Phan Minh Nhật, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ quyền SHTT của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) cho rằng, cần thiết lập bộ lọc, gỡ bỏ sản phẩm vi phạm, điều tra xử lý các đối tượng vi phạm trọng điểm. Đặc biệt, giải pháp căn cơ nhất là định danh người bán qua TMĐT.

Theo ông Nhật, hiện một số quốc gia đã áp dụng việc định danh người bán qua TMĐT do rất khó phát hiện người bán là ai, ở đâu… Ví dụ như một người sử dụng số định danh cá nhân đăng ký tài khoản trên các sàn TMĐT, nếu như họ có hành vi buôn bán hàng giả thì lập tức bị khóa sàn giao dịch và không thực hiện hành vi vi phạm. Do đó, cần phải định danh rõ người bán trên TMĐT, mạng xã hội. Nếu người bán vi phạm sẽ bị khóa tài khoản, cơ quan thuế cũng dễ dàng thu thuế.

Ông Trung cũng cho rằng, yêu cầu định danh người bán là cần thiết và nên thực hiện sớm. Theo đó, định danh trên cơ sở số điện thoại của người bán hàng trên sàn TMĐT là cần thiết, bởi hiện nay vẫn còn tình trạng sử dụng tài khoản ảo, số điện thoại ảo, số ngân hàng ảo… Do đó, việc điều tra, xử lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Để thực hiện quản lý được cần có sự phối hợp của các lực lượng chức năng, doanh nghiệp và cả người dân.

Về giải pháp chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong tình hình mới, ông Trung cho rằng cần xem xét bổ sung chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe đối với các hành vi, lưu chứa, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT; xây dựng trung tâm giám định, kiểm nghiệm vùng để đảm bảo việc điều tra, kiểm tra xử lý được kịp thời. Đồng thời, tuyên truyền về cách thức nhận biết hàng giả, hàng bị xâm phạm quyền SHTT, khuyến khích nhân dân tố cáo, tố giác tội phạm, đồng hành với cơ quan quản lý trong công tác chống hàng giả.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/dinh-danh-nguoi-ban-hang-qua-thuong-mai-dien-tu-de-chong-hang-gia-i734405/