Định mức chi phí tái chế góp phần xây dựng kinh tế tuần hoàn

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện Dự thảo định mức chi phí tái chế và trình Chính phủ ban hành. Định mức chi phí tái chế được coi là 'chìa khóa' thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Dây chuyền sản xuất các sản phẩm bao bì tại Công ty Cổ phần bao bì Thuận Đức. Ảnh tư liệu: Phạm Kiên/TTXVN

Dây chuyền sản xuất các sản phẩm bao bì tại Công ty Cổ phần bao bì Thuận Đức. Ảnh tư liệu: Phạm Kiên/TTXVN

Định mức chi phí tái chế không phải là bắt buộc

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, từ 1/1/2024, nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì. Thực hiện trách nhiệm này, doanh nghiệp được lựa chọn tự tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh, cần phân biệt rõ giữa chi phí tuân thủ quy định trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu (gọi tắt là EPR) với quy định định mức chi phí tái chế. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, các doanh nghiệp được lựa chọn hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế. Chỉ khi doanh nghiệp lựa chọn đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế mới phải thực hiện định mức chi phí tái chế. Định mức chi phí tái chế có vai trò giúp Nhà nước xác định được mức tiền mà doanh nghiệp phải đóng vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để thực hiện trách nhiệm tái chế trong trường hợp doanh nghiệp không tự tổ chức tái chế.

Ông Phan Tuấn Hùng giải thích, về bản chất, giá chi phí tái chế do các doanh nghiệp sản xuất và đơn vị tái chế thương lượng, quyết định. Định mức chi phí tái chế được đề xuất hiện nay là kết quả tính toán sau quá trình khảo sát, lấy ý kiến của doanh nghiệp và các cơ sở tái chế ở cả hai miền Nam, Bắc. Mức phí này căn cứ dựa trên công nghệ, kết quả xử lý, phù hợp với quy cách tái chế bắt buộc được nêu tại Phụ lục 202 của Nghị định 08/2022/ NĐ-CP.

Doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự tổ chức tái chế, thuê đơn vị tái chế, ủy quyền cho đơn vị khác tái chế, hoặc kết hợp tất cả các phương án trên. Nếu doanh nghiệp thấy mức đóng chi phí tái chế cao hơn mức phí của các phương án khác thì có thể chủ động chọn phương án phù hợp nhất. “Định mức chi phí tái chế không mang tính bắt buộc, mà là một trong các sự lựa chọn và nên là sự lựa chọn cuối cùng để nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm tái chế”, ông Phan Tuấn Hùng khẳng định.

Bảo đảm phù hợp với thực tế Việt Nam

Quan điểm xây dựng Dự thảo định mức chi phí tái chế của Bộ Tài nguyên và Môi trường là bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; bảo đảm đúng thẩm quyền, hình thức và tuân thủ trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm thực hiện các quan điểm, mục tiêu bảo vệ môi trường và định hướng xây dựng nền kinh tế tuần hoàn của Đảng, Nhà nước.

Trên quan điểm định mức chi phí tái chế phải sát và phù hợp thực tế của Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập nhóm chuyên gia tư vấn, phối hợp chặt chẽ các nhà khoa học, chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực tái chế của Đại học Bách khoa Hà Nội, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam tổ chức điều tra, khảo sát thực tế tái chế và chi phí tái chế sản phẩm, bao bì tại 72 cơ sở tái chế chất thải trên cả nước; nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và tham vấn các chuyên gia quốc tế có nhiều kinh nghiệm như Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng thế giới, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc, Đại sứ quán Hoàng gia Na Uy tại Việt Nam…; tham khảo, đối chiếu với các quốc gia, vùng lãnh thổ có quy định đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế tương tự như Đài Loan (Trung Quốc), Singapore.

Ông Phan Tuấn Hùng chia sẻ mức phí tái chế ở các nước rất khác nhau do khác biệt về cách tiếp cận, cơ cấu phí, công nghệ, giá, chi phí nhân công và cách tính các chi phí liên quan cũng như yêu cầu về tỷ lệ tái chế bắt buộc nên rất khó và không phù hợp để so sánh. Ngay tại Liên minh châu Âu, mức phí tái chế cho bao bì giữa các nước thành viên cũng có thể chênh lệch rất nhiều lần: chẳng hạn với bao bì nhôm, phí tái chế ở Áo là 8.584 đồng/kg, ở Bỉ là 579 đồng/kg, ở Thụy Điển lại lên tới 13.013 đồng/kg. Việc so sánh hay đối chiếu mức phí tái chế ở các quốc gia khác chỉ có ý nghĩa tham khảo, đặc biệt phần lớn các nước thì phí tái chế là do các tổ chức nhận ủy quyền từ nhà sản xuất, nhập khẩu đưa ra trên cơ chế thỏa thuận thị trường.

Theo ông Phan Tuấn Hùng, tỷ lệ tái chế bắt buộc ở Việt Nam hiện nay rất thấp so với trung bình của các nước, thậm chí là thấp hơn rất nhiều so với năng lực thực tế tái chế tại Việt Nam. Vì vậy mức đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ thấp hơn đáng kể so với ở các nước khác tính trên cùng lượng sản phẩm, bao bì. Hơn nữa, lựa chọn đóng tiền để thực hiện trách nhiệm tái chế, nhà sản xuất, nhập khẩu chỉ đóng tiền theo khối lượng sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường (theo doanh thu) chứ không phải cho tất cả các sản phẩm, bao bì sản xuất, nhập khẩu. Nếu doanh nghiệp khó khăn, không bán được hàng hóa thì không phải thực hiện trách nhiệm tái chế cho khối lượng hàng hóa tồn kho. Do đó định mức chi phí tái chế không chỉ là một sự lựa chọn khi thực hiện trách nhiệm tái chế mà còn là công cụ để doanh nghiệp định hướng, điều chỉnh thiết kế, sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm, bao bì theo hướng thân thiện môi trường và tuần hoàn tài nguyên.

Ông Hứa Phú Doãn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam cho rằng phải hiểu tái chế theo đúng nghĩa, trong đó đặc biệt là các yêu cầu nghiêm ngặt về công nghệ để đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường. Do tiết kiệm chi phí nhiều doanh nghiệp không tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của công nghệ tái chế. Định mức chi phí tái chế phù hợp với thực trạng Việt Nam sẽ khuyến khích tái chế bền vững.

Hoàng Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/dinh-muc-chi-phi-tai-che-gop-phan-xay-dung-kinh-te-tuan-hoan-20240712110504826.htm