Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang ban hành Kế hoạch số 129-KH/TU, ngày 17-3-2023 thực hiện Kết luận số 45-KL/TW, ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Quy hoạch phải phát huy lợi thế của các vùng du lịch trọng điểm của tỉnh: Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương và U Minh Thượng. Trong ảnh: Hồ Hoa Mai thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Ảnh: CTV

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1255/QĐ-TTg, ngày 26-7-2011; năm 2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định điều chỉnh số 388/QĐ-TTg, ngày 10-4-2018. Trên cơ sở quy hoạch tỉnh, các ngành, các huyện, thành phố xây dựng quy hoạch của ngành, địa phương để tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển mới, hội nhập quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng, cải cách kinh tế trong nước đã và đang được triển khai mạnh mẽ, đòi hỏi Kiên Giang phải tiến hành lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Luật Quy hoạch và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và phù hợp với Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025.

Để công tác lập Quy hoạch tỉnh được khẩn trương tiến hành nhằm phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế so sánh của tỉnh trong thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang đề ra nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:

1. Các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, địa phương, đơn vị tổ chức quán triệt Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kế hoạch này của Tỉnh ủy đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quy hoạch, việc ban hành các cơ chế, chính sách và phân bổ nguồn lực nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Tập trung hoàn thành xây dựng Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, công bố công khai Quy hoạch tỉnh ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và không gian phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn; ưu tiên thu hút đầu tư các dự án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số để tăng năng suất, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

4. Rà soát các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm để đảm bảo triển khai thực hiện khả thi. Trong đó, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo; công nghiệp công nghệ cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển thương mại dịch vụ, phát huy lợi thế của các vùng du lịch trọng điểm của tỉnh: Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương và U Minh Thượng theo Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy; phát triển hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa, cảng để đẩy mạnh phát triển logistics.

5. Tập trung khai thác, phát huy lợi thế liên kết vùng, triển khai hiệu quả các Chương trình, đề án, định hướng lớn được xác định trong Quy hoạch tổng thể quốc gia phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển Khu công Thạnh Lộc, Xẻo Rô, Kiên Lương; phối hợp, triển khai tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu (Đông - Tây); tuyến đường ven biển trên địa bàn tỉnh (kết nối với tỉnh Cà Mau ở phía Nam). Đẩy mạnh phát triển các đô thị và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn.

6. Quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

7. Thực hiện hiệu quả việc tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chính quyền điện tử.

8. Phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa- xã hội, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển văn hóa, con người Kiên Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố tiềm lực quốc phòng - an ninh trong khu vực phòng thủ tỉnh.

ĐỨC BÌNH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//chinh-tri/dinh-huong-quy-hoach-tong-the-quoc-gia-tren-dia-ban-tinh-kien-giang-13444.html