Định hình nỗ lực quản lý và phát triển AI có trách nhiệm

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng trở thành một trong những vấn đề quan trọng bậc nhất của thế giới nói chung và từng quốc gia nói riêng. Việt Nam và Liên hợp quốc đang đẩy mạnh hợp tác phát triển AI có trách nhiệm.

Các chính phủ trên khắp thế giới đang tìm cách định hình quy định quản lý công nghệ AI. Ảnh: Radiology Business

Các chính phủ trên khắp thế giới đang tìm cách định hình quy định quản lý công nghệ AI. Ảnh: Radiology Business

Thế giới sẽ có nhiều thay đổi về quản lý AI

Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt lịch sử của AI, khi công nghệ này không còn là tiềm năng tương lai, mà đã trở thành động lực chủ đạo thay đổi nền tảng xã hội và kinh tế toàn cầu. Trên thực tế, AI đang là tâm điểm của cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu và các chính phủ đều đang tìm cách định hình quy định quản lý công nghệ này.

Bước sang năm 2025, bối cảnh chính trị và kinh tế thế giới được dự báo sẽ có những thay đổi quan trọng. Ngay từ những ngày đầu năm, sự phát triển AI thu hút sự quan tâm rất lớn khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump chuẩn bị nhậm chức vào ngày 20/1; Liên minh châu Âu (EU) đang thúc đẩy Đạo luật AI; Anh điều chỉnh cách tiếp cận với AI... Theo giới quan sát quốc tế, ông Donald Trump nhiều khả năng sẽ có nhiều thay đổi đáng kể trong việc quản lý AI. Dễ thấy nhất là động thái chỉ định 2 doanh nhân công nghệ hàng đầu thế giới đồng lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ, thay vì các cơ quan quản lý truyền thống.

Theo ông Matt Calkins - Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ Appian (Mỹ), động thái của ông Trump có thể giúp Mỹ dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực AI. Bởi thực tế kiến thức, kinh nghiệm của 2 doanh nhân công nghệ hàng đầu thế giới này có thể đóng vai trò trung tâm trong việc định hình các biện pháp bảo vệ AI, nhằm ngăn chặn những rủi ro tiềm tàng. Về mặt pháp luật, Mỹ hiện chưa có một đạo luật liên bang toàn diện về AI. Việc quản lý chủ yếu dựa trên các quy định cấp bang và địa phương. Tuy nhiên, chính quyền của ông Trump trong thời gian tới rất có thể sẽ điều chỉnh quy định về AI theo hướng khuyến khích đổi mới hơn là siết chặt kiểm soát.

Không giống sự loay hoay của Mỹ với chính sách AI, EU đã tiến xa hơn với Đạo luật AI - bộ quy tắc toàn diện đầu tiên trên thế giới cho công nghệ này. Tháng 12/2024, Văn phòng AI của EU công bố dự thảo thứ 2 về quy tắc thực hành đối với các mô hình AI mục đích chung (GPAI), như hệ thống GPT của OpenAI. Các quy định này yêu cầu các nhà phát triển AI phải trải qua các khâu đánh giá rủi ro nghiêm ngặt và có trách nhiệm giám sát việc sử dụng công nghệ. Một số điều khoản cũng miễn trừ các mô hình AI nguồn mở nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của công nghệ này.

Chỉ trích đạo luật của EU, hàng loạt công ty công nghệ “top đầu” của Mỹ coi nỗ lực của EU là quá cứng rắn, có thể cản trở đổi mới và đặt ra những rào cản quá mức đối với ngành AI. Ngay tại châu Âu cũng có nhiều cảnh báo rằng, một số điều khoản về bản quyền và đánh giá rủi ro trong đạo luật của EU có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các công ty công nghệ Mỹ tại “lục địa già”.

Trong khi đó, Anh theo đuổi một cách tiếp cận linh hoạt hơn trong việc quản lý AI. Trước đây, chính phủ tiền nhiệm tránh đưa ra các quy định ràng buộc bởi lo ngại rằng, việc kiểm soát quá chặt chẽ có thể kìm hãm phát triển công nghệ. Tuy nhiên, chính quyền đương nhiệm của Thủ tướng Anh Keir Starmer đang cân nhắc điều chỉnh chính sách AI theo hướng có kiểm soát hơn. Một trong những vấn đề quan trọng mà Anh đang xem xét là bản quyền đối với dữ liệu đào tạo mô hình AI.

Việt Nam cùng Liên hợp quốc đẩy mạnh phát triển AI có trách nhiệm

Tại Việt Nam, đầu tuần này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã có buổi làm việc với ông Amandeep Singh Gill - Phó Tổng Thư ký và Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về công nghệ, trong đó tập trung thảo luận về cách thức phát triển và quản lý AI có trách nhiệm và hiệu quả, nhằm mang lại lợi ích cho toàn xã hội.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt tiếp và làm việc với ông Amandeep Singh Gill. Ảnh: Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt tiếp và làm việc với ông Amandeep Singh Gill. Ảnh: Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, Việt Nam và Liên hợp quốc ngày càng có thêm nhiều cơ hội mới để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đặc biệt là chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số toàn diện. Các chương trình như “Đề án phát triển ứng dụng công nghệ AI quốc gia” và việc triển khai các khu công nghệ cao đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển sản phẩm công nghệ tiên tiến.

Về phần mình, ông Amandeep Singh Gill bày tỏ ấn tượng với những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác giữa Liên hợp quốc và Việt Nam trong phát triển và ứng dụng công nghệ để phục vụ người dân, ông Amandeep Singh Gill đánh giá cao việc Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm quản trị công nghệ AI có trách nhiệm, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa bảo vệ quyền lợi của cộng đồng. Đặc biệt, hai bên dành nhiều thời gian thảo luận trọng tâm về các sáng kiến hợp tác liên quan đến quản trị công nghệ toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực AI.

Ông Amandeep Singh Gill cho rằng, Việt Nam cần đóng vai trò tích cực hơn nữa trong các diễn đàn quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về phát triển công nghệ có đạo đức. Ông Amandeep Singh Gill nhấn mạnh: “Chúng ta cần hợp tác để xây dựng một tương lai mà công nghệ phục vụ lợi ích chung của toàn nhân loại. Việt Nam đang đi đúng hướng khi tập trung vào quản trị công nghệ AI theo cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Việt Nam đang nghiên cứu triển khai các cơ chế quản trị AI hiệu quả thông qua sự phối hợp giữa chính phủ, doanh nghiệp và học viện. Đồng thời khẳng định, Việt Nam cam kết phát triển công nghệ không chỉ nhằm tăng trưởng kinh tế, mà còn nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, giáo dục, y tế môi trường. Hai bên nhất trí sẽ xây dựng một khuôn khổ hợp tác chính thức nhằm triển khai các dự án cụ thể, trong đó ưu tiên các lĩnh vực như chuyển đổi số, nghiên cứu AI và phát triển nguồn nhân lực.

Hồng Nhung

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dinh-hinh-no-luc-quan-ly-va-phat-trien-ai-co-trach-nhiem-post485603.html