Định danh số nhà có gây khó cho người dân?

Việc triển khai định danh số nhà sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải thu thập, cập nhật lượng thông tin lớn.

Vừa qua, khi ký hợp tác với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam để thúc đẩy triển khai Đề án 06 và phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an đã tham mưu giải pháp định danh số nhà, số căn hộ nhằm giúp việc giao - nhận hàng hóa được chính xác nhất. Trong kế hoạch xa hơn, việc này có thể giúp ích cho nhiều lĩnh vực khác có liên quan.

Định danh địa chỉ số có thể chống tham nhũng

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, một cán bộ trong tổ công tác triển khai Đề án 06 chia sẻ khi định danh được số nhà sẽ có rất nhiều dữ liệu để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, mỗi nhà dân, cửa hàng, doanh nghiệp sẽ có một địa chỉ số bằng mã QR. Khi có địa chỉ số của công dân, nếu kết hợp vào các bản đồ của Việt Nam sẽ có thể nắm được tổng thể về quy hoạch nhà cửa, mật độ xây dựng, số nhà, thành viên trong hộ đó…

“Mỗi gia đình sẽ được tạo lập một dữ liệu số cả về địa giới hành chính và không gian số. Người dân được lựa chọn thông tin để mã hóa vào QR Code này. Đây chính là những địa chỉ, thông tin đã được công dân, Nhà nước xác thực” - vị này lý giải.

 Các cơ sở dữ liệu như định danh số nhà phải đảm bảo nguyên tắc bảo mật, tôn trọng quyền riêng tư của công dân. Ảnh: Q.HUY

Các cơ sở dữ liệu như định danh số nhà phải đảm bảo nguyên tắc bảo mật, tôn trọng quyền riêng tư của công dân. Ảnh: Q.HUY

Bên cạnh đó, việc định danh số nhà giúp người dân thuận tiện trong việc chuyển, nhận các bưu phẩm, hàng hóa, cập nhật lên bản đồ Việt Nam, dễ dàng biết được các đặc sản vùng miền. Ví dụ, cửa hàng A có địa chỉ tại số 1 đường B chuyên kinh doanh đặc sản C… Tất cả đều được công khai khi định danh số nhà, mã hóa bằng QR Code.

Theo vị này, từ các dữ liệu đó, trong tương lai có thể phát triển nhiều ứng dụng cho người dân như việc kê khai tài sản, quản lý bất động sản (BĐS) thuận lợi cũng như phát triển quy hoạch.

Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 06/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, gọi tắt là Đề án 06.

Trước câu hỏi về việc định danh BĐS có phòng, chống được tham nhũng không, vị này bày tỏ quan điểm khi có dữ liệu thì việc thống kê tài sản, BĐS… đều dễ dàng, mọi bài toán đều có thể triển khai được, kể cả việc phòng, chống tham nhũng bởi hiện nay tham nhũng liên quan đến BĐS rất nhiều.

Ngoài ra, việc định danh không gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong kinh doanh BĐS. Trái lại, nó còn giúp minh bạch về quy hoạch cũng như giá trị của các khu đất.

“Khi có đầy đủ thông tin về nhà đất, quy hoạch, lịch sử giao dịch… sẽ đưa BĐS về đúng giá trị thực, tránh việc thổi giá nhà đất” - vị cán bộ này nói.

Triển khai sẽ khó khăn và kéo dài

Được biết tỉnh Thừa Thiên-Huế đang là địa phương đầu tiên phối hợp với Bộ Công an để triển khai định danh số nhà. Địa phương này đang thực hiện cập nhật các cơ sở dữ liệu khác nhau như cơ sở dữ liệu dân cư, đất đai, giải quyết các thủ tục hành chính và địa chỉ số của công dân, quy hoạch xây dựng… tất cả phải khớp với nhau để tạo ra được bộ dữ liệu đồng nhất.

Để khớp được dữ liệu phụ thuộc nhiều vào chỉ đạo từ trên xuống dưới, phải có cơ chế thống nhất các luồng nghiệp vụ cũng như cách thức triển khai mà hiện nay rất khó để có được một cơ chế tập trung như vậy. Để triển khai rộng trên cả nước sẽ là cả quá trình, điều này phụ thuộc vào sự chung tay của tất cả sở, ngành liên quan cùng vào cuộc.

“Việc triển khai này ở các TP lớn đã rất phức tạp, chưa kể các vùng thôn quê còn không có số nhà. Do đó, việc làm sạch và cập nhật dữ liệu sẽ mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý, lưu trữ những dữ liệu trên cũng không hề đơn giản bởi cơ sở dữ liệu quá lớn” - vị này nhận định.

Hiện nay, để giải quyết các khó khăn như phân tích dữ liệu nghiệp vụ, chuẩn bị điều kiện hạ tầng, hệ thống, nhân lực… Bộ Công an đã có giải pháp và đang họp bàn với các đơn vị để thống nhất, ban hành quy định chung trước khi triển khai.

TS Huỳnh Thanh Điền

TS Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành:

Cần thống nhất một đầu mối mã số định danh cá nhân

Hiện nay, mã số định danh được Bộ Công an cấp ngay từ khi công dân được sinh ra. Các mã số định danh sẽ không trùng lặp. Mã định danh có vai trò kết nối, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân với các dữ liệu chuyên ngành liên quan khác. Từ hệ thống này các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có thể kiểm tra thông tin trong trường hợp cần thiết.

Mã số định danh thay thế cả cho mã số thuế cá nhân, giấy tờ tùy thân khi thực hiện giao dịch mua bán nhà đất. Hiện nay, các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) đều có tên, số CCCD (là mã số định danh) người sở hữu. Vì thế, cơ quan quản lý chỉ cần cập nhật lên hệ thống, khi tra cứu mã số định danh sẽ biết người đó đứng tên sở hữu bao nhiêu BĐS. Thậm chí, thông tin BĐS còn chi tiết, chính xác hơn cả số nhà khi hiển thị số tờ bản đồ, số thửa, tọa độ, quy hoạch…

Vì thế, định danh số nhà chỉ giúp cập nhật thêm dữ liệu để quản lý về vấn đề trật tự xã hội, còn về thị trường BĐS, cơ sở dữ liệu nhà đất đang có hệ thống quản lý rồi. Theo tôi, chỉ nên sắp xếp lại quy hoạch đô thị cho bài bản từ tên đường, số nhà. Những khu vực đô thị đã ổn định thì cần sắp xếp lại số nhà, tên đường, cập nhật trên mã số định danh cho rõ ràng.

TS Huỳnh Phước Nghĩa

TS Huỳnh Phước Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kinh tế, luật và quản lý, ĐH Kinh tế TP.HCM:

Xác định lợi ích mang lại cho cơ sở dữ liệu

Định danh số nhà hay căn hộ cần phải xác định được lợi ích mang lại cho cơ sở dữ liệu. Tính cấp thiết cũng như mục đích của việc định danh số nhà thực sự chưa rõ ràng. Có chăng định danh số nhà chỉ làm rõ thêm về sự di chuyển của chủ sở hữu BĐS đó, sự dịch chuyển tài sản hoặc tạo thêm cơ sở để sàng lọc, đối chiếu tài sản.

Còn về giải pháp minh bạch thị trường thực tế việc định danh số nhà không mang lại lợi ích nhiều. Hiện việc sở hữu tài sản đã gắn liền với mã số định danh cá nhân, cơ quan quản lý đều nắm được.

Theo tôi, để minh bạch thị trường, cơ quan quản lý phải liên thông dữ liệu với nhau đồng bộ. Còn yếu tố minh bạch ở đây có thể hiểu là người dân dễ dàng tra cứu, tìm hiểu thông tin chi tiết về sản phẩm trong khi vẫn đảm bảo tính bảo mật thông tin cá nhân. Khi cơ quan quản lý phân quyền, phân công trách nhiệm, truy nguồn là đã tạo được sự minh bạch.

Ông LÊ HOÀNG CHÂU

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA):

Phải bảo mật thông tin và quản lý sử dụng đúng mục đích

Khi tích hợp tất cả thông tin cá nhân theo Đề án 06 thì mỗi cá nhân chỉ có một mã số định danh. Khi tích hợp mã số định danh cá nhân, tất cả thông tin tài sản đều thể hiện rõ, cá nhân đó có bao nhiêu BĐS, ở đâu… Mỗi ngôi nhà, căn hộ đều gắn với một số nhà nên khi quản lý được sẽ biết được chủ sở hữu đang ở hay cho thuê, bỏ không.

Ở các nước phát triển việc quản lý công dân còn chặt chẽ hơn, chẳng hạn như nhận diện cả khuôn mặt khi tham gia giao thông… Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu phải đảm bảo nguyên tắc hàng đầu là bảo mật, tôn trọng quyền riêng tư của công dân. Đặc biệt phải có cơ chế quản lý sử dụng dữ liệu đó đúng mục đích, nguyên tắc bảo mật, phân quyền, chế tài… cụ thể.

PHI HÙNG - QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/dinh-danh-so-nha-co-gay-kho-cho-nguoi-dan-post758325.html