Định hướng xuất khẩu gạo: Giảm dần về lượng, tập trung tăng giá trị
Chiến lược xuất khẩu của ngành sản xuất lúa gạo trong thời gian tới là giảm về lượng, nhưng tăng giá trị bằng việc tăng sản xuất, xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao, gạo thơm, gạo đặc sản…
Vì sao phải giảm sản lượng xuất khẩu?
Tổng cộng 7,1 triệu tấn gạo các loại đã được Việt Nam xuất khẩu thành công trong năm ngoái, thu về 3,46 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng, nhưng chỉ tăng 5,1% về kim ngạch so với năm 2021, vì giá xuất khẩu gạo bình quân năm 2022 giảm 7,7% so với năm 2021, đạt 486,2 USD/tấn.
Nhiều năm qua, Việt Nam đứng trong top 3 quốc gia sản xuất, xuất khẩu gạo lớn nhất, thậm chí đã có năm vươn lên vị trí số 1. Song, địa chỉ xuất khẩu chủ yếu của gạo Việt là Trung Quốc, Philippines, Indonesia châu Phi; còn thị trường EU, Nhật Bản, Mỹ… chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.
Không thể mãi tập trung vào sản lượng, xuất khẩu nhiều, mà giá bán chưa tương xứng, những mục tiêu tham vọng đã được ngành lúa gạo đặt ra để thực thi từ nay đến năm 2030. Đó là thực hiện các giải pháp để nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỷ USD…
“Vì giảm khối lượng, nên nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2023 - 2025 giảm khoảng 2,4% và giai đoạn 2026 - 2030 giảm khoảng 3,6%”, Chiến lược về Phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu rõ.
Giảm sản lượng xuất khẩu, sản xuất gạo chất lượng cao sẽ giúp nâng cao hiệu quả và xuất khẩu bền vững, giảm về lượng và tăng về chất, duy trì ổn định, nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu, thúc đẩy xuất khẩu gạo chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ gạo, góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân.
Trong 5 tháng đầu năm 2025, gạo là điểm sáng xuất khẩu khi xuất bán thành công gần 3,9 triệu tấn, thu về 2,05 tỷ USD, tăng 40,8% về lượng và tăng 52% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Nhưng trái ngược với bức tranh xuất khẩu gạo khả quan cả về khối lượng và kim ngạch, không ít doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này đang sụt giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ vì gánh nặng chi phí, mua giá cao, bán giá thấp…
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về tính cần thiết của việc giảm dần sản lượng gạo xuất khẩu để tập trung cho chất lượng, nâng cao giá trị, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An nhấn mạnh, tái cơ cấu sản xuất, tập trung vào các loại gạo thơm, chất lượng cao hoặc tăng chế biến sâu các sản phẩm từ gạo, hướng đến những thị trường có sức chi trả cao là con đường tất yếu mà ngành lúa gạo phải hướng tới.
“Nếu tổ chức sản xuất tốt để xuất khẩu chỉ hơn 4 triệu tấn, nhưng giá xuất khẩu cao, thì có thể vẫn thu về trên 3 tỷ USD như xuất khẩu 6 - 7 triệu tấn hiện nay, thậm chí còn có thể thu về hơn 4 tỷ USD”, ông Bình phân tích.
Giảm xuất khẩu gạo đại trà sẽ giúp ngành hướng tới mô hình canh tác sản xuất giảm phát thải, bớt gây ô nhiễm môi trường (sản xuất lúa gạo là ngành gây nhiều phát thải), “đánh trúng” vào yêu cầu mà các thị trường EU, Mỹ đang đặt ra, đó là hàng hóa xuất khẩu phải “xanh”. Nếu không nhanh chóng đi theo con đường này, ngành lúa gạo nước ta sẽ tự đánh mất cơ hội.
Cần doanh nghiệp lớn dẫn dắt
Việt Nam đang khai thác 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 thị trường, trong đó có FTA với EU, Nhật Bản… Các thị trường này đang gia tăng mua gạo Việt Nam, nhưng cũng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng cũng như quá trình sản xuất ra hạt gạo.
Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu ngày càng tăng và thương mại gạo thế giới đối mặt với nhiều diễn biến khó đoán định như thiên tai, dịch bệnh, xung đột quân sự, chiến tranh thương mại..., ngành lúa gạo Việt Nam phải lấy nhu cầu, thị hiếu của thị trường để định hướng cho sản xuất, xuất khẩu.
Cùng với đó, phải đa dạng hóa thị trường, tận dụng lợi thế cạnh tranh, củng cố vị thế và khai thác hiệu quả các thị trường gần, thị trường truyền thống, trọng điểm có nhu cầu nhập khẩu gạo phù hợp với điều kiện sản xuất hiện tại của Việt Nam.
Quá trình đó rất cần các doanh nghiệp lớn thể hiện vai trò dẫn dắt, đầu tàu để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành gạo, tạo thu nhập tốt cho các mắt xích.
Các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực, có khách hàng và thị trường xuất khẩu tốt sẽ giúp liên kết để xây dựng vùng sản xuất lúa quy mô lớn, tập trung, giảm tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; ký kết với nông dân đảm bảo canh tác đúng kỹ thuật, theo tiêu chuẩn để sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng tốt, có thể vào được các thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao.
Theo đại diện Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long), điều chỉnh giảm “lượng” tăng “chất” là chiến lược phù hợp, nhất là khi diện tích sản xuất lúa ở vùng trọng điểm của cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long đã có sự thay đổi, từ sản xuất 3 vụ giảm xuống còn 2 vụ hoặc từ 2 vụ xuống còn 1 vụ. Thậm chí, có một phần diện tích sản xuất lúa đã được nông dân chuyển sang cây ăn trái, ví dụ tại tỉnh Vĩnh Long, một phần diện tích trồng lúa đã chuyển sang trồng cam sành, mít; còn tại Tiền Giang, một phần đã chuyển sang trồng mít, sầu riêng…
Tại một sự kiện mới đây của ngành lúa gạo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ, nhiều năm nay, ngành lúa gạo chạy theo tư duy sản xuất lấy sản lượng làm mục tiêu và thực hiện mọi giải pháp để tăng sản lượng, nhưng điều đó không đồng nghĩa giúp người dân tăng thu nhập, thậm chí ngược lại.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp nhấn mạnh, sản xuất lúa gạo phải trở thành một chuỗi ngành hàng kinh tế, bởi vì sẽ đến lúc, sản lượng giảm xuống, diện tích thu hẹp, nên phải tăng về chất và giá trị. “Mục tiêu của ngành lúa gạo phải đi theo hướng đó, tức là phải tổ chức lại một hệ sinh thái ngành hàng, có sự tham gia đầy đủ, từ các nhà khoa học, doanh nghiệp, các hợp tác xã, tới người nông dân rồi chính quyền địa phương để phát huy hiệu quả”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.