Định danh số nhà, số căn hộ: Số hóa để thống nhất quản lý

'Định danh' số nhà, số căn hộ, là xu hướng của nhiều quốc gia, đặc biệt là khi ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, đây là nội dung hiện đang được dư luận quan tâm sâu sắc.

Lượng công việc khổng lồ

Trong xu thế chung hiện nay, việc thực hiện quản lý bất động sản theo hướng "nhà chính chủ", quản lý tài sản trong xã hội là việc cần làm, tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý hành chính, thu thuế, giao dịch dân sự... và để làm được điều này trước hết phải định danh được số nhà, số căn hộ.

“Định danh số nhà, số căn hộ” hay nói đơn giản là số hóa thông tin về nhà ở mang đến nhiều lợi ích nếu được triển khai tốt.

“Định danh số nhà, số căn hộ” hay nói đơn giản là số hóa thông tin về nhà ở mang đến nhiều lợi ích nếu được triển khai tốt.

Theo đề xuất của Bộ Công an, nếu “Biển số định danh” được hiểu nôm na là sẽ đi theo người và không thay đổi, thì “Số nhà định danh” sẽ đi theo địa chỉ nhà ở. Số nhà sẽ được gắn với chính căn nhà đó. Việc “định danh” ở đây chính là việc “Xác định xem căn nhà này đang thuộc quyền sở hữu của cá nhân nào” và mang đến nhiều ưu điểm rõ rệt. Cụ thể như, tiết kiệm rất nhiều chi phí cho Nhà nước thông qua việc tận dụng những dữ liệu đã có sẵn. Bưu điện có sẵn thông tin về số nhà, cảnh sát khu vực có sẵn dữ liệu về hộ khẩu, Bộ Công an có sẵn dữ liệu về dân cư và giấy tờ nhà đất... Như vậy, mạng lưới định danh bất động sản gắn với mỗi công dân sẽ được xây dựng mà không phải chờ “làm sạch” dữ liệu về bất động sản.

Tiếp đó, những đơn vị trung gian (bưu điện, chuyển phát nhanh...) có thể khai thác. Đặc biệt, việc làm này còn giúp minh bạch được chủ tài sản có bao nhiêu bất động sản. Ví dụ với loại hình chung cư, nơi thường có hàng trăm đến hàng nghìn hộ dân sinh sống, vì vậy, nếu chỉ ghi địa chỉ chung của tòa chung cư thì đó mới chỉ là dữ liệu chung. Định danh sẽ giúp xác định thông tin của từng hộ dân cụ thể cư trú bên trong.

Trên thực tế, việc quản lý dữ liệu nhà đất hiện đang được giao cho ngành Tài nguyên và Môi trường và điều sẽ làm bây giờ đó là “số hóa” dữ liệu này để tiện cho công tác quản lý. Nói vậy, nhưng để thực hiện được điều này không phải là “dễ dàng” khi lượng thông tin đi kèm với dữ liệu là rất lớn. Ví dụ, căn nhà đó chủ sở hữu đang ở, đang cho thuê hay bỏ không, hay căn hộ đó đã được bàn giao chưa, bàn giao rồi thì đã có sổ đỏ chưa; rồi tài sản đó có tranh chấp hay không…

Đặc biệt, sau khi đã “định danh” thì hoạt động mua bán của nhà đất phải được cập nhật lên hệ thống định danh ngay khi có biến động giao dịch, việc làm này ai sẽ triển khai, triển khai như thế nào…? Đây là một khối lượng công việc khổng lồ với mức độ liên quan đa ngành từ Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Hộ tịch… vậy đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm cuối cùng cũng là việc cần sớm phải làm rõ.

Cần lộ trình phù hợp

Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, với xu hướng phát triển của xã hội trong ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối dữ liệu dân cư với các thông tin về nhân thân và xu hướng chuyển đổi số, Chính phủ điện tử, thì việc kết nối liên thông dữ liệu về thông tin nhân thân cá nhân với các tài sản là điều tất yếu. Số hóa thông tin về tài sản, định danh cá nhân về tài sản cũng là điều kiện thuận lợi để các chủ sở hữu tài sản được pháp luật bảo vệ, Nhà nước tăng cường công tác quản lý và thuận tiện cho chủ thể trong việc sử dụng tiện ích, dịch vụ giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, luật sư Đặng Văn Cường bày tỏ việc số hóa thông tin, định danh bất động sản được thực hiện theo lộ trình nào, nhằm mục đích gì, dự kiến chi phí, nhân lực, công nghệ như thế nào cho phù hợp để đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý, tránh phiền hà cho người dân. Nếu đầu tư chi phí, tiền của, công nghệ cho việc định danh cá nhân tài sản mà chỉ để sử dụng để cấp thông tin chủ sở hữu tài sản, với thông tin về điểm số nhà để giao hàng cho nhanh chóng, thì mục tiêu này là không hợp lý, gây lãng phí tốn kém.

Chia sẻ thêm, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, việc xác định định danh người đứng tên trên giấy tờ hợp pháp đối với bất động sản cũng chỉ mang tính chất hình thức, bởi không ít trường hợp tài sản của người này nhưng nhờ người khác đứng tên. Do đó, tăng cường công tác quản lý tài sản trong xã hội, quản lý bất động sản thì cũng cần tính toán đến công việc, phương thức thực hiện, dự tính chi phí xã hội và hiệu quả trong công tác quản lý. Việc quản lý xã hội bằng ứng dụng công nghệ thông tin, minh bạch thông tin và truy xuất nguồn gốc tài sản là điều mà chính phủ nào cũng hướng đến. Tuy nhiên, mục đích của việc quản lý, phương thức quản lý, lộ trình tổ chức thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường công tác quản lý đối với từng quốc gia, từng thời điểm là khác nhau và phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội.

“Việc định danh bất động sản chỉ có ý nghĩa trong việc quản lý bất động sản của Nhà nước. Do đó, dự thảo, đề án về vấn đề định danh bất động sản cần được soạn thảo kĩ lưỡng, lấy ý kiến của các chuyên gia để có mục tiêu, phương thức, lộ trình cho phù hợp đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong công tác quản lý”, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Được biết, hiện Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường là hai cơ quan quản lý Nhà nước chủ trì việc xây dựng dữ liệu về số nhà, căn hộ, mục tiêu là đánh số cụ thể đến từng ngôi nhà, căn hộ hay thửa đất theo quy luật thống nhất. Từ đó, Bộ Công an thu thập cơ sở dữ liệu về số nhà, cộng với thông tin từ Ủy ban nhân dân các cấp, trên nguyên tắc chuẩn hóa số liệu để định danh số nhà. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là sẽ nguồn dữ liệu lớn từ nhà đất, giao dịch, quyền sở hữu, chưa kể nhân lực, chi phí, công nghệ… Do đó, ngoài việc phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương thì cũng cần phải có sự thống nhất giữa các quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản và các luật khác có liên quan.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dinh-danh-so-nha-so-can-ho-so-hoa-de-thong-nhat-quan-ly-162374.html