Định hướng phát triển KT-XH huyện đảo Lý Sơn giai đoạn 2020-2025
'Năng động, sáng tạo, huy động tổng hợp các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế cùng khát vọng cống hiến để phát triển Lý Sơn thành đảo du lịch xanh, sạch, đẹp, bền vững về môi trường, Nhân dân có cuộc sống hạnh phúc; giữ vững quốc phòng - an ninh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc' .Tổng quát về Lý SơnNguyễn Viết Vy
Lý Sơn có lịch sử gắn liền với chủ quyền biển đảo của Việt Nam, trai tráng Lý Sơn tuân mệnh triều đình nhà Nguyễn dong thuyền mở cõi từ mấy trăm năm trước còn lưu dấu qua lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Từng đình làng, dòng tộc trên đảo đều gắn liền với quá khứ hào hùng của lớp lớp người hướng về phía biển.
Du khách đến với đảo không chỉ tham quan cảnh đẹp, mà còn tìm hiểu lịch sử của hòn đảo thiêng liêng này. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, kinh tế Lý Sơn những năm gần đây có bước phát triển bức phá; đời sống vật chất lẫn tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt; nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức tác động bất lợi đến sự phát triển của huyện đảo.
Để thực hiện tốt mục tiêu phát triển đã đề ra cho nhiệm kỳ 2020-2025, dự báo có năm vấn đề cơ bản mà huyện đảo phải đối diện giải quyết; bao gồm: (1) Lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù của huyện đảo; (2) Đầu tư xây dựng nhưng không làm phá vỡ cảnh quan chung, không xâm hại vẻ đẹp nguyên sơ tự nhiên; (3) Giải quyết thách thức do thiếu hụt nguồn nước ngọt và áp lực bảo vệ môi trường; (4) Không để mặt trái của kinh tế thị trường tác động xấu đến văn hóa, nhân cách cao đẹp của con người Lý Sơn; (5) Kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế và kinh tế với quốc phòng, an ninh.
Phần tiếp theo của bài viết sẽ nêu ra nhiệm vụ, giải pháp cho từng vấn đề; qua đó góp phần mô phỏng tổng quan định hướng phát triển của huyện đảo giai đoạn đến.
Thứ nhất, phát triển du lịch, dịch vụ theo chiều sâu; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng
Du lịch phát triển đã kéo theo sự phát triển của thương mại dịch vụ, góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế ngày càng tích cực; từ chỗ kinh tế chỉ có hai chân, “một chân làm hành, tỏi và một chân đi biển”, hiện du lịch, dịch vụ đã thực sự trở thành ngành mũi nhọn, số lượng lao động chỉ chiếm 35%, nhưng đóng góp hơn 50% cơ cấu kinh tế của địa phương.
Trước năm 2015, trên đảo chỉ có vài nhà nghỉ nhỏ, đến nay toàn đảo hiện có 133 cơ sở lưu trú, gồm 14 khách sạn, 57 nhà nghỉ, 62 homestay với 1.069 phòng; cao điểm có thể phục vụ trên 3.000 khách/ngày; giá trị sản xuất lĩnh vực này giai đoạn 2015-2020 tăng bình quân trên 25%, doanh thu năm 2019 đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Lượng khách đến Lý Sơn tăng nhanh hàng năm.
Con số thống kết hết sức phấn khởi; nhưng do đặc thù của huyện đảo, bị giới hạn về tài nguyên, nhất là tài nguyên nước cũng như vấn đề môi trường; nên nhiều khách chưa hẳn đã tốt, mà cần phải xác định sức chứa điểm đến phù hợp của huyện đảo; tức là giới hạn số lượng khách đến đảo tối đa bao nhiêu là hợp lý, không chạy theo tăng trưởng lượng khách để tăng trưởng doanh thu, mà cần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch để nâng mức chi tiêu của du khách khi đến đảo, như khai thác tiềm năng của các thắng cảnh địa chất núi lửa; phát huy giá trị của 06 di tích quốc gia, 19 di tích cấp tỉnh; tổ chức các hoạt động thể thao phục vụ du lịch và phát triển kinh tế như dù lượn, bóng chuyền bãi biển; bơi vượt biển; lặn ngắm san hô; chạy việt dã…
Chú trọng phát triển du lịch cộng đồng để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho Nhân dân địa phương. Số lượng cơ sở lưu trú và phòng nghỉ trên đảo cơ bản đã phù hợp với sức chứa điểm đến, nên không cần phải thu hút thêm Nhà đầu tư mà thay vào đó cần khuyến khích Nhân dân địa phương làm du lịch cộng đồng, tạo điều kiện để Nhân dân có khu vực buôn bán, kinh doanh thương mại dịch vụ, phát triển ẩm thực đặc trưng của đảo như hành, tỏi, giá đỗ, hải sản, bán buôn mặt hàng lưu niệm...
Có vậy thì người dân Lý Sơn mới thực sự hưởng lợi từ phát triển du lịch, bởi nếu làm thuê cho người khác thì mức lương khoảng trên dưới 3,5 triệu đồng/tháng, nhưng tự kinh doanh buôn bán thì thu nhập có thể hơn gấp nhiều lần và hoàn toàn có thể vươn lên làm giàu.
Cánh đồng trồng tỏi tại huyện đảo Lý Sơn. Ảnh TL
Nông nghiệp là lĩnh vực có số lượng lao động nhiều nhất, khoảng 56% lao động toàn đảo; nhưng chỉ đóng góp 40% giá trị cơ cấu kinh tế, đồng thời cũng là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn nhất. Giai đoạn 2015-2020 thậm chí tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm 0,35%; ước chỉ đạt gần 900 tỷ đồng. Nguyên nhân là lĩnh vực trồng trọt thiếu nguồn nước tưới trầm trọng; diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp để phát triển lĩnh vực khác; chăn nuôi bị hạn chế; nuôi trồng, đánh bắt thủy sản gần bờ bị ảnh hưởng của bảo tồn biển, đánh bắt xa bờ khó khăn do nguồn lợi thủy sản bị suy giảm và thường xuyên bị tàu nước ngoài đâm va, gần đây thậm chí bị tấn công, đánh đập, tịch thu hải sản, bị đập phá tàu thuyền... Bởi vậy, để lĩnh vực nông nghiệp Lý Sơn tiếp tục tăng trưởng về giá trị tuyệt đối là một thách thức không nhỏ.
Trong lĩnh vực trồng trọt, cần quy hoạch lại theo hướng giảm diện tích đất nông nghiệp hợp lý, vừa hạn chế đất thải ra môi trường vừa tiết kiệm nguồn nước ngọt cho đảo; phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp; tăng diện tích đất trồng cây xanh, trồng hoa bản địa như hoa giấy, hoa sứ… để tạo các điểm check-in phục vụ du khách; hỗ trợ, thúc đẩy việc liên kết giữa doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học trong sản xuất nông nghiệp sạch; sử dụng tốt các ưu thế từ việc được cấp chỉ dẫn địa lý để bảo vệ giá trị và thương hiệu của tỏi Lý Sơn; phát triển nhà máy chế biến tinh dầu tỏi để bảo đảm đầu ra và nâng giá trị gia tăng tỏi Lý Sơn…
Trong lĩnh vực thủy sản, Chính phủ đã ban hành nghị định 76, nghị định 89 để hỗ trợ ngư dân phát triển thủy sản; song, việc thực hiện cũng còn nhiều khó khăn, nên Lý Sơn hiện chỉ có hai tàu dịch vụ hậu cần nghề cá được vay từ nguồn này. Để thuận lợi hơn cho ngư dân, cần xem xét, điều chỉnh đối tượng vay, lãi suất, thời hạn và phương thức trả nợ linh hoạt hơn, bảo đảm việc thực hiện chính sách phải khách quan, minh bạch; thuận tiện trong việc tiếp cận nguồn vốn; tăng cường bảo vệ ngư dân trên biển; có như vậy ngư dân mới mạnh dạn vay vốn cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn, đầu tư ngư lưới cụ hiện đại để đánh bắt xa bờ.
Bên cạnh đó, cũng cần sớm đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng Vũng neo đậu tàu thuyền; hỗ trợ các nghiệp đoàn nghề cá tổ chức cho ngư dân đánh bắt trên biển theo mô hình hợp tác; thường xuyên quan tâm, hỗ trợ ngư dân bị tai nạn, rủi ro do thiên tai và nhân tai trên biển để ngư dân ấm lòng, an tâm bám biển.
Thứ hai, quản lý tốt công tác quy hoạch và xây dựng, bảo vệ vẻ đẹp nguyên sơ tự nhiên của Lý Sơn
Từ khi Lý Sơn có điện và du lịch phát triển, tốc độ xây dựng nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng và nhà ở rất nhanh; trong khi đó khả năng quản lý của địa phương chưa kịp thích ứng, nên nhiều dự án, công trình, nhà ở xây dựng mang tính tự phát, chưa có chủ trương đầu tư, không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng; chưa có giấy phép... dẫn đến nguy cơ phá vỡ cảnh quan chung toàn đảo.
Từ thực tế đó, tỉnh Quảng Ngãi đã giao Sở Xây dựng thực hiện dự án lập quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2.000 toàn huyện, được phê duyệt tại Quyết định số 579/QĐ-UBND ngày 21/8/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi. Nhờ vậy, công tác quản lý nhà nước về xây dựng được chấn chỉnh và ngày càng đi vào nền nếp, mọi công trình, ngay cả nhà dân trên đảo đều phải có giấy phép trước khi xây dựng; địa phương cũng đặc biệt chú ý đến yếu tố mỹ thuật kiến trúc, nên một số công trình được xây dựng sau khi có quy hoạch được Nhân dân và du khách đánh giá cao, trong đó phải kể đến công trình Cột Cờ, Quảng trường trung tâm huyện và Trung tâm Chính trị - Hành chính huyện.
Tuy quy hoạch được duyệt không phải hoàn toàn là tối ưu, một số nội dung chưa phù hợp cũng cần phải điều chỉnh; nhưng việc tuân thủ quy hoạch được duyệt trong thời gian đến cần phải tiếp tục được thực hiện nghiêm túc, chỉ đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khi thật sự cần thiết vì lợi ích chung và phải được thực hiện công khai, minh bạch, có sự tham gia của cộng đồng.
Các công trình xây dựng mới như bệnh viện, trường học, đường giao thông cần tiếp tục chú trọng yếu tố mỹ thuật kiến trúc, tuyệt đối không được xâm hại đến di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và các khu vực đã được khoanh vùng bảo vệ để đề xuất Unesco công nhận Công viên địa chất toàn cầu; nhằm giữ gìn vẻ đẹp nguyên sơ tự nhiên của đảo.
Thứ ba, tiếp tục chấn chỉnh nghiêm túc công tác quản lý tài nguyên và môi trường
Trong quản lý tài nguyên, phải đặc biệt chú ý tài nguyên nước, đây là vấn đề sống còn của Lý Sơn trong tương lai. Số liệu thống kê năm 2017 trên đảo có 2.156 giếng nước; ước khai thác khoảng 22.000 m3/ngày, trong khi đó trữ lượng khuyến nghị khai thác chỉ 15.626m3/ngày để bảo đảm cân bằng nước; thêm vào đó biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng nắng nóng nên nguồn nước gần 1.000 giếng đã nhiễm mặn ngay từ đầu mùa khô.
Do vậy, cần phải giảm hợp lý diện tích đất và tuân thủ nghiêm túc thời vụ sản xuất nông nghiệp; khuyến nghị người dân, du khách, các nhà hàng, khách sạn có ý thức tiết kiệm nước; các khách sạn lớn phải có phương án thu gom nước mưa, tái chế, lọc nước biển thành nước ngọt để phục vụ du khách.
Về lâu dài, cần phải đưa Lý Sơn vào dự án cấp nước ngọt cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long và một số địa phương khó khăn về nguồn nước như ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại buổi thăm và làm việc tại huyện đảo vào ngày 06/7/2020.
Đối với vấn đề môi trường, cần chú trọng cải thiện cả về vệ sinh môi trường, môi trường biển, cảnh quan môi trường; trong đó vệ sinh môi trường là vấn đề trực tiếp nhất. Mấy năm qua chính quyền, người dân địa phương đã rất cố gắng trong việc giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường có kết quả rõ rệt. Tuy nhiên, việc đổ đất thải nông nghiệp; phế thải xây dựng còn quá tùy tiện; ý thức thấp của một bộ phận Nhân dân và du khách trong việc vứt rác thải, chai nhựa cả trên bờ và dưới biển làm cho Lý Sơn còn ngổn ngang, cộng với hạ tầng giao thông chưa được đồng bộ, nên hình ảnh Lý Sơn chưa được đẹp, chưa được chỉnh chu trong mắt người dân và du khách.
Giải quyết các hạn chế này, một mặt cần tiếp tục nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường và cảnh quan; mặt khác, cần sớm tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính để nâng công suất nhà máy rác từ 25 tấn/ngày lên gấp đôi; tổ chức phân loại rác tại nhà và thu gom rác tốt hơn; thực hiện các mô hình hạn chế tiến đến không sử dụng túi ny lông; xây dựng đảo bé thành đảo không carbon; tăng cường trồng cây cảnh quan, cây bóng mát; đầu tư lâm viên núi Hòn Vung thành lá phổi xanh của huyện đảo. Vấn đề nữa hết sức quan trọng, đòi hỏi có sự quyết tâm, đồng lòng cao mới thực hiện được, đó là xây dựng lò hỏa táng và vận động người dân thực hiện hỏa táng để bảo vệ môi trường, tiết kiệm đất cho đảo; đáng mừng là bước đầu chủ trương này đã được nhiều bậc cao niên có tuổi trên đảo ủng hộ.
Lý Sơn là huyện đảo của tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 15 hải lý, diện tích hơn 10 km2, dân số khoảng 22.000 người. Trên đảo có sản phẩm hành, tỏi nổi tiếng; có nhiều di sản văn hóa, thắng cảnh đẹp hình thành từ núi lửa phun trào cách đây hàng chục triệu năm đang được tỉnh Quảng Ngãi đề xuất UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2015-2020 ước đạt 9,5%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch từ nông nghiệp sang du lịch và dịch vụ; hiện chiếm hơn 50% GRDP. Số lượng khách du lịch ra đảo tăng nhanh. Trước năm 2015 lượng khách không đáng kể, năm 2018 Lý Sơn đón gần 250 nghìn lượt khách; năm 2019 đón gần 265 nghìn lượt; thu nhập bình quân đầu người trên 45 triệu đồng/người/năm. Huyện Lý Sơn đang hoàn thiện thủ tục công nhận huyện đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới.
Thứ tư, phát huy giá trị văn hóa, con người Lý Sơn; bảo đảm phát triển văn hóa đồng bộ với phát triển kinh tế
Lý Sơn là quê hương của hải đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, con người nơi đây có truyền thống yêu nước nồng nàn, dù khó khăn đến mấy vẫn luôn kiên cường bám biển, bám đảo để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; sống có nghĩa, có tình, chan hòa, hạnh phúc, chân thật, hết mực yêu thương bảo vệ nhau, đúng như nhân cách Lý Sơn mà nhà thơ Thanh Thảo đã viết trên báo Thanh niên ngày 22/7/2020.
Huyện đảo muốn phát triển bền vững, giàu mạnh thì các giá trị văn hóa cao đẹp của con người Lý Sơn cần phải được tiếp tục phát huy một cách sâu sắc nhất; không để mặt trái của kinh tế thị trường ảnh hưởng đến văn hóa, nhân cách con người Lý Sơn, làm sao để khi nói đến Lý Sơn thì du khách, người ở xa phải nhớ đến một vùng biển đảo xinh đẹp, thanh bình, con người thân thiện, mến khách, ứng xử văn minh, lịch sự, có tình yêu quê hương, đất nước và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo; khát vọng cống hiến, đầy năng lượng, nhiệt huyết, sẵn sàng đặt lợi ích chung vì sự phát triển lâu dài của huyện đảo lên trên lợi ích cá nhân. Không phải kinh tế, văn hóa con người Lý Sơn mới chính là nền tảng quan trọng để thực sự phát triển Lý Sơn một cách phồn vinh, bền vững, nên cần phải hết sức được chú trọng.
Thứ năm, thực hiện tốt chủ trương kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế; kinh tế với quốc phòng, an ninh
Tuy có quy mô diện tích và dân số nhỏ; nhưng Lý Sơn có vị trí địa chính trị hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh; được xem là lá chắn, phên dậu vững chắc trên biển Đông để bảo vệ khu vực duyên hải miền Trung của Việt Nam. Nhiệm vụ bảo vệ, giữ vững quốc phòng, an ninh trên đảo, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của tổ quốc được Đảng bộ, quân, dân trên đảo xem là nhiệm vụ hàng đầu.
Trong thời bình, cần chú trọng phát triển kinh tế, nhất là kinh tế du lịch để nâng cao đời sống của Nhân dân trên đảo, qua đó tăng cường đối ngoại Nhân dân để du khách quốc tế hiểu thêm về lịch sử biển đảo, về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; nhưng tuyệt nhiên không vì kinh tế mà ảnh hưởng đến công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Nghĩa là các dự án đầu tư trên đảo phải được thẩm định và xem xét một cách kỹ càng về pháp nhân, quy mô, nội dung đầu tư; không được ảnh hưởng đến đất quốc phòng, đến việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; tăng cường đầu tư các công trình lưỡng dụng; như vậy thì mới có thể xây dựng Lý Sơn thực sự mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh.
Kết lại, giai đoạn 2015-2020 là khoảng thời gian chứng kiến sự thay đổi toàn diện của huyện đảo Lý Sơn về mọi mặt; kinh tế có bước phát triển đột phá, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt; quốc phòng, an ninh được giữa vững.
Thành tựu đạt được là rất đáng tự hào; nhưng để tạo ra sự thay đổi về chất một cách bền vững, thực hiện tốt mục tiêu phát triển mà huyện đảo đã đề ra cho giai đoạn 2020-2025 thì đòi hỏi toàn Đảng bộ, quân và dân Lý Sơn phải thật sự đoàn kết, tiếp tục nỗ lực, năng động, sáng tạo, khát vọng cống hiến, trách nhiệm và nhiệt huyết trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết năm thách thức cơ bản nêu trên./.
Bí thư Huyện ủy Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi