Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14 - 15%
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã tính toán định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vào khoảng 14 - 15%.
Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả
Theo nhận định của NHNN, bối cảnh kinh tế toàn cầu thời gian tới tiếp tục còn nhiều yếu tố bất lợi và khó lường, các Ngân hàng Trung ương tiếp tục duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để tiếp tục kiểm soát lạm phát. Trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam có độ mở cửa lớn, những biến động kinh tế thế giới tác động tới kinh tế, tiền tệ trong nước là không tránh khỏi.
Điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy bất định như hiện nay đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách, đòi hỏi phải theo sát diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, trên cơ sở phân tích, dự báo để phối kết hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn các công cụ phù hợp với thời điểm, hoàn cảnh.
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho rằng, với những kinh nghiệm trong một năm khó khăn vừa qua, NHNN sẽ tiếp tục sử dụng kinh nghiệm đó cho việc điều hành trong năm 2023.
“Định hướng điều hành năm 2023, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả và kịp thời, nhận diện, đánh giá khó khăn, tác động ngay từ đầu năm để có những biện pháp phù hợp. Đồng thời, sẵn sàng đón nhận những tác động đột xuất từ nền kinh tế thế giới cũng như những khó khăn nội tại trong nước bất ngờ tới như năm 2022, để có chính sách linh hoạt, phù hợp trong vấn đề xác định và điều hành tỷ giá, lãi suất, lượng tiền cung ứng nhằm đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Phó Thống đốc khẳng định: “Việc điều hành lãi suất và tỷ giá của NHNN trong năm 2023 trước hết là tính toán từ những con số, thông số đó để xác định một chính sách ổn định, tiếp tục duy trì sự ổn định của lãi suất cũng như tỷ giá hiện nay. Nếu như trong thời gian tới điều kiện có những thuận lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát thì chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo, vận động các Ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí để giảm bớt lãi suất so với mức giảm lãi suất đã cam kết đồng thuận vào cuối năm 2022 vừa qua, thêm một lần nữa, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, cho nền kinh tế vay vốn với mức lãi suất thấp hơn”.
Trong điều hành tỷ giá, Phó Thống đốc cho biết, NHNN sẽ cố gắng duy trì sự ổn định, đảm bảo hài hòa cho chính sách xuất khẩu cũng như nhập khẩu, đặc biệt là tạo điều kiện tiếp tục thu hút dòng vốn nước ngoài về Việt Nam, cũng như đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh và sử dụng đồng ngoại tệ, đảm bảo nguồn lực mà Chính phủ, các doanh nghiệp đang vay ở nước ngoài, hạn chế rủi ro cho các doanh nghiệp khi tỷ giá có những biến động, hạn chế tâm lý kỳ vọng của thị trường.
Định hướng tín dụng tăng khoảng 14 - 15%
Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023 vừa ban hành ngày 17/01/2023 nêu rõ, năm 2023, định hướng tín dụng tăng khoảng 14 - 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Trong Chỉ thị, Thống đốc NHNN đã đề ra hàng loạt các nhóm mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát cho năm 2023. Cụ thể, Chỉ thị yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2023 bình quân khoảng 4,5%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ trưởng kinh tế hợp lý.
Ngoài ra là kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Trong năm 2023, Chỉ thị cũng nhấn mạnh việc triển khai quyết liệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025"; đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh nhằm bảo đảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%; tập trung triển khai chỉ đạo các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại, xử lý các TCTD yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các TCTD này từng bước phục hồi.
Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các TCTD; trong đó tập trung chỉ đạo TCTD tăng cường minh bạch trong hoạt động, khắc phục tình trạng sở hữu cổ phần giới hạn quy định, rà soát, xử lý và ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo tại các TCTD. Tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát đối với các TCTD.
Bên cạnh đó là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng gắn với đảm bảo an ninh, an toàn; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc cung ứng các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm, dịch vụ tiện ích, an toàn đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp…