Định Hóa: Đưa quế trở thành cây trồng chủ lực

Sau gần 10 năm được Nhà nước hỗ trợ, người dân mạnh dạn mở rộng diện tích trồng, đến nay cây quế đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Định Hóa.

Người dân xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng (Định Hóa) kiểm tra rừng quế. Ảnh: T.L

Người dân xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng (Định Hóa) kiểm tra rừng quế. Ảnh: T.L

Vào đầu những năm 1990, khi thực hiện Dự án PAM theo Chương trình “phủ xanh đất trống đồi trọc”, người dân trồng rừng trên địa bàn huyện Định Hóa được hỗ trợ gạo. Vào thời điểm đó, đa phần các hộ lựa chọn trồng keo, mỡ, bồ đề, nhưng một số hộ ở xóm Kim Tân 3 và Kim Tân 4, xã Kim Sơn (sau này được sáp nhập thành xóm Đồng Đình, thuộc xã Kim Phượng) lại chọn đưa cây quế về trồng. Tuy nhiên, mục đích chính khi đó cũng chỉ là để được nhận gạo hỗ trợ của Nhà nước, chứ không tính đến việc phát triển kinh tế từ loại cây trồng này.

Những cây quế đầu tiên bén rễ ở xóm Đồng Đình lớn nhanh không kém so với các loại cây trồng bản địa, chỉ có điều trong khi các loại cây rừng trồng khác “đến tuổi” đều được thương lái tìm đến mua thì với cây quế lại chẳng có ai ngó tới. Do đó một số hộ trồng quế theo Dự án PAM ở Đồng Đình không tránh khỏi tư tưởng băn khoăn.

Tuy nhiên, đến những năm 2011, 2012, các thương lái bắt đầu tìm mua quế và người trồng quế ở Đồng Đình đã có nguồn thu (mỗi héc-ta quế bán được 800-900 triệu đồng). Bán được sản phẩm, có thêm nguồn vốn, người dân nơi đây lại tiếp tục trồng lứa quế tiếp theo. Còn một số hộ vẫn giữ lại những cây quế trồng từ năm 1992, đến nay mỗi cây có giá trị từ 4 đến 5 triệu đồng.

Ông Triệu Thanh Bình, Trưởng xóm Đồng Đình, chia sẻ: So với các loại cây trồng bản địa thì cây quế cho thu nhập cao hơn hẳn. Vì vậy gia đình tôi tiếp tục trồng lứa quế thứ hai, đến nay bắt đầu được tỉa cành, bán lá. Hiện nay cả xóm có 130ha quế. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc trồng quế của người dân Đồng Đình, bà con ở một số xóm, xã lân cận cũng bắt đầu mua cây giống về trồng...

Đồi quế của gia đình ông Lường Kim Liếng, ở xóm Thái Trung, xã Quy Kỳ (Định Hóa) đã trồng 9 năm, 2 lần được thu hoạch cành, lá để bán.

Đồi quế của gia đình ông Lường Kim Liếng, ở xóm Thái Trung, xã Quy Kỳ (Định Hóa) đã trồng 9 năm, 2 lần được thu hoạch cành, lá để bán.

Tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Định Hóa đã định hướng tái cơ cấu kinh tế đồi rừng, nâng cao giá trị sử dụng đất lâm nghiệp bằng các loại cây đặc sản, trong đó xác định đưa cây quế vào cơ cấu phát triển cây lâm nghiệp. Huyện đặt mục tiêu đưa cây quế trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế đồi rừng, phấn đấu đến năm 2030 sẽ trồng được 10.000ha.

Để hoàn thành tốt mục tiêu này, bà con nhân dân được Nhà nước hỗ trợ cây giống; đối với các hộ trồng quế trong diện tích rừng phòng hộ còn được hỗ trợ thêm phân bón. Sau 10 năm phát triển, đến nay diện tích trồng quế trên địa bàn huyện Định Hóa đã đạt khoảng 4.150ha, tập trung chủ yếu ở các xã Quy Kỳ, Linh Thông, Lam Vỹ, Điềm Mặc…

Ông Luân Đức Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Quy Kỳ, cho biết: Với lợi thế về diện tích đất rừng, từ năm 2014 đến nay, bà con nhân dân trong xã đã trồng được hơn 700ha quế, trong đó diện tích quế cho thu hoạch chiếm gần 30%. Trong xã đã có hàng trăm hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ trồng quế. So với trồng keo thì cây quế có giá trị kinh tế cao gấp 5-6 lần.

Còn ông Lương Kim Liếng, một người dân ở xóm Thái Trung, xã Quy Kỳ, chia sẻ: Theo tiêu chuẩn kỹ thuật, quế được trồng với mật độ 5.000 cây/ha. Trồng quế chỉ mất 2 năm đầu phải phát dọn thực bì, đến năm thứ 3 thì tán quế che phủ, các loại cỏ dại không mọc được và cây quế hầu như không bị sâu bệnh. Từ năm thứ 5 cây quế bắt đầu được khai thác tỉa cành, lá để bán.

Sơ chế cành, lá quế tại Công ty TNHH Vũ Hoa (thị trấn Chợ Chu, Định Hóa). Ảnh: T.L

Sơ chế cành, lá quế tại Công ty TNHH Vũ Hoa (thị trấn Chợ Chu, Định Hóa). Ảnh: T.L

Hiện nay, giá bán vỏ quế khô ở mức 50.000 đồng/kg; cành, lá được bán với giá 1.400 đồng/kg; thân cây sau khi bóc vỏ cũng bán được 1.000 đồng/kg. Việc tiêu thụ quế khá tốt, tổng nguồn thu từ khi cây quế được tỉa cành, bán lá đến năm thứ 17 (tuổi khai thác vỏ, bán cây) đạt khoảng 1,3 tỷ đồng/ha.

Khi cây quế đến tuổi thu hoạch, Công ty TNHH Vũ Hoa (địa chỉ tại thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa) sẽ tiến hành thu mua, bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, Công ty có xưởng chế biến quế với công suất tối đa đạt 50 tấn cành, lá/ngày.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Vũ Hoa, thông tin: Với sản phẩm cành, lá quế được trồng từ năm 2015, chúng tôi thu mua về và phân tách ra các phần để bán cành, lá hoặc chế biến bột lá quế, chiết xuất tinh dầu. Thời gian tới, căn cứ vào vùng trồng quế, Công ty sẽ đầu tư xây dựng nhà máy tinh chế các sản phẩm từ quế có giá trị kinh tế cao. Khi đó, giá trị cây quế đem lại cho người dân sẽ cao hơn và thực sự trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế đồi rừng trên địa bàn huyện...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/nong-nghiep/202312/dinh-hoadua-que-tro-thanh-cay-trong-chu-luc-1da1ef9/