Ngân hàng 'hút' tiền nhàn rỗi trong dân cho mục tiêu tăng trưởng 8%
Khi các kênh huy động vốn trung và dài hạn còn những vấn đề, tín dụng tiếp tục sẽ là kênh dẫn vốn quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.
Kịch bản tăng trưởng tín dụng khi GDP đạt hai con số
Chiều 5/2, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025. Đây là buổi họp báo đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Tại họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã trả lời báo chí về chính sách tiền tệ năm 2025, nhằm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên.
Phó Thống đốc nhấn mạnh: "Muốn tăng trưởng, phải có đầu tư; muốn đầu tư, cần có vốn".
Ông cũng gợi mở các kịch bản tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh Việt Nam quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số trong thời gian tới.
Theo ông Đào Minh Tú, trong năm 2023, GDP tăng trưởng gần 7%, tăng trưởng tín dụng ở mức 14,55%. Năm 2024, GDP tăng trưởng 7,09%, tín dụng tăng trưởng 15,08%. Trung bình hơn 2% tăng trưởng tín dụng sẽ giúp tăng trưởng 1% tăng trưởng GDP.
"Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%. Nếu tăng trưởng kinh tế đến 10% thì tăng trưởng tín dụng phải ở mức 18-20%", Phó Thống đốc nói.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh rằng, việc đảm bảo đủ vốn cho tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ cấp bách, đặc biệt trong bối cảnh các kênh huy động vốn trung và dài hạn như chứng khoán, trái phiếu vẫn còn nhiều thách thức. Điều này đặt ra trọng trách lớn cho chính sách tiền tệ và tín dụng trong năm 2025.
Về dư nợ hệ thống ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, đến cuối năm 2023, tổng dư nợ đạt khoảng 13,4 triệu tỷ đồng và cuối năm 2024 tăng lên 15,5 triệu tỷ đồng. Như vậy, riêng trong năm 2024, nền kinh tế được bổ sung khoảng 2,1 triệu tỷ đồng vốn dư nợ. Tổng doanh số cho vay cả năm đạt 23 triệu tỷ đồng, trong khi doanh số thu nợ là 21 triệu tỷ đồng, góp phần đạt mức tăng trưởng GDP 7,09%.
Đẩy mạnh việc huy động vốn nhàn rỗi trong dân, doanh nghiệp
Về định hướng chính sách tiền tệ cho mục tiêu tăng trưởng 8%, phải kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Tiếp theo, cần hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng, đảm bảo những cân đối lớn của nền kinh tế. Với mục tiêu này, việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp với chính sách tài khóa, chính sách xuất nhập khẩu, chính sách thương mại.
Theo ông Tú, năm 2025, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện trước hết quan điểm vẫn phải là làm sao đạt mục tiêu, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền; hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng nền kinh tế và đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế.
Với quan điểm cũng như mục tiêu đó cùng với những kinh nghiệm, bài học trước đây, điều hành chính sách tiền tệ năm nay tiếp tục linh hoạt, chặt chẽ và phù hợp với chính sách tài khóa cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô khác như chính sách xuất nhập khẩu, chính sách thương mại…
Ông Tú cho rằng, các giải pháp phải bảo đảm thành quả cho nền kinh tế, cho các nhà thương mại. Các thành quả này chính là đảm bảo nguồn vốn cho nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh vốn huy động, vốn nhàn rỗi cho nền kinh tế từ doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, có chính sách lãi suất hợp lý để huy động vốn này.
"Lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục được điều hành theo hướng ổn định đảm bảo phù hợp với lãi suất chung của nền kinh tế cũng như các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác", ông Tú cho biết và nhấn mạnh, sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm mặt bằng lãi suất bằng cách cắt giảm chi phí, ứng dụng công nghệ…
Trong điều hành hạn mức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đặt ra 16% nhưng cũng có thể cao hơn nếu vẫn kiểm soát được lạm phát và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho phép và đạt mục tiêu tăng trưởng. Phương thức điều hành quản lý hạn mức này, năm 2024 đã có đổi mới và năm 2025 tiếp tục đổi mới và tạo thuận lợi, chủ động cho các ngân hàng thương mại.
"Nếu cho vay tích cực, đúng đối tượng và phát huy được nguồn vốn cũng như bảo đảm được an toàn, lành mạnh của ngân hàng, việc chủ động được nâng cao. Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát cũng như đảm bảo tổng thể mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế", ông Tú nói.
Bên cạnh đó, điều hành tỷ giá của thị trường ngoại tệ cũng tiếp tục hóa giải những tác động của thế giới để duy trì một thị trường ngoại tệ ổn định.
Tính đến hết quý IV/2024, thống kê từ 26 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính và công bố kết quả năm 2024, tổng số dư tiền gửi khách hàng tại đây đã tăng 11,7%, đạt gần 12,8 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của tiền gửi đang chậm hơn đáng kể so với cho vay. Tính đến cuối quý IV, dư nợ cho vay khách hàng ở 26 ngân hàng được khảo sát đã tăng trưởng 17,2% lên gần 13,4 triệu tỷ đồng.