Định hướng ưu tiên cho sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mekong quốc tế sẽ thảo luận để đưa ra các định hướng cho sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong giai đoạn tới.
Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 dự kiến được tổ chức vào ngày 5-4 tại Vientiane, Lào với chủ đề: "Đổi mới và hợp tác nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong".
Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ các quốc gia thành viên Ủy hội, đại diện của những đối tác đối thoại là Trung Quốc và Myanmar, đối tác phát triển, tổ chức quốc tế trong và ngoài khu vực Mekong.
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo của các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mekong quốc tế sẽ thảo luận, xác định những khó khăn, thách thức của lưu vực sông Mekong để đưa ra các định hướng cho sự phát triển bền vững của lưu vực.
Theo Ủy ban sông Mekong Việt Nam, lưu vực sông Mekong là một thể thống nhất, cần được tất cả các quốc gia có chung lưu vực tham gia một cách toàn diện vào việc phát triển, quản lý và bảo vệ lưu vực sông nhằm đạt được sự hợp lý, công bằng và bền vững trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên toàn lưu vực.
Lưu vực sông Mekong đang đứng trước nhiều thách thức to lớn trong bối cảnh các hoạt động phát triển có xu hướng ngày một gia tăng, gây áp lực lên nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên thiên nhiên liên quan. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng khiến cho vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững gặp nhiều khó khăn.
Đối với Việt Nam, ĐBSCL đã và đang chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và sự gia tăng khai thác, sử dụng nước trên lưu vực. Tình trạng thiếu nước trong mùa khô thường xuyên hơn, xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn, sâu hơn; tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển và sụt lún diễn biến ngày càng phức tạp, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân vùng đồng bằng.
Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng những vấn đề Việt Nam quan tâm trong hợp tác Mekong và tại Hội nghị lần này là các giải pháp cụ thể, mang tính đột phá bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân khi bị tác động. Đáng chú ý là việc hỗ trợ người dân ứng phó hiệu quả với các tình huống khẩn cấp do thiên tai, dịch bệnh và các tình huống khẩn cấp khác gây ra.
Các hoạt động sử dụng nước trong lưu vực cần được cân nhắc kỹ lưỡng để không ảnh hưởng nhiều đến dòng chảy tự nhiên. Mọi sự phát triển đều hướng tới sự ổn định, an toàn, an ninh của người dân ven sông cho dù ở quốc gia nào.
Những giải pháp cụ thể cũng sẽ được thảo luận để dẫn đến thống nhất thực hiện giữa các quốc gia của thuộc Ủy hội sông Mekong quốc tế.
Cụ thể như thực hiện đầy đủ, thực chất và hiệu quả Hiệp định Mekong năm 1995, Bộ các thủ tục, quy định, hướng dẫn kỹ thuật; đổi mới phương thức hợp tác, công tác quản lý, điều hành các hoạt động của Ủy hội sông Mekong quốc tế thông qua việc lập và thực hiện hiệu quả một quy hoạch tổng thể thống nhất toàn lưu vực, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ số trong cảnh báo, dự báo, giám sát tài nguyên nước, bảo vệ môi trường sinh thái, và tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào quá trình ra quyết định; nâng cao vai trò giám sát và điều phối của Ủy hội trong thực hiện cam kết của các nước thành viên.
Bên cạnh đó, Ủy hội cần hỗ trợ các quốc gia trong khai thác, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên nước trên cơ sở tôn trọng quy luật tự nhiên, các giá trị tự nhiên của dòng sông. Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, áp dụng mô hình phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để góp phần phát triển bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các hoạt động của Ủy hội cũng cần hướng đến bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân khi bị tác động do những hoạt động phát triển và biến đổi khí hậu, đặc biệt là ứng phó hiệu quả với các tình huống khẩn cấp do thiên tai và dịch bệnh gây ra.
Ngoài ra, cần tăng cường trao đổi thông tin về tình hình lưu vực, về khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong lưu vực và về chế độ vận hành của các bậc thang thủy điện trên sông Mekong. Tiến tới thiết lập một quy trình quản lý và vận hành các công trình bậc thang thủy điện trên dòng chính sông Mekong và hệ thống chia sẻ số liệu vận hành thời gian thực của các công trình thủy điện này.
Việt Nam cũng mong muốn các quốc gia thượng nguồn là Trung Quốc và Myanmar sẽ cam kết tham gia tích cực hơn vào các hoạt động hợp tác của Ủy hội sông Mekong quốc tế; các đối tác phát triển sẽ cam kết tiếp tục đồng hành và ủng hộ cho Hợp tác Mekong.