Định hướng phát triển kinh tế tại một huyện nghèo ở Sơn La

Thuận Châu là một huyện miền núi nghèo của tỉnh Sơn La, trình độ phát triển kinh tế không đồng đều, phương thức sản xuất có nơi còn lạc hậu, nguồn thu chủ yếu từ nông nghiệp.

Một góc thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu.

Một góc thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu.

Do vậy, huyện đã có những giải pháp tận dụng được lợi thế về phát triển nông nghiệp, đồng thời gắn phát triển hạ tầng giao thông và dịch vụ kinh tế-thương mại với đẩy mạnh du lịch cộng đồng và sinh thái nông-lâm nghiệp.

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, địa phương tập trung phát triển trồng cây ăn quả, cây lương thực, cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản.

Cụ thể, huyện tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp hữu cơ, nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm đặc trưng của từng xã trong huyện.

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thuận Châu, huyện đã hình thành các vùng chuyên canh như chè tại các xã Chiềng Pha, Phổng Lái, Mường É, Phổng Lập; cà phê ở Nậm Lầu, Bản Lầm, Chiềng Bôm, Phổng Lái, Chiềng Pha; xoài tại xã Mường Khiêng, Bó Mười, Liệp Tè; chăn nuôi gia súc, trồng cây dược liệu, sơn tra ở các xã vùng cao; tập trung phát triển nuôi bò theo các chương trình mục tiêu quốc gia.

Các xã vùng lòng hồ Sông Đà của huyện Thuận Châu tận dụng lợi thế phát triển nghề nuôi cá lồng.

Các xã vùng lòng hồ Sông Đà của huyện Thuận Châu tận dụng lợi thế phát triển nghề nuôi cá lồng.

Huyện đã có nhiều giải pháp trong việc chỉ đạo cơ quan chuyên môn hỗ trợ các cơ sở, hợp tác xã quảng bá sản phẩm, tiêu thụ nông sản. Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, minh bạch hóa việc tiếp cận các chủ trương, chính sách, nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất, làm cơ sở phát triển kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh cho các hợp tác xã.

Đồng thời, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ cải tạo vườn tạp, định hướng cây trồng, dự báo thị trường để chủ động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

Tại các xã vùng cao, nơi chủ yếu là đồi núi dốc, địa hình chia cắt mạnh, khí hậu lạnh, diện tích rừng lớn, nhiều núi đá, nguồn nước ít, tầng đất mỏng, định hướng của huyện là phát triển chăn nuôi trâu, dê, lợn và gà đen địa phương; trồng một số cây có giá trị kinh tế cao như đào vùng cao, sâm Lai Châu, sâm đất, dong riềng, dâu tây, sơn tra, cây dược liệu dưới tán rừng; duy trì diện tích rừng hiện có, trồng mới những nơi đất đồi, núi trống và nơi đã được quy hoạch là đất rừng.

Cùng với phát triển kinh tế, huyện Thuận Châu cũng đã huy động được các nguồn lực hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc.

Cùng với phát triển kinh tế, huyện Thuận Châu cũng đã huy động được các nguồn lực hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc.

Đối với vùng lòng hồ Sông Đà thuộc các xã Liệp Tè, Chiềng Ngàm, chủ yếu là đồi núi dốc, địa hình chia cắt mạnh, khí hậu nóng, định hướng của huyện là tận dụng mặt nước lòng hồ thủy điện để nuôi thủy sản, trồng rau thủy canh, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm....

Cũng theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Thuận Châu, vùng dọc tuyến Quốc lộ 6, huyện đang tập trung phát triển cây cà-phê, khuyến khích người dân trồng xen cây chuối tây tạo ra vùng nguyên liệu trên địa bàn.

Do cà-phê là không chịu được sương muối, không ưa sáng hoàn toàn mà cần có 15% cây che tán, do đó khi đưa cây chuối vào trồng xen sẽ che tán, bảo vệ cây khi vào mùa sương muối, giữ ẩm cho đất, giảm cường độ ánh sáng trực tiếp, tạo thu nhập tăng thêm trên một diện tích.

Huyện Thuận Châu đã có những định hướng, giải pháp cụ thể trong việc phát triển hạ tầng giao thông tại các vùng khó khăn.

Huyện Thuận Châu đã có những định hướng, giải pháp cụ thể trong việc phát triển hạ tầng giao thông tại các vùng khó khăn.

Vùng dọc tuyến Quốc lộ 6, huyện đang tiếp tục duy trì và phát triển diện tích chè chất lượng cao tại khu vực xã Phổng Lái, Chiềng Pha, Mường É, Phổng Lập và kết hợp trồng xen canh cây mắc ca.

Tiếp tục phát triển xoài hoặc tìm loại cây tương tự phù hợp đất đai, khí hậu tiểu vùng... nhưng có giá trị kinh tế cao hơn để xem xét, xây dựng mô hình trồng thí điểm.

Đối với các diện tích khác vùng dọc Quốc lộ 6, địa phương cũng đang vận động, khuyến khích các gia đình trồng cây đa tác dụng, vừa bảo vệ chống xói mòn, vừa có thu nhập cao. Do đó, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở cơ sở, ưu tiên phát triển kinh tế, xác định các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực trên từng địa bàn, từng bản, từng nhóm hộ gia đình, trước hết là mô hình kinh tế hộ, sau đó nhân rộng thành vùng nguyên liệu.

Lãnh đạo huyện Thuận Châu tặng quà động viên các gia đình vùng đồng bào dân tộc trong dịp Ngày hội đại đoàn kết toàn dân.

Lãnh đạo huyện Thuận Châu tặng quà động viên các gia đình vùng đồng bào dân tộc trong dịp Ngày hội đại đoàn kết toàn dân.

Ngoài việc đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới vào trồng thử nghiệm, quan tâm học hỏi từ các huyện trong tỉnh, Thuận Châu còn khuyến khích thành viên các gia đình không có tư liệu sản xuất về đất đai đi xuất khẩu lao động hoặc tìm kiếm việc làm ở trong và ngoài tỉnh, nếu có tư liệu về đất đai thì xây dựng mô hình sản xuất tại địa phương để tạo thu nhập bền vững…

Bà Phạm Thị Thanh Hường, Phó phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thuận Châu, cho biết: Thuận Châu có 58 hợp tác xã với hơn 1.000 thành viên, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Định hướng của huyện là tiếp tục chú trọng phát triển sản phẩm OCOP, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho người dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể thông qua việc hỗ trợ thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã.

Cùng với phát triển kinh tế, huyện Thuận Châu cũng đã có những định hướng, giải pháp cụ thể trong việc phát triển hạ tầng giao thông và dịch vụ kinh tế-thương mại gắn với đẩy mạnh du lịch cộng đồng và sinh thái nông-lâm nghiệp.

Thuận Châu phát triển hiệu quả vùng chè 700ha tại xã Phổng Lái với diện tích lớn nhất huyện.

Thuận Châu phát triển hiệu quả vùng chè 700ha tại xã Phổng Lái với diện tích lớn nhất huyện.

Ông Đinh Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thuận Châu, thông tin: Với cảnh quan thiên nhiên đẹp, nền văn hóa đa dạng của các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Thái, H’Mông…, là tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Do vậy, huyện định hướng sẽ tập trung vào du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm kết hợp bảo tồn văn hóa truyền thống.

Huyện cũng đang tập trung phát triển đường giao thông, cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống… và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, quan tâm nghiên cứu phát triển năng lượng tái tạo từ mặt trời và gió, nhất là ở các khu vực có độ cao lớn và không gian rộng, như khu vực đèo Pha Đin, vùng cao Co Mạ…

Huyện Thuận Châu đã hỗ trợ, khuyến khích các hộ vùng đồng bào dân tộc phát triển nuôi gia súc nhốt chuồng.

Huyện Thuận Châu đã hỗ trợ, khuyến khích các hộ vùng đồng bào dân tộc phát triển nuôi gia súc nhốt chuồng.

Phát triển dịch vụ thương mại, đặc biệt là dịch vụ logistics được xác định là hướng đi quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả tiêu thụ sản phẩm cũng như thúc đẩy kinh tế huyện phát triển.

Hiện các sản phẩm nông-lâm nghiệp tại Thuận Châu và khu vực lân cận cần được chế biến sâu để gia tăng giá trị và tạo công ăn việc làm cho người dân. Do đó, huyện đã và đang tiếp tục chú trọng đào tạo nghề, nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng lao động, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và công nghiệp chế biến.

Cùng với đó, chú trọng đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo nghề cho người dân, đặc biệt là đào tạo kỹ năng nghề cho lực lượng lao động trẻ, từ đó hỗ trợ việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Đại diện các bản thuộc các xã vùng cao tham gia ký cam kết thực hiện xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Đại diện các bản thuộc các xã vùng cao tham gia ký cam kết thực hiện xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Tận dụng các công nghệ số trong phát triển kinh tế, như phát triển thương mại điện tử, quảng bá đặc sản địa phương qua các nền tảng số và nâng cao năng lực số cho cộng đồng dân cư vùng xa, vùng cao.

Thuận Châu luôn xác định việc phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. Do đó, các giải pháp như trồng rừng, bảo vệ nguồn nước và sử dụng năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục được chú trọng.

Những định hướng trên thể hiện sự nỗ lực của huyện Thuận Châu trong việc khai thác tiềm năng và lợi thế địa phương, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế toàn diện, bền vững và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân trong thời gian tới.

QUỐC TUẤN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dinh-huong-phat-trien-kinh-te-tai-mot-huyen-ngheo-o-son-la-post870709.html