Xúc tiến xuất khẩu bài bản, hiệu quả, xuất nhập khẩu năm 2024 dự báo đạt kỷ lục

Con số kỷ lục của hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 có được một phần nhờ các hoạt động xúc tiến xuất khẩu được triển khai bài bản thời gian qua.

Xuất nhập khẩu đạt kỷ lục

Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước sẽ cán mốc hơn 782 tỷ USD sau ít ngày nữa, đánh dấu mức kỷ lục về thương mại từ trước tới nay. Bên cạnh đó, xuất siêu ước đạt 23,53 tỷ USD.

Ước tính từ đầu năm đến 14/12/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu đã đạt 745,38 tỷ USD, tăng 15,35% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 384,4 tỷ USD, tăng 14,46%, nhập khẩu đạt 360.98 tỷ USD, tăng 16,32%. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam tính đến hết 14/12/2024 xuất siêu 23,42 tỷ USD.

Xuất nhập khẩu năm 2024 đạt kỷ lục (Ảnh: Cấn Dũng)

Xuất nhập khẩu năm 2024 đạt kỷ lục (Ảnh: Cấn Dũng)

Trước đó, tại báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ và đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết năm 2025, Bộ Công Thương dự tính, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2024 ước tăng trên 15%, vượt xa so với mục tiêu kế hoạch 6% mà Chính phủ giao, cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu ở mức cao trên 20 tỷ USD.

Để đạt được kết quả này, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều nhóm giải pháp thúc đẩy xúc tiến xuất khẩu hàng hóa. Đơn cử, ngày 19/12, Hội nghị Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ khu vực thị trường châu Á - châu Phi đã được Bộ Công Thương tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản. Hội nghị được tổ chức nhằm tìm giải pháp phát huy hơn nữa hiệu quả của các cơ quan thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Á, đóng góp tích cực vào thành tích xuất nhập khẩu của cả nước.

Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh triển khai các giải pháp quảng bá hàng Việt tại thị trường quốc tế. Đơn cử, tại Lễ hội mua sắm và tiêu dùng quốc tế (world bazaar festival) khai mạc ngày 13 tháng 12 năm 2024 tại Trung tâm Thương mại thế giới (World Trade Center), Thủ đô Manila, Philippines, Khu gian hàng Việt Nam với sản phẩm của hơn 20 doanh nghiệp được trưng bày, giới thiệu bao gồm các loại sản phẩm nông sản như cà phê, chè, hạt điều, hoa quả sấy khô, gạo, các loại đồ uống có cồn (rượu), đồ uống giải khát (sữa, nước hoa quả), các sản phẩm chế biến, bánh kẹo, các loại gia vị, nước chấm, các sản phẩm dinh dưỡng tăng cường sức khỏe… đã thu hút được sự quan tâm của nhiều khách thăm quan.

Sự kiện là cơ hội để giới thiệu cho người tiêu dùng Philippines và quốc tế về các sản phẩm hàng hóa Việt Nam với chất lượng, hương vị thơm ngon, bao bì, mẫu mã đẹp không chỉ dành cho tiêu dùng cá nhân mà còn có thể làm quà tặng thể hiện tình cảm quý mến và tôn trọng với người thân, gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp.

Khu trưng bày sản phẩm Việt Nam trong trong khuôn khổ ngày Việt Nam tại thủ đô Riyadh, Vương quốc Ả rập Xê út (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Ả rập Xê út)

Khu trưng bày sản phẩm Việt Nam trong trong khuôn khổ ngày Việt Nam tại thủ đô Riyadh, Vương quốc Ả rập Xê út (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Ả rập Xê út)

Hoặc trong khuôn khổ ngày Việt Nam từ ngày 13-15/12/2024 tại thủ đô Riyadh, Vương quốc Ả rập Xê út, Thương vụ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út đã tổ chức trưng bày sản phẩm của trên 100 doanh nghiệp đang tìm kiêm cơ hội mở rộng thị trường sang khu vực Trung Đông.

Các mặt hàng nổi bật gồm nông sản (gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, chè, quả sấy khô), thực phẩm chế biến, gia vị, thủy sản đóng hộp, mật ong, hàng may mặc, vật liệu xây dựng, nội thất, trang trí, các sản phẩm thân thiện với môi trường, than củi, trầm hương…

Quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam tại Ả rập Xê út và các địa bàn kiêm nhiệm đã được Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Riyadh thực hiện thường xuyên từ tháng 04 năm 2021 góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam sang Ả-rập Xê-út, Bahrain, Jordan, Oman. Kim ngạch xuất khẩu đã tăng trưởng rất ấn tượng trong 10 tháng năm 2024 đạt 1,34 tỷ USD tăng 41,1% so với cùng kỳ và lần đầu tiên ta xuất siêu trên 180 triệu USD vào thị trường Ả rập Xê út.

Hoặc, 2 đơn vị của Bộ Công Thương là Cục Xuất nhập khẩu và Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp tổ chức hoạt động giao thương xúc tiến thương mại mặt hàng gạo tại thị trường Trung Quốc từ ngày 02 – 06 tháng 12 năm 2024.

Đánh giá rất cao những hoạt động xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương để gia tăng xuất khẩu, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, các hoạt động xúc tiến xuất khẩu của Bộ Công Thương đã góp phần rất quan trọng giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, nắm bắt thông tin thị trường để nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, vai trò của hệ thống Thương vụ Việt Nam tại thị trường nước ngoài trong những năm vừa qua đã ngày càng được khẳng định.

Về phía các Hiệp hội, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá, ngành gỗ đang hưởng lợi lớn từ các Hiệp định thương mại tự do như UKVFTA, RCEP… Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam vào Anh cao hơn so với mức bình quân của tất cả các ngành hàng nhờ UKVFTA. Hoặc với RCEP, RCEP tạo ra một không gian cộng hưởng rộng lớn, mà ở đó các doanh nghiệp Việt có cơ hội xuất nhập khẩu hàng hóa với không hoặc rất ít rào cản về thuế quan, giá thành vì thế cũng có cơ hội để cạnh tranh hơn. Đặc biệt, nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa xuất khẩu của chúng ta có thể đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan trong RCEP dễ dàng hơn bất kỳ FTA nào đã có.

Chuẩn bị kỹ càng cho kế hoạch năm 2025

Cũng tại báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ và đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết năm 2025, Bộ Công Thương nhận định, trong năm 2025, hoạt động xuất khẩu sẽ có nhiều thuận lợi và dư địa tăng trưởng do lạm phát toàn cầu đã hạ nhiệt, nhu cầu thị trường quốc tế đang trên đà hồi phục theo làn sóng hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương. Bên cạnh đó, sự phục hồi của các thị trường lớn như Mỹ, EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng và dệt may.

Mặt khác, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể. Theo đó, Bộ đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng khoảng 6% so với năm 2024.

Du vậy, hoạt động xuất khẩu vẫn phải đối mặt với thách thức từ diễn biến địa chính trị phức tạp, các tiêu chuẩn môi trường và lao động khắt khe hơn, cũng như khả năng Mỹ tăng rào cản thương mại dưới chính sách bảo hộ của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Để đạt mục tiêu đề ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp như cung cấp thông tin thị trường, định hướng sản xuất và tìm kiếm đơn hàng.

Tăng cường giới thiệu các lợi ích từ FTA qua hình thức trực tiếp và trực tuyến cũng như phát triển dịch vụ logistics và thương mại biên giới bền vững, đặc biệt là xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc.

Chia sẻ về những giải pháp xúc tiến xuất khẩu thời gian tới, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ thực hiện đồng bộ giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có lợi thế và thế giới có nhu cầu. Duy trì phát triển các thị trường truyền thống, các mặt hàng truyền thống, tăng cường phát triển các thị trường gần, các mặt hàng tiềm năng mới. Chú trọng hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững.

“Bộ Công Thương sẽ tập trung nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu thông qua tăng cường truyền thông, nâng cao mức độ nhận diện ngành hàng Việt Nam, sản phẩm Việt Nam. Đào tạo nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trên nền tảng số, thương mại điện tử, phát triển kinh tế số. Đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu xanh, hướng tới phát triển bền vững” - ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Lan Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuc-tien-xuat-khau-bai-ban-hieu-qua-xuat-nhap-khau-nam-2024-du-bao-dat-ky-luc-365131.html