Định hướng phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030

Bài 1
TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG VỀ DẠY NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN

*NGUYỄN HỒNG TRÀ

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

BPO - Sau gần 26 năm từ ngày tái lập tỉnh (1-1-1997) và từng bước tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bình Phước đã có những chuyển biến tích cực về kinh tế, chính trị, xã hội. Cùng với đó, hệ thống dạy nghề cũng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố quốc phòng - an ninh. Hiện nay, công tác dạy nghề ngày càng đòi hỏi cao để phù hợp về cơ cấu ngành nghề. Để khuyến khích người lao động nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức, phẩm chất, tác phong, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, năng lực chuyên môn, đảng bộ và chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã kịp thời ban hành nhiều chính sách nhằm nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Nhiệm vụ chính trị quan trọng

Đứng trước những thời cơ và thách thức, Tỉnh ủy đã nhất quán khẳng định dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững góp phần phát triển nông nghiệp xanh, xây dựng nông thôn mới (NTM). Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 5-11-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, thực hiện đến toàn bộ đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Căn cứ tình hình thực tiễn của từng giai đoạn, Tỉnh ủy đã lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh ban hành các đề án, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời đã lãnh đạo, chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với dạy nghề cho lao động nông thôn; đưa nội dung dạy nghề cho lao động nông thôn vào văn bản chỉ đạo thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025. Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia học tập, nâng cao trình độ sản xuất, mở rộng ngành nghề. Tập trung tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, tác động của lao động trong công tác xây dựng NTM gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là sản phẩm có thế mạnh tại địa phương như hồ tiêu, điều, cao su...

Để thực hiện đồng bộ, hiệu quả các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề lồng ghép với chương trình xóa đói giảm nghèo, Tỉnh ủy đã quan tâm chỉ đạo và cho chủ trương để UBND tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ giải quyết và đào tạo nghề cho lao động bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp theo hướng người bị thu hồi đất được hỗ trợ dạy nghề và giới thiệu việc làm, được ưu tiên vay vốn và xuất khẩu lao động. Chỉ tính riêng năm 2015, số nhân lực qua đào tạo ở bậc trung cấp nghề chiếm 4,55%, bậc cao đẳng 2,5% tổng số người trong độ tuổi lao động. Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 140.444 lao động, đạt 118,21% kế hoạch; đào tạo nghề cho 32.241 lao động, đạt 140,17% kế hoạch.

Ngày 3-7-2013, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 28-CT/TU về việc tăng cường thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phấn đấu đến năm 2020, hộ nghèo thu nhập bình quân đầu người tăng lên 3,5 lần so với năm 2010. Trên cơ sở đó, chính quyền các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động về dạy nghề, học nghề đối với lao động nông thôn và xây dựng NTM ngay từ cơ sở.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh cơ bản đi vào nền nếp, từng bước nâng cao chất lượng; tỷ lệ có việc làm, tự tạo việc làm sau đào tạo tăng. Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp xã ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với xây dựng NTM, xóa đói giảm nghèo, đa dạng ngành nghề trên địa bàn. Công tác dạy nghề cho nhân dân, đặc biệt là chính sách đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh là một trong những giải pháp thiết thực giúp mỗi người dân và gia đình có việc làm ổn định, từng bước thoát nghèo; góp phần nâng cao dân trí, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Chỉ tính riêng giai đoạn 2010-2015, toàn tỉnh giảm được 12.014 hộ nghèo, tương đương bình quân mỗi năm giảm 1,3% hộ nghèo.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng ngành nghề tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Lao động nông thôn có cơ hội làm việc trong các ngành nghề khác như du lịch, dịch vụ, giao thông vận tải, xây dựng... Cơ cấu lao động chuyển dịch nhanh từ nông, lâm nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể: một số cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa sâu sắc về dạy nghề cho lao động nông thôn nên mới chỉ đạo tập trung dạy nghề trong lĩnh vực nông nghiệp mà chưa quan tâm định hướng lao động nông thôn tham gia học các nghề khác như tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ, công nghiệp... Mặt khác, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ tỉnh đến cơ sở chưa làm tốt công tác khảo sát, lập kế hoạch, tổ chức thực hiện nên hiệu quả dạy nghề chưa cao. Có nơi chủ yếu tập trung dạy ngắn hạn, chưa chú trọng tuyên truyền học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng. Sự phối hợp giữa một số sở, ban, ngành cấp tỉnh với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên nên hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn chưa đạt như mong muốn.

Nâng cao chất lượng dạy nghề

Để công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đạt kết quả tốt hơn, Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành tiếp tục tăng cường đổi mới tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động về vị trí, vai trò của công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của người lao động về học nghề. Từ đó góp phần giảm nghèo và xây dựng NTM, phát triển nền kinh tế của tỉnh.

Tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn tỉnh, nắm chắc nhu cầu đào tạo cho mỗi loại nghề, lĩnh vực; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phải đạt mục tiêu cụ thể, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, nhu cầu học nghề của người lao động. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả Kết luận số 371-KL/TU ngày 25-6-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tỉnh Bình Phước đến năm 2025, định hướng đến 2030; Kết luận số 372-KL/TU ngày 25-6-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục nâng cao ý thức và quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có khả năng thu hút lao động qua đào tạo nghề từ khâu xây dựng nội dung chương trình đến quá trình tổ chức đào tạo và nhận người học nghề vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Chú trọng nhân rộng, phát huy những mô hình tốt, cách làm hay trong dạy nghề cho lao động nông thôn, góp phần lan tỏa, tạo được những đột phá về chất lượng, hiệu quả cho công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư và các kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chương trình dạy nghề, việc làm, giảm nghèo của tỉnh, một số định hướng đến năm 2025; các chương trình, kế hoạch, đề án của UBND tỉnh về dạy nghề cho lao động nông thôn; nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động đào tạo nghề. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát nhằm đánh giá đúng thực trạng và đề ra các giải pháp phù hợp, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chú trọng các hoạt động hướng nghiệp, gắn giáo dục phổ thông với công tác hướng nghiệp nghề và khởi nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông. Nâng cao chất lượng cơ sở dạy nghề và chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực chất lượng cao, đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng xã hội hóa. Tiến hành sáp nhập, giải thể hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng các đơn vị dạy nghề không đủ điều kiện dạy nghề, không tuyển sinh được.

Giao Trường Cao đẳng Bình Phước liên kết với các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phối hợp với doanh nghiệp trong đào tạo nghề, gắn đào tạo với nhu cầu thị trường. Trong đó tập trung 3 nội dung chính là: đào tạo lao động có tay nghề cao phục vụ công cuộc hiện đại hóa công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn; đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và làng nghề truyền thống; đào tạo nghề để xuất khẩu lao động. Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn; vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất; con em gia đình chính sách, hộ nghèo để có nhiều cơ hội việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động, phát huy thế mạnh từng vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Đào tạo nghề gắn với khởi nghiệp, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người lao động tự tạo việc làm sau đào tạo.

Tăng cường đầu tư nguồn lực nhà nước; đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực dạy nghề, tăng cường, tranh thủ mọi nguồn lực trong hoạt động đào tạo nghề, đặc biệt là tăng cường hỗ trợ trực tiếp cho lao động có nhu cầu học nghề và tìm việc làm; tăng đầu tư cho các cơ sở làm tốt công tác đào tạo nghề để đảm bảo quy mô và chất lượng đào tạo; tạo điều kiện cho tập thể, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động đào tạo nghề để tạo nguồn nhân lực phục vụ lao động, sản xuất. Phát triển hợp tác xã kiểu mới và làng nghề truyền thống; có chính sách thu hút học sinh vào học nghề, nhất là các nghề đột phá, mũi nhọn, có kỹ thuật, công nghệ cao, nặng nhọc, độc hại; có chính sách hỗ trợ học phí; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phối hợp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng hoạt động đào tạo nghề; đánh giá, công nhận, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho người lao động.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/140060/dinh-huong-phat-trien-nguon-nhan-luc-den-nam-2030