Định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội trên 5 trụ cột

Nhấn mạnh vị trí, vai trò của Thủ đô tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương phát huy cao hơn nữa trách nhiệm của mình, quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Hà Nội, kịp thời tháo gỡ khó khăn, nhất là các cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) và các cơ chế, chính sách đặc thù, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô trong thời gian tới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế. Trong suốt chiều dài lịch sử, Thăng Long - Hà Nội luôn tiêu biểu cho khát vọng hòa bình, chủ nghĩa nhân văn, tinh thần nhân đạo và hòa hiếu của dân tộc Việt Nam. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay truyền thống văn hiến đó lại càng được thể hiện rõ nét hơn. Thủ đô Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, mà còn có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; là điểm tựa quan trọng trong việc ổn định chính trị, bảo vệ an ninh đất nước và xây dựng mối quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác.

Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thành ủy Hà Nội đã quyết liệt thực hiện đồng bộ, có hiệu quả 10 chương trình công tác, 5 định hướng lớn, 3 khâu đột phá, 20 chỉ tiêu và 14 nhiệm vụ, giải pháp. Hà Nội đã thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo, có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt, sâu sát với thực tế; vừa tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, vừa triển khai các nhiệm vụ lâu dài, mang tính chiến lược liên quan đến phát triển Thủ đô.

Về các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu, Thủ đô Hà Nội cần nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc hơn nữa tiềm năng, lợi thế vượt trội; vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đổi mới. Phát huy truyền thống văn hiến và anh hùng, vị thế đặc biệt quan trọng của Thủ đô đối với vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Đồng thời, tiếp tục nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; tiếp tục đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm để đưa Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa, trở thành Thành phố tiêu biểu của cả nước. Yêu cầu với Hà Nội là phát triển nhanh, bền vững, kết hợp hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, bảo vệ môi trường; an ninh an toàn và hạnh phúc của nhân dân với triết lý phát triển của Thủ đô dựa trên 5 trụ cột: (1) Văn hóa, con người; (2) 3 chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); (3) Hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; (4) Kinh tế số, đô thị thông minh; (5) Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, Thành phố phải thường xuyên làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ “then chốt”, bảo đảm cho mọi thành công của các lĩnh vực khác.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, Hà Nội cần chú trọng gắn kết hài hòa phát triển giữa đô thị và nông thôn, thúc đẩy liên kết vùng. Trong chiến lược phát triển, chú trọng phát triển không gian đô thị theo mô hình đô thị trung tâm và các thành phố trong Thủ đô, các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái. Phát triển không gian nông thôn theo hướng hiện đại, văn minh; gìn giữ, phát huy các giá trị của một số khu vực “làng trong phố”, không gian làng truyền thống Bắc Bộ, không gian văn hóa làng nghề… theo từng địa bàn cụ thể. Tập trung xây dựng nông thôn mới, đầu tư phát triển nền nông nghiệp sinh thái xanh - sạch, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, làm cơ sở cho sự phát triển bền vững.

Nhấn mạnh xây dựng, phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại là trách nhiệm của cả nước mà trước hết là vinh dự và trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ, Hà Nội là Thủ đô, đô thị đặc biệt cần có hệ thống các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cụ thể hóa Luật Thủ đô (sửa đổi), nâng cao năng lực tài chính - ngân sách, huy động nguồn lực cho phát triển trong thời gian tới. Do đó, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương cần phát huy cao hơn nữa trách nhiệm của mình, quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Hà Nội, kịp thời tháo gỡ khó khăn, nhất là các cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) và các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố. Sáng rõ tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô trong những năm tiếp theo.

Lưu ý Đảng bộ thành phố Hà Nội là Đảng bộ lớn nhất cả nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu, Thành ủy Hà Nội tập trung lãnh đạo Đại hội Đảng bộ các cấp đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị. Trong đó, lưu ý chỉ đạo chuẩn bị và nâng cao chất lượng văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp, văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố; chú trọng phát hiện, lựa chọn, giới thiệu những cán bộ tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức, đã kinh qua thực tiễn, có thành tích, kết quả, sản phẩm công tác và quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ… Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, có giải pháp cụ thể, tập trung ưu tiên nguồn lực để thực hiện thành công các đột phá chiến lược, tháo gỡ những ách tắc, điểm nghẽn, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố, nhất là các chỉ tiêu dự báo và khó đạt. Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố sẽ đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dinh-huong-phat-trien-thu-do-ha-noi-tren-5-tru-cot-175339.html