Dinh dưỡng cho trẻ em thấp còi

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, hiện nay cả nước có khoảng 2,5 triệu trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi, trung bình cứ 5 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ mắc. Thấp còi có thể gây ra những hậu quả kéo dài và rất khó khắc phục như không đạt số đo bình thường về tầm vóc, hệ miễn dịch suy giảm, ốm yếu.

Về di truyền học, mẹ thấp còi có nguy cơ sinh con thấp còi và dễ gặp các biến chứng sản khoa hơn so với những bà mẹ có tầm vóc bình thường. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ em thấp còi là do khẩu phần ăn chưa đáp ứng đủ nhu cầu về năng lượng cũng như các vitamin và khoáng chất cần thiết trong 5 năm đầu đời của trẻ. Theo thống kê của ngành y tế, khẩu phần của trẻ em Việt Nam đáp ứng hơn 60% nhu cầu canxi và 10,6% nhu cầu vitamin D cho cơ thể. Thiếu vitamin D có liên quan đến tình trạng thấp còi ở trẻ.

Học sinh Trường Tiểu học Tân Mỹ (TP Bắc Giang) luyện tập môn cầu lông để rèn luyện thể lực.

Học sinh Trường Tiểu học Tân Mỹ (TP Bắc Giang) luyện tập môn cầu lông để rèn luyện thể lực.

Thấp còi cần được dự phòng bằng cách chăm sóc dinh dưỡng đối với bà mẹ bắt đầu từ giai đoạn trước và trong khi mang thai đến khi trẻ được sinh ra, nuôi con bằng sữa mẹ, trẻ ăn bổ sung đến lứa tuổi trước khi đi học. Bảo đảm đủ dinh dưỡng theo nhu cầu là yếu tố chính tác động đến khả năng phát triển chiều cao của trẻ. Để cải thiện tình trạng thấp còi cần chế độ dinh dưỡng đúng và phù hợp, đồng thời kết hợp cả vận động, giấc ngủ khoa học để giúp trẻ phát triển chiều cao, cân nặng tốt, bắt kịp đà tăng trưởng.

Bởi vậy, lượng thức ăn nạp vào của trẻ phải lớn hơn năng lượng tiêu hao. Ngoài việc đáp ứng dinh dưỡng đa dạng và cân bằng các nhóm dinh dưỡng thiết yếu (tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất), bố mẹ cần cung cấp thêm năng lượng cho trẻ bằng cách chia nhỏ bữa ăn và tăng số lần ăn. Chú trọng các thực phẩm giàu canxi trong bữa ăn như: Cua, ốc, trai, tôm, lòng đỏ trứng, cá, sữa, sữa chua, phô mai, các loại rau màu xanh thẫm, các loại hạt (đậu, vừng...). Trẻ thiếu canxi sẽ bị còi xương, chậm lớn, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.

Vitamin D là vi chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng cho việc phòng ngừa và khắc phục tình trạng thấp còi. Vitamin D giúp cơ thể hấp thu canxi, phát triển hệ xương, kích thích các yếu tố tăng trưởng (chiều cao, cân nặng). Trẻ thấp còi có nhu cầu vitamin D3 cao hơn so với trẻ có chỉ số chiều cao, cân nặng bình thường. Nhóm trẻ được bổ sung vitamin D kết hợp dinh dưỡng giàu canxi thì chiều cao, cân nặng tăng tốt hơn nhóm trẻ chỉ bổ sung canxi.

Suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em không chỉ làm chậm sự phát triển về thể chất mà còn là gánh nặng của gia đình và xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nhân lực tương lai của đất nước. Chính vì vậy, Viện Dinh dưỡng quốc gia tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường truyền thông về tầm quan trọng của vi chất dinh dưỡng, phòng, chống suy dinh dưỡng ngay tại hộ gia đình. Mặt khác, xây dựng các khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm tuổi, nhóm đối tượng đặc thù, đồng thời, triển khai các chương trình bổ sung vi chất, vitamin cần thiết cho trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, cho con bú.

PV (tổng hợp)

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/suc-khoe/suc-khoe-hoc-duong/414875/dinh-duong-cho-tre-em-thap-coi.html