Định hướng đưa kinh tế biển và đô thị trở thành động lực phát triển
Các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế hàng đầu nhận định và đánh giá Ninh Thuận có rất nhiều điều kiện để thu hút đầu tư phát triển.
Sáng 19/12, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội thảo khoa học “Định hướng phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035, trọng tâm là thúc đẩy kinh tế biển và kinh tế đô thị trở thành động lực phát triển”.
Hội thảo có sự tham dự của các cơ quan khoa học, viện nghiên cứu, lãnh đạo các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng và các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, các nhà nghiên cứu, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp trong và tỉnh.
Hội thảo là điều kiện để Ninh Thuận tập hợp tìm kiếm ý tưởng sáng tạo, các giá trị mới, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, các định hướng lớn, những vấn đề mới trong bối cảnh mới của kinh tế thế giới, trong nước và khu vực nhằm hiện thực hóa mục tiêu, định hướng và tầm nhìn Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt” đang đề ra định hướng tốt, giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả để vươn lên phát triển một cách mạnh mẽ trong thời giai tới. Vì lẽ đó, hội thảo khoa học lần này là cơ hội lớn để tỉnh tiếp thu các sáng kiến đóng góp đầy tâm huyết, trách nhiệm của nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, các nhà nghiên cứu hàng đầu và đại diện các tổ chức, doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm; qua đó để tỉnh vận dụng hiệu quả vào thực tiễn phát triển của địa phương.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế hàng đầu nhận định và đánh giá Ninh Thuận có rất nhiều điều kiện để thu hút đầu tư phát triển. Ninh Thuận có đường biển, cảng biển, đường sắt, đường Quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc - Nam và tương lai không xa có sân bay lưỡng dụng Thành Sơn; có 3 khu công nghiệp quy mô lớn cùng các cụm công nghiệp, các giá trị di sản văn hóa, lịch sử… thì đây rõ ràng là trợ lực lớn để Ninh Thuận thu hút đầu tư phát triển, trong đó có kinh tế biển và kinh tế đô thị.
Bên cạnh đó, lợi thế to lớn của tỉnh Ninh Thuận là đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là điều kiện để tỉnh tập trung thu hút đầu tư các ngành kinh tế theo quy hoạch. Trước đây Ninh Thuận cũng đã hưởng lợi từ Nghị quyết 115/NQ-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023. Theo đó, Ninh Thuận đã có sự bức tốc phát triển rất mạnh, nhất là vấn đề phát triển công nghiệp; dịch vụ; kinh tế biển; đặc biệt là lĩnh vực năng lượng và năng lượng tái tạo.
Qua 5 năm thực hiện, ước thực hiện hoàn thành 16/18 chỉ tiêu đề ra; quy mô nền kinh tế được mở rộng đáng kể, tăng hơn 1,7 lần so với đầu nhiệm kỳ, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt gần 9% thuộc top đầu cả nước. Riêng năm 2024, kinh tế tăng trưởng khá, đạt 8,74%, xếp vị thứ 4/14 tỉnh khu vực; 16/63 tỉnh thành phố, đưa Ninh Thuận từ tỉnh khó khăn của cả nước lên tỉnh có thu nhập trung bình.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam gợi mở, sự phát triển của Ninh Thuận đã cho thấy rõ. Tuy nhiên, để phát triển nhanh và bền vững, tỉnh cần có giải pháp đột phá về thể chế, chính sách, giải quyết hiệu quả các điểm nghẽn để thúc đẩy phát triển mang tầm quốc gia.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên cũng ghi nhận và cho rằng Ninh Thuận rất giỏi trong định hướng thu hút đầu tư phát triển. Tuy tỉnh có rất ít các nhà đầu tư nước ngoài đến nhưng tỉnh đã có nước đi bước đầu rất thành công và hiệu quả bằng cách thu hút, hội tụ được các doanh nghiệp lớn, các “sếu đầu đàn” trong nước vào đầu tư tại tỉnh với quyết sách đúng đắn, phù hợp.
Tuy nhiên, để phát triển một cách mạnh mẽ, tỉnh Ninh Thuận cần đề xuất Trung ương trao quyền cho tỉnh một cơ chế “tự quyết; tự làm và tự chịu trách nhiệm” để giải quyết các điểm nghẽn của điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực, tạo đột phát của đột phá để thu hút đầu tư, vươn mình phát triển.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, Ninh Thuận đã có quyết tâm chính trị cao để tạo động lực phát triển. Cụ thể trong những năm qua, tỉnh đã và đang phát triển hệ thống như logistic, nông nghiệp công nghệ cao, cảng biển, năng lượng, kinh tế đô thị…
Ninh Thuận cần xây dựng hành lang công nghiệp; biến tỉnh thành trung tâm năng lượng quốc gia; tạo đột phá trong tăng trưởng công nghiệp; tạo môi trường đầu tư thông thoáng; cải cách thể chế; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Đồng thời, cần phát triển cảng cạn, phát triển khu công nghiệp và các ngành, lĩnh vực khác như công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, thủy sản…
Ninh Thuận có diện tích tự nhiên nhỏ nhưng tiềm năng vô cùng lớn, việc tăng trưởng 2 con số với GRDP đạt từ 11-12% là chuyện không khó và rất khả quan với tỉnh. Khi Trung ương có chủ trương tái khởi động xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân, đây là cơ hội bằng vàng để tỉnh phát triển.
Tiến sĩ Trần Du Lịch nhấn mạnh, để làm được điều đó, tỉnh Ninh Thuận nên kiến nghị Trung ương có nghị quyết ban hành chính sách ưu đãi quốc gia đối với tỉnh như: Ưu tiên ngân sách đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho trên 600 nghìn dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; đưa ra hệ thống chính sách đủ mạnh để phát triển năng lượng tái tạo, ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi theo quy hoạch điện VIII để tỉnh sớm trở thành Trung tâm năng lượng quốc gia. Đồng thời cần trao cơ chế phân cấp, phân quyền để Ninh Thuận “Tự quyết; tự làm và tự chịu trách nhiệm”. Có như vậy Ninh Thuận mới tiếp tục biến tiềm năng, lợi thế để phát triển và tăng trưởng kinh tế 2 con số như mục tiêu đề ra.
Qua hội thảo, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận bày tỏ phấn khởi và đánh giá cao các ý kiến rất tâm huyết, thể hiện tình cảm, sự quan tâm và trách nhiệm của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp đối với phát triển của tỉnh; nhất là các nhận định, phân tích gợi mở định hướng và giải pháp đột phá cho phát triển của tỉnh trong giai đoạn đến. UBND tỉnh Ninh Thuận tiếp thu, lựa chọn những ý tưởng hay nhất, khả thi nhất để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới và xây dựng chiến lược phát triển cho tỉnh giai đoạn 2025 - 2030 và các năm tiếp theo.
Ông Trần Quốc Nam cũng kỳ vọng và mong muốn tiếp tục nhận được từ các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp những góp ý, đề xuất về phương án, biện pháp triển khai cụ thể để tỉnh có thể nghiên cứu và áp dụng vào thực tế, nhất là tiếp tục tham gia góp ý trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển của tỉnh trong giai đoạn đến.
Đồng thời tin tưởng với sự quyết tâm và đồng thuận cao của toàn tỉnh, cùng với sự hỗ trợ tích cực từ các bộ, ngành Trung ương, sự đóng góp hết mình của các chuyên gia, các nhà khoa học cùng sự hưởng ứng mạnh mẽ của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, Ninh Thuận sẽ trở thành tỉnh thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao của cả nước, là điểm đến lý tưởng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và du khách trong thời gian tới.