Định hình cuộc cách mạng hạnh phúc

Năm mới, là một nhà quản lý, chắc chắn bạn sẽ cần đặt mục tiêu, thiết kế chiến lược, xây dựng kế hoạch hành động cho năm mới hoặc cả vài năm tới nữa, tùy theo vị trí và trách nhiệm bạn đang nắm giữ trong doanh nghiệp bạn.

Nhưng trong thời đại mà mọi thứ đều đang thay đổi chóng mặt, khi sự bất ổn, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ thống trị, bạn có chắc được các dự đoán, giả định và các cách phân tích của bạn đã và đang sử dụng là đúng?

Bạn hãy thử hình dung ban giám đốc của Nokia vào những năm 2005-2006. Liệu họ có biết tới công nghệ điều khiển bằng màn hình chạm? Công nghệ này được Apple đưa ra vào năm 2007 khi lần đầu ra mắt iPhone. Chính công nghệ này đã đem lại cuộc cách mạng về điện thoại thông minh và mở ra hẳn một chân trời mới cho Apple, khi đó đang là con số không trên thị trường điện thoại di động. Sự lựa chọn của Apple đầu tư vào công nghệ này, đã giúp tạo thành giá trị khổng lồ ngàn tỷ đô cho Apple.

Trần Xuân Hải - CEO của Missionizer

Trần Xuân Hải - CEO của Missionizer

Tôi tin rằng ban giám đốc của Nokia biết tới công nghệ điều khiển chạm màn hình. Nhưng chính việc lựa chọn không đầu tư quyết liệt vào công nghệ này, đã đẩy Nokia, lúc đó đã là một công ty khổng lồ chiếm 50-60% thị phần toàn thế giới trong ngành điện thoại di động ra khỏi cuộc chơi.

Những nhà lãnh đạo của Nokia có thể biết tới nhưng quá bận rộn với việc đẩy doanh số của các dòng điện thoại kiểu bấm nút cổ lỗ của họ nên đã bỏ qua công nghệ mới này. Áp lực đạt chỉ tiêu doanh số để báo cáo các sếp, hội đồng cổ đông vào từng quý của các tập đoàn chúng ta rất quen thuộc.

Rõ ràng, việc sử dụng các ngón tay điều khiển điện thoại đã giúp mở ra vô vàn khả năng phát triển mới khi em bé ba bốn tuổi chưa biết chữ hay người già không rành công nghệ cũng có thể sử dụng điện thoại thông minh một cách vô cùng dễ dàng. Khi màn hình chạm đã trở nên phổ biến ngày nay, chúng ta thật khó hình dung được tại sao ban giám đốc Nokia, những người vô cùng tài giỏi và thành công đã phân tích sai hướng như thế nào để có thể bỏ qua công nghệ mới này.

Tình huống tương tự với Kodak, khi họ chính là người đầu tiên thiết kế ra công nghệ chụp ảnh kỹ thuật số vào năm 1975. Nhưng chính các sếp của Kodak đã dấu công nghệ này vì họ đang bị áp lực doanh số mỗi quý, trong khi tác giả sáng chế, kỹ sư trẻ 24 tuổi Steve Sasson dự đoán rằng tới khoảng 20 năm sau, công nghệ này mới có thể cạnh tranh được với phim và giấy ảnh. Bạn sẽ dễ đoán được khi các sếp quản lý Kodak nhìn về 20 năm sau, phần lớn họ sẽ chẳng còn làm việc tại Kodak nữa, bản chất họ cũng là những nhân viên được thuê mà thôi. Trong khi mọi khoản lương thưởng thậm chí cả cái ghế mà họ có lại nằm trong các con số báo cáo của ba tháng tới.

Ngày nay, bạn thấy rõ người dùng sẽ lựa chọn cách nào để vừa tiết kiệm chi phí, vừa tạo được nhiều bức hình đẹp lưu giữ kỷ niệm hơn, vừa lưu trữ dễ dàng hơn. Công nghệ chụp ảnh kỹ thuật số đã chiến thắng. Hài hước thay, chính Kodak, nơi sáng tạo ra công nghệ chụp ảnh kỹ thuật số, đã đăng ký phá sản vào năm 2012.

Những cách làm cũ, dù vẫn có giá trị tham khảo, nhưng đã dần bộc lộ rõ những điểm yếu của nó. Nó hướng đến những giải pháp chậm, chi phí cao, xác suất tìm được hướng đi đúng thấp, và dễ mắc lỗi. Chính sự tập trung vào các con số tài chính lý trí dễ làm lệch hướng chúng ta quan sát, phân tích và định hướng chiến lược. Cũng dễ hiểu lý do tại sao cách cũ thiếu hiệu quả. Các cách cũ phần lớn dựa trên phân tích lý trí, trong khi đó con người hành động dựa trên cảm xúc nhiều hơn.

Càng làm nhiều phân tích, chúng ta càng dễ sa lầy nếu không nhìn thấy được cảm xúc và hành vi của đối tượng mà chúng ta hướng tới rõ ràng. Liệu các phân tích thị trường, phân bổ ngân sách, định các quỹ lương thưởng như cũ có giúp gì cho Nokia và Kodak hay gây hại nhiều hơn?

Khi xã hội phát triển, chúng ta càng bận rộn, có ít thời gian hơn cho chính mình, cho gia đình. Khách hàng và nhân viên của bạn cũng vậy. Nhân viên kiệt sức tại doanh nghiệp và không hạnh phúc khi về nhà. Điều này phổ biến tới nỗi dường như mọi người đều coi đó là điều đương nhiên không thể tránh khỏi. “Sếp thì phải cô đơn, hy sinh”; “Nhân viên thì phải cày, cực khổ”. Những câu nói với nội dung tương tự có thể bạn đã từng phát biểu hoặc từng được đọc, nghe người khác nêu.

Việc mệt mỏi, kiệt sức, stress và trầm cảm ngày càng trở nên bình thường tới mức chúng ta có thể ngạc nhiên nếu thấy được những cá nhân và doanh nghiệp không có những biểu hiện này. Nhưng càng mệt mỏi, stress, trầm cảm, chúng ta tư duy càng kém minh mẫn và dễ ra vội vã những quyết định sai lầm, thậm chí các định hướng đẩy doanh nghiệp xuống vực thẳm.

Nếu các bạn theo dõi kỹ các đại học lớn như Harvard, Stanford khoảng 10 năm nay các bạn sẽ thấy sự xuất hiện đáng chú ý của các khóa học, sách, bài viết về chủ đề liên quan hạnh phúc. Tôi bắt đầu chú ý đến điều này khi đọc cuốn sách Hạnh phúc hơn (Happier) của tiến sỹ Tal Ben-shahar, giảng viên có “khóa học được ưa thích nhất” tại Harvard năm 2006 với hơn 1400 sinh viên đăng ký học môn Positive Psychology 1504 (Tâm lý Tích cực).

Từ Stanford tôi lại càng chú ý tới hai khóa học thú vị Designing for Happiness Mktg 355 (Thiết kế để Hạnh phúc) của Jennifer Aaker và khóa học nổi tiếng Designing your Life (Thiết kế cuộc đời) của Bill Burnett và Dave Evans.

Hiện đã có hàng chục cuốn sách, hàng trăm bài báo về chủ đề hạnh phúc, trí tuệ cảm xúc, thiết kế hướng đến hạnh phúc chỉ tính riêng từ hai trường đại học này. Chính việc thiếu sót không đưa lên ý thức về cảm xúc, hạnh phúc và phân tích các hành vi của con người đã đẩy các doanh nghiệp phá sản, đóng cửa hoặc phát triển chậm.

Chúng ta cần nhận ra rằng, thế giới phát triển để hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người bằng cả lý trí và cảm xúc. Mọi sản phẩm, dịch vụ đều hướng đến đem lại sự thuận tiện hơn, vui vẻ hơn, bớt cực hơn, bớt chi phí hơn, được trân trọng thể hiện hơn. Khi bạn định hình rõ làm thế nào để HẠNH PHÚC HƠN, bạn sẽ dự đoán được các xu thế, phân tích được các tình huống để thiết kế cho doanh nghiệp mình văn hóa, hệ thống và năng lực đội nhóm tạo ra những giá trị mà ai ai cũng đều khao khát có. Khi bạn không định hình rõ được những điều này, giá bạn phải trả sẽ vô cùng cao, mà hiệu quả lại không tới. Thậm chí doanh nghiệp sụp đổ mà toàn bộ các cấp chẳng hiểu lý do.

Điều chúng ta cần là những đối tượng của doanh nghiệp như khách hàng, nhân viên, nhà cung cấp, nhà đầu tư có được ý thức mới, cảm xúc mới, hành động mới, thói quen mới cùng với sự phát triển của doanh nghiệp của mình. Như phân tích về Nokia và Kodak ở trên, việc thấu hiểu khát vọng của từng nhóm đối tượng và những điểm chung nền tảng giúp chúng ta dễ dàng thuyết phục hơn, xây dựng ý thức chung và hành vi chung nhanh chóng, hiệu quả hơn. Việc hiểu khát vọng và hành vi của nhân viên giúp chúng ta hiểu khách hàng tốt hơn. Và ngược lại, việc hiểu khát vọng và hành vi của khách hàng giúp chúng ta đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân viên. Cách làm mới, tư duy mới vì thế đơn giản, dễ hiểu hơn, dễ giúp chúng ta đối thoại tìm hiểu hiệu quả hơn, sáng tạo điều chỉnh đúng hướng hơn.

Nhìn theo góc nhìn vào nội bộ doanh nghiệp, khi bạn nhìn các hoạt động và phong trào đổi mới theo góc nhìn hạnh phúc hơn, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy những điều bất hợp lý đang diễn ra trong doanh nghiệp mình và có định hướng xây dựng chính xác hơn các cách hoạt động.

Nói cho cùng, khi mọi người đều nhận thấy việc họ làm là đem lại hạnh phúc hơn cho chính mình và mọi người xung quanh mình, họ sẽ sẵn sàng chiến đấu hết mình và nỗ lực tuyệt vời để vươn lên. Vươn lên không còn là một áp lực, mà là niềm vui và hạnh phúc. Học tập, rèn luyện để vượt lên chính mình không còn là sự khó chịu mà là con đường để chúng ta đạt được một tập thể hạnh phúc, thậm chí còn có thể lan tỏa năng lực này cho các thế hệ kế cận và gia đình. Việc phân tích các con số, tính toán hiệu quả tài chính là bắt buộc phải có, nhưng góc nhìn lý trí tuy cần nhưng không đủ. Chính góc nhìn Hạnh phúc hơn giúp chúng ta hoàn thành được bức tranh lớn về phát triển doanh nghiệp của mình.

Việc bạn xây dựng doanh nghiệp hạnh phúc (xin đọc bài Ba cuộc đời của doanh nghiệp hạnh phúc của tôi) sẽ là nền tảng lõi phát triển, thậm chí có thể là cuộc cách mạng bùng nổ cho doanh nghiệp bạn. Bắt đầu từ bên trong để thay đổi toàn thế giới xung quanh.

Hãy bắt đầu cùng thiết kế và xây dựng hạnh phúc!

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Trần Xuân Hải - CEO của Missionizer

Trần Xuân Hải - CEO của Missionizer

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/dinh-hinh-cuoc-cach-mang-hanh-phuc-1580620141822.htm