Định giá để kiểm soát giá sách giáo khoa như thế nào?
Một loạt câu hỏi đang đặt ra để kế hoạch triển khai Nghị quyết 32 của Chính phủ như thế nào, đặc biệt là vấn đề định giá sách giáo khoa sẽ theo phương pháp nào? Việc định giá để giảm giá sách giáo khoa thực hiện như thế nào cho phù hợp với thực tế? Kiểm soát việc in ấn, phát hành ra sao?
Sách giáo khoa đã trở thành vấn đề "nóng" trong vài năm gần đây. Việc xuất hiện nhiều đơn vị cùng tham gia công tác biên soạn và phát hành sách giáo khoa đã dẫn đến một số vấn đề gây nhiều tranh luận. Trong đó, giá sách theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cao hơn giá sách Chương trình giáo dục phổ thông 2000 khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng.
Chiều 5/4, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm “Định giá để kiểm soát giá sách giáo khoa như thế nào?”, nhằm trao đổi, ghi nhận ý kiến của các cơ quan chức năng, chuyên gia và nhà quản lý giáo dục về vấn đề nói trên..
Tham dự tọa đàm có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa; Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách, GS.TS Hoàng Văn Cường; Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Thanh Đạm; Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng.
Kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất sách giáo khoa, tiết giảm chi phí trung gian
Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim cho biết sách giáo khoa và giá sách giáo khoa luôn thu hút sự quan tâm lớn của dư luận xã hội bởi đây được coi là mặt hàng đặc thù, thiết yếu để phục vụ công tác giáo dục, liên quan trực tiếp tới các gia đình có con em đang đi học.
Ngày 20/3, Chính phủ ban hành Nghị quyết 32/NQ-CP về kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 686 ngày 18/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí xuất bản, phát hành để giảm giá sách giáo khoa để khi kết thúc năm học 2024-2025; tiến hành tổng kết đánh giá việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Vậy, kế hoạch triển khai Nghị quyết 32 của Chính phủ như thế nào, đặc biệt là vấn đề định giá sách giáo khoa sẽ theo phương pháp nào? Việc định giá để giảm giá sách giáo khoa thực hiện như thế nào cho phù hợp với thực tế? Kiểm soát việc in ấn, phát hành ra sao?... "Tổ chức cuộc tọa đàm hôm nay, Báo Đại biểu Nhân dân mong muốn nhận được những chia sẻ, trao đổi thẳng thắn của quý vị khách mời, góp thêm góc nhìn và những giải pháp về những vấn đề đặt ra ở trên", ông Lê Thanh Kim cho biết.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa, việc Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32/NQ-CP ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18.92023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về việc thực hiện nghị quyết số 88/2014/QH13 và nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là một trong những nhiệm vụ đã được nêu trong Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15.
"Về tiến độ, có thể việc ban hành Nghị quyết 32/NQ-CP có chậm một chút. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn chia sẻ với Chính phủ, bởi để ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15 đòi hỏi phải đặt ra rất nhiều vấn đề", bà Hoa nói.
Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15 được xây dựng trên kết quả giám sát về quá trình triển khai, kết quả thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trong đó rất nhiều vấn đề đặt ra, nhiều nhiệm vụ giải pháp liên quan đến vấn đề thể chế, chính sách, công tác quản lý, điều kiện bảo đảm; và cũng liên quan tới nhiều bộ ngành, cơ quan trung ương, địa phương.
Vì vậy, để có kế hoạch thực sự đáp ứng yêu cầu cũng như phù hợp với những vấn đề đặt ra của Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15, chắc chắn quy trình xây dựng kế hoạch mất khá nhiều thời gian. Tôi cho rằng việc chậm về tiến độ không quan trọng bằng việc để có thời gian bảo đảm kế hoạch vừa đầy đủ các nhiệm vụ, vừa có tính khả thi, đó mới là điều quan trọng hơn.
Về kế hoạch triển khai Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15, tôi đánh giá rất cao. Việc xây dựng kế hoạch theo Nghị quyết 32/NQ-CP đã được căn cứ dựa trên nội dung các nhóm nhiệm vụ giải pháp và sự phân công chức năng, nhiệm vụ của các bộ ngành. Vì vậy, rất phù hợp, sát với yêu cầu Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15. Nội dung, kế hoạch đã tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chính: hoàn thiện thể chế chính sách; nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường các điều kiện bảo đảm.
3 nhóm nhiệm vụ này được Chính phủ xác định rõ nội dung hoạt động, nhiệm vụ các bộ ngành liên quan, phân công phân nhiệm rõ ràng. Theo bà Hoa, với một kế hoạch đầy đủ, cụ thể, bám sát chức năng nhiệm vụ sẽ là yếu tố quan trọng để các cơ quan liên quan, các bộ ngành trung ương, địa phương có thể triển khai thực hiện nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng của quá trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
"Được biết, thời gian qua, căn cứ kế hoạch 32 của Chính phủ, các bộ ngành đã khởi động. Ví dụ: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị từ sớm về nội dung Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT quy định về lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, và đã kịp thời ban hành thay thế cho Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT quy định về việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, bảo đảm đúng tiến độ về lựa chọn sách giáo khoa phục vụ năm học mới. Tôi cho rằng, với sự vào cuộc mạnh mẽ, kịp thời của các bộ ngành là kết quả nhận thấy rõ từ việc Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận xét.
Ông Trần Thanh Đạm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay Nghị quyết số 32 được ban hành đã thể hiện đầy đủ, toàn diện các nghĩa vụ mà NQ 686 đề ra, trong đó cụ thể hóa trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đồng thời, với quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết 686, tuy nhiên kế hoạch này cần Nghị quyết 32 ban hành xong thì các nhiệm vụ mới được quy định rõ.
Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thiện cơ bản và dự kiến ban hành nội dung này trong một hoặc hai tuần tới.
Đối với kế hoạch triển khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã ban hành những nhiệm vụ trước mắt. Về vấn đề sách giáo khoa, trong Nghị quyết 32 của Chính phủ cũng đã cụ thể hóa các nhiệm vụ trong Nghị quyết 686. Với nội dung này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia thành 3 nhóm vấn đề mà trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp cùng các đơn vị liên quan thưc hiện.
Nhóm thứ nhất là tổng kết đánh giá đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông, tổng kết đánh giá xã hội hóa sách giáo khoa. "Từ đó, chúng tôi sẽ phối hợp cùng các cơ quan liên quan để báo cáo Chính phủ về việc sử dụng ngân sách theo yêu cầu nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng được đánh giá trong thông tư này", Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính cho biết.
Nhóm thứ hai là hoàn thành việc biên soạn, tổ chức in phát hành sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số và sách giáo khoa cho người khiếm thị, đồng thời hướng dẫn in và phát hành tài liệu giáo dục địa phương, sách giáo khoa điện tử theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Nhóm thứ ba là ban hành quy định về giá tối đa sách giáo khoa, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các quy định về phương pháp định giá đối với hàng hóa dịch vụ theo quy định của Luật Giá, trong đó có quy định có thể áp dụng cho sách giáo khoa, hay quy định giá trần sách giáo khoa.
Những khó khăn khi biên soạn sách giáo khoa mới
Tại tọa đàm, PGS. TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập NXB Giáo dục Việt Nam chia sẻ, khi biên soạn sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có những bước chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng. "Chúng tôi xác định rất rõ những thuận lợi và khó khăn khi bước vào việc biên soạn sách giáo khoa mới", ông Tùng nói.
Về thuận lợi, thứ nhất, NXB Giáo dục Việt Nam là nhà xuất bản có quy mô hàng đầu quốc gia, có hệ thống cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ phương tiện làm việc.
Thứ hai, NXB Giáo dục Việt Nam có bề dày kinh nghiệm, đã có gần 70 năm làm sách giáo dục nói chung, sách giáo khoa nói riêng và đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình qua tất cả các lần đổi mới chương trình và sách giáo khoa của nền giáo dục cách mạng.
Thứ ba, nhà xuất bản có một đội ngũ tác giả biên soạn sách giáo khoa rất hùng hậu, bao gồm các nhà giáo có uy tín, có kinh nghiệm, các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành. Bên cạnh đó, NXB Giáo dục Việt Nam còn huy động được rất nhiều chuyên gia được đào tạo bài bản ở nước ngoài và rất chuyên nghiệp trong lĩnh vực biên soạn sách giáo khoa để hỗ trợ việc tổ chức biên soạn sách giáo khoa.
Thứ tư, nhà xuất bản có một đội ngũ hàng trăm biên tập viên và họa sĩ được đào tạo một cách bài bản, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ và phong cách làm việc rất chuyên nghiệp. Điều đặc biệt là đội ngũ này được đào tạo chuyên ngành khoa học cơ bản phù hợp với các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông, có thể biên tập được đầy đủ các môn học.
Thứ năm,NXB Giáo dục Việt Nam có một hệ thống phát hành rộng khắp trong toàn quốc.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, NXB cũng xác định những khó khăn khi bước vào việc biên soạn sách giáo khoa mới.
Khó khăn đầu tiên là khi biên soạn sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo chủ trương Nghị quyết 88 của Quốc hội (một chương trình, nhiều sách giáo khoa), NXB sẽ phải làm thêm nhiều công đoạn trong quy trình xuất bản sách giáo khoa.
Bên cạnh những công đoạn quen thuộc vẫn làm qua rất nhiều lần đổi mới sách giáo khoa (như tổ chức bản thảo, biên tập hoàn chỉnh bản mẫu, in ấn và phát hành), với việc biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nhà xuất bản sẽ phải làm thêm các công đoạn như thực nghiệm bản mẫu, thực nghiệm những tiết dạy được biên soạn trước tại các cơ sở giáo dục theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngoài ra, còn có những công đoạn khác như tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tập huấn giáo viên sử dụng sách giáo khoa mới... Đó là những công đoạn mà NXB phải làm thêm trong bối cảnh sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa. Việc này làm cho lượng công việc mà NXB phải thực hiện khi làm sách giáo khoa mới nhiều hơn, bề bộn hơn, ngổn ngang hơn rất nhiều.
Khó khăn tiếp theo là do có nhiều bộ sách của nhiều NXB thì sản lượng phát hành trên mỗi đầu sách sẽ bị chia sẻ. Nếu như trước đây, chẳng hạn như môn Ngữ văn, cả nước chỉ có một bộ sách, nhưng hiện nay cả nước về cơ bản có đến ba bộ sách Ngữ văn, rõ ràng sản lượng phát hành của mỗi đầu sách sẽ bị giảm xuống.
Và khi sản lượng giảm xuống thì chi phí trên mỗi bản sách sẽ tăng lên. Các môn học thông thường hiện có ba bộ sách, còn với môn tiếng Anh cả nước đang có đến 10 bộ sách giáo khoa.