Định hướng của Chính phủ nhằm tăng GDP từ 8% trong năm 2025

Nhằm hướng tới GDP tăng 8% trở lên trong năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thiện thể chế, tăng tín dụng 16%, điện năng 13%, đẩy mạnh đầu tư công từ đầu năm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 ngày 5/2. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 ngày 5/2. Ảnh: Nhật Bắc

Vừa qua, Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025, với kỳ vọng tạo động lực để nền kinh tế đạt mức tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo.

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần tự lực, tự cường, kết hợp chặt chẽ giữa lời nói và hành động nhằm hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế.

Việc thực hiện tốt từng nhiệm vụ của mỗi cơ quan, mỗi cấp chính quyền sẽ quyết định thành công của cả nền kinh tế trong năm 2025.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ để cụ thể hóa thành kế hoạch hành động.

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của nâng cao năng lực dự báo, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, đồng thời dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đưa ra các giải pháp đột phá.

Việc triển khai các kết luận của Trung ương, đặc biệt là Kết luận số 123 về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, sẽ được thực hiện quyết liệt.

Chính phủ cũng sẽ sớm ban hành và triển khai các chương trình, kế hoạch hành động theo chủ đề điều hành năm 2025: "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá".

Trong các nhiệm vụ trọng tâm, Chính phủ đặt ưu tiên vào thúc đẩy tăng trưởng, tập trung làm mới các động lực truyền thống, thúc đẩy các động lực mới.

Đầu tư công sẽ được đẩy mạnh ngay từ đầu năm, tập trung vào các dự án giao thông chiến lược, sân bay, cảng biển và các công trình liên vùng.

Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành ít nhất 3.000 km đường cao tốc và 1.000 km đường bộ ven biển vào cuối năm 2025.

Việc thu hút vốn FDI có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao cũng được nhấn mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn và năng lượng sạch.

Trong xuất khẩu, Thủ tướng yêu cầu khai thác hiệu quả 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, mở rộng thị trường xuất khẩu sang thị trường mới và tiềm năng như Trung Đông, Mỹ Latinh và châu Phi.

Đồng thời thúc đẩy thương mại điện tử, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt và kích cầu tiêu dùng nội địa.

Thủ tướng nhấn mạnh tập trung thực hiện hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới nổi.

Bên cạnh đó, Chính phủ phấn đấu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng điện năng dự kiến đạt 12,5-13% trong năm 2025. Các chính sách tiền tệ sẽ được điều hành linh hoạt để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, đặt mục tiêu trên 16% trong năm nay.

Chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, tận dụng dư địa về nợ công để đề xuất các giải pháp huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Đồng thời, tiếp tục đề xuất các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp; miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, trình Chính phủ trong quý I năm 2025.

Chính phủ cũng đặt mục tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên để bổ sung đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Thủ tướng nhấn mạnh điều chỉnh tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 60% trong tổng chi ngân sách. Chỉ tiêu này sẽ được đưa vào nội dụng báo cáo trong Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Trong cải cách thể chế, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế với tinh thần là "đột phá của đột phá", tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách hành chính.

Bộ Tư pháp chủ trì, các bộ trưởng sẽ phải báo cáo hàng tháng về tiến độ tháo gỡ vướng mắc thể chế, đảm bảo hiệu quả trong việc thực hiện các chính sách.

Bên cạnh đó, các vấn đề xã hội như an sinh, y tế, giáo dục cũng được chú trọng. Chính phủ cam kết không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nơi chữa bệnh hay trường học.

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát sẽ được triển khai quyết liệt trong năm 2025. Đồng thời, phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát thực tế, giải quyết nhanh chóng các vấn đề tồn đọng. Bộ Y tế sẽ sớm trình Chính phủ phương án tháo gỡ khó khăn cho Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2.

Trong lĩnh vực văn hóa, lễ hội, Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn hành vi trục lợi tín ngưỡng và đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh theo dõi sát tình hình thế giới, nhất là những vấn đề mới phát sinh, việc điều chỉnh chính sách của các quốc gia, nền kinh tế lớn, đối tác quan trọng.

Bởi kinh tế và chính trị thế giới diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất kinh doanh.

Ông nhấn mạnh rủi ro từ các đối tác thương mại lớn như Mỹ và Trung Quốc, yêu cầu các bộ, ngành dự báo sát tình hình và xây dựng kịch bản ứng phó.

Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cảnh báo về "cuộc chiến thuế quan mới" toàn cầu do chính sách khó đoán của Mỹ và phản ứng từ các quốc gia khác.

Mỹ đã công bố áp thuế 25% lên hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada, thêm 10% với Trung Quốc từ ngày 4/2, nhưng sau đó tạm dừng áp thuế với Mexico và Canada trong một tháng. Trong khi đó, lệnh tăng thuế với Trung Quốc có hiệu lực, khiến Bắc Kinh lập tức đáp trả, làm leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Ngoài ra, tình trạng xung đột tại nhiều khu vực tiếp tục leo thang, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và không vững chắc. Nhiều nền kinh tế lớn giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, tác động đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu.

Nhật Hạ

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/dinh-huong-cua-chinh-phu-nham-tang-gdp-tu-8-trong-nam-2025-d38927.html