Định hướng nghề cho học sinh thông qua trải nghiệm

Sách giáo khoa (SGK) Công nghệ 9 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (bộ Kết nối) cung cấp 3 module nghề nghiệp ở 3 nhóm nghề lớn, đa dạng hóa trải nghiệm học sinh.

Tính thực tiễn và hiện đại của SGK Công nghệ 9 bộ Kết nối

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 môn Công nghệ bao gồm hai phần: Định hướng nghề nghiệp, dành cho tất cả học sinh; trải nghiệm nghề nghiệp, gồm 15 module thuộc 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản và dịch vụ.

Tùy thuộc vào xu hướng nghề nghiệp, mỗi học sinh lựa chọn một module để trải nghiệm. Trong năm đầu tiên triển khai bộ môn Công nghệ dành cho học sinh lớp 9 theo chương trình mới, NXB Giáo dục Việt Nam chủ trương chọn mỗi nhóm một module trên nguyên tắc vừa đảm bảo tính hiện đại, thực tiễn, vừa đảm bảo tính kế thừa chương trình môn Công nghệ 9 hiện hành.

SGK Công nghệ 9 bộ Kết nối được biên soạn thành 3 cuốn tương ứng với 3 module khác nhau gồm: Chế biến thực phẩm, Lắp đặt mạng điện trong nhà và Kỹ thuật trồng cây ăn quả.

Nội dung Lắp đặt mạng điện trong nhà kế thừa module cùng tên trong Chương trình giáo dục phổ thông 2006 trên cơ sở cập nhật các thành tựu mới về khoa học - công nghệ và bổ sung các nội dung mang tính thực tiễn.

Trong đó, phần lắp đặt chỉ là bước thực hành sau cùng nằm ở bài số sáu. Năm bài trước đó, học sinh được tìm hiểu các kiến thức hữu ích mang tính nền tảng, từ kiến thức về thiết bị đóng cắt và lấy điện trong gia đình (bài 1), dụng cụ đo điện cơ bản (bài 2), các vật liệu, dụng cụ và thiết bị dùng cho lắp đặt mạng điện trong nhà (bài 4) cho đến việc thiết kế mạng điện như thế nào (bài 3) và tính toán chi phí ra sao khi lắp đặt (bài 5).

Việc cung cấp toàn bộ kiến thức nêu trên giúp học sinh có cái nhìn toàn diện, tổng thể về công việc này, từ đó có thể áp dụng vào thực tế trong chính gia đình mình.

Đặc biệt, ở bài cuối cùng (bài 7), sách giới thiệu tới học sinh những ngành nghề liên quan tới lắp đặt mạng điện trong nhà đang thịnh hành trên thị trường thay vì chỉ gói gọn trong nghề điện dân dụng.

Đây cũng là điểm nổi bật riêng có của SGK Công nghệ 9 bộ Kết nối khi vừa giúp học sinh trải nghiệm nghề theo đúng tiêu chí phát triển phẩm chất, năng lực người học, vừa định hướng nghề cho học sinh trên cơ sở cung cấp bức tranh toàn cảnh về thị trường nghề nghiệp, thị trường lao động liên quan tới nghề đó.

Tương tự, với module Chế biến thực phẩm, nhóm tác giả biên soạn nội dung theo hướng mới mẻ và khác biệt so với module nghề Nấu ăn trước đây.

Theo đó, cấu trúc bài học được thiết kế thành hai chương gồm: Dinh dưỡng và thực phẩm, Tổ chức và chế biến món ăn. Mạch nội dung này thể hiện rõ ý đồ lồng ghép giáo dục STEM với định hướng giúp học sinh vận dụng kiến thức nấu ăn vào thực tế không chỉ như một công việc, mà còn như một phương pháp thực hành nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua ăn uống khoa học.

Chính vì thế, trước khi học bài nấu ăn, học sinh sẽ được học về thành phần dinh dưỡng, về cách lựa chọn và bảo quản thực phẩm, về an toàn vệ sinh thực phẩm và cách tính toán chi phí bữa ăn theo thực đơn. Các kiến thức này sẽ tạo ra kỹ năng tổ chức một bữa ăn dinh dưỡng, sạch, lành mạnh và tiết kiệm trước khi biết cách nấu ăn ngon.

Với phần nấu ăn, sách kế thừa nội dung từ chương trình hiện hành song bổ sung tính đa dạng của món ăn theo vùng miền, giúp học sinh có thêm hiểu biết về văn hóa của mỗi địa phương dựa trên cách ăn, cách nấu ăn.

Đặc biệt, ở khâu cuối cùng của nấu ăn, nhóm tác giả không dừng ở bước trình bày món ăn mà đưa vào bảng đánh giá kết quả món ăn theo các tiêu chí khoa học. Đây là một tri thức mới giúp người học tăng cường tư duy định lượng, đưa ra các nhận định, kết luận dựa trên căn cứ cụ thể, có độ chính xác cao thay vì cảm tính.

Ở module Kỹ thuật trồng cây ăn quả, nhóm tác giả biên soạn dựa trên hai nguyên tắc: một là kiến thức cốt lõi, thiết thực và hiện đại; hai là lựa chọn loại cây ăn quả đảm bảo tính vùng miền.

Trên cơ sở đó, các bài học được cấu trúc một cách thống nhất, đi từ đặc điểm thực vật học và yêu cầu ngoại cảnh đến kỹ thuật. Phần kỹ thuật được chia nhỏ theo từng bước: trồng và chăm sóc, cắt tỉa và tạo tán, điều khiển ra hoa đậu quả. Các đối tượng cây ăn quả được lựa chọn bám sát thực tiễn đời sống, là loại cây có giá trị kinh tế cao.

Bài cuối cùng trong module Kỹ thuật trồng cây ăn quả là dự án trồng cây. Dự án này lồng ghép giáo dục STEM, tích hợp giáo dục kinh tế, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường cho học sinh.

Cung cấp phương pháp luận và trải nghiệm thực tế để học sinh chọn nghề cho tương lai

Lý giải về việc lựa chọn module này trong rất nhiều module của ba nhóm module nghề, PGS.TS. Lê Huy Hoàng - Tổng chủ biên SGK Công nghệ 9 bộ Kết nối - cho biết: “Ở Việt Nam, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế.

Nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, hướng tới nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Do đó, cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực này rất cao.

Nhóm tác giả biên soạn sách nhìn thấy xu thế và cơ hội phát triển đó nên đã lựa chọn module này cho SGK Công nghệ 9. Ở khía cạnh thị trường lao động, sách cung cấp kiến thức hữu ích cho người học liên quan tới bài toán kinh tế của gia đình và của địa phương.

Với các em học sinh sống ở vùng nông nghiệp, thông qua trải nghiệm môn học, các em có điều kiện để hiểu sâu sắc hơn về công việc gắn bó với chính cha mẹ, gia đình mình và từ đó biết bản thân phù hợp hay không phù hợp, có định hướng rõ ràng cho tương lai”.

Đặc trưng trải nghiệm là yếu tố được làm đậm nét nhất trong các module và cũng là điểm khác biệt lớn nhất trong việc biên soạn sách Công nghệ theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Trải nghiệm thực tiễn này giúp cho các em học sinh xác định rõ ràng, đầy đủ hơn năng lực, sở thích của bản thân, sự phù hợp với nghề nghiệp thuộc lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ, góp phần lựa chọn hướng đi phù hợp sau tốt nghiệp THCS.

Phần Định hướng nghề nghiệp gồm 17 tiết học bắt buộc là nội dung mà PGS.TS. Lê Huy Hoàng tâm đắc nhất. 17 tiết học này cung cấp cho học sinh tri thức về các nghề nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, về thị trường lao động kỹ thuật - công nghệ tại Việt Nam và quy trình lựa chọn nghề nghiệp.

Phó Giáo sư cũng cho rằng, trong lựa chọn hướng đi và định hướng nghề nghiệp, học sinh phổ thông còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn. Phần đa các em lựa chọn nghề dựa trên cảm tính, theo ý kiến của bạn bè, người thân hoặc theo số đông mà không dựa trên cơ sở khoa học về năng lực, sở trường, nhu cầu xã hội…

Với nội dung Định hướng nghề nghiệp, học sinh được trang bị phương pháp luận để chọn nghề cho tương lai. Ba module nghề là phần trải nghiệm để học sinh thực hành những kiến thức về phương pháp luận đó.

Định hướng nghề cho học sinh, giúp các em xác định được sự phù hợp của bản thân với những ngành nghề, lĩnh vực cụ thể chính là mục tiêu và giá trị riêng biệt của SGK Công nghệ 9 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục Việt Nam.

BẢO ANH

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/dinh-huong-nghe-cho-hoc-sinh-thong-qua-trai-nghiem-ar860757.html