Nghệ An: Khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, nhà máy xi măng phải hoạt động cầm chừng

Tình hình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ của các nhà máy sản xuất xi măng trên địa bàn giảm mạnh và thời gian gần đây, việc tiêu thụ lại khó khăn, khiến một số nhà máy xi măng ở Nghệ An phải hoạt động cầm chừng, có những thời điểm phải tạm dừng sản xuất.

Một số nhà máy xi măng tại Nghệ An có những thời điểm phải tạm dừng hoạt động vì gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm từ đầu năm đến nay.

Một số nhà máy xi măng tại Nghệ An có những thời điểm phải tạm dừng hoạt động vì gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm từ đầu năm đến nay.

Theo Báo cáo số 2749/SXD-KT&VLXD của Sở Xây dựng Nghệ An về kết quả hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh lĩnh vực công nghiệp vật liệu xây dựng (xi măng, gạch ngói nung, gạch ốp lát, đá xây dựng, gạch xây không nung) trên địa bàn, trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác quản lý giá xây dựng và vật liệu xây dựng: Nguồn cung xi măng, đá xây dựng, đá ốp lát, cát sỏi, đất san lấp, gạch xây nung cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trên địa bàn tỉnh và xuất khẩu.

Các chủng loại đá xây dựng, đá san lấp và cát xây dựng hiện đang có nhu cầu ổn định, các loại vật liệu khác như: Xi măng, gạch xây đá ốp lát có chiều hướng giảm mạnh.

Do tác động của kinh tế thị trường bất động sản chưa phục hồi nên kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Nghệ An gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt đối với xi măng, sản xuất trong nước dư thừa, nhu cầu thế giới giảm mạnh, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, cạnh tranh giá cả khốc liệt, công tác xuất khẩu khó khăn… dẫn đến các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh hoạt động cầm chừng và có nguy cơ tạm ngừng hoạt động.

Cũng theo thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 4 nhà máy xi măng đang hoạt động với công suất thiết kế đạt 7,8 triệu tấn/năm (gồm: Nhà máy xi măng Hoàng Mai 1,4 triệu tấn/năm; Nhà máy xi măng Sông Lam 4 triệu tấn/năm; Nhà máy xi măng Sông Lam 2: 0,6 triệu tấn/năm; Nhà máy Xi măng Tân Thắng: 1,8 triệu tấn/năm).

2 dự án đang được chủ đầu tư triển khai thực hiện: Dự án nhà máy xi măng Sông Lam giai đoạn II: Công suất 3,8 triệu tấn/năm và Dự án Xi măng Hoàng Mai 2 - giai đoạn 1: Công suất là 2,3 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, do một số vướng mắc, khó khăn nên tiến độ thực hiện đang chậm hơn so với dự kiến (hiện tại đang tạm dừng).

Từ năm 2019 đến nay, tình hình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ của các nhà máy sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giảm mạnh và thời gian gần đây việc tiêu thụ lại hết sức khó khăn. Hiện tại, Nhà máy xi măng Sông Lam 2 ngừng hoạt động liên tục 3 đến 4 tháng/năm, Nhà máy xi măng Tân Thắng chỉ vận hành lò đạt khoảng 37% kế hoạch đặt ra...

Khó khăn về nguồn nguyên liệu sản xuất xi măng: Nguồn nguyên liệu hóa thạch ngày càng khan hiếm như nguyên liệu bổ sung ô xít silíc, ô xít sắt, phụ gia bazan nên trong điều hành công ty đã phải sử dụng các nguồn nguyên liệu và phụ gia thay thế khác với hàm lượng ngày càng giảm, nhưng giá thành thì ngày càng cao hơn.

Nguồn cung và giá nhiên liêu nhiều thời điểm không ổn định làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh. Việc sử dụng nhiên liệu, nguyên liệu thay thế vẫn còn vướng mắc, chưa có hướng dẫn cụ thể để sử dụng các nguồn phế thải từ công nghiệp thay thế nguồn nguyên nhiên liệu trong sản xuất.

Về công tác tiêu thụ: Thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục, các công trình/dự án chậm triển khai phải giãn/hoãn tiến độ do khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công chậm; tình trạng khan hiếm và tăng giá vật liệu xây dựng (cát, đá, sỏi) ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng tại nhiều khu vực, đặc biệt tại miền Trung và Tây Nam bộ... làm cho nhu cầu sử dụng xi măng trong nước sụt giảm mạnh.

Nhu cầu tiêu thụ xi măng sụt giảm sâu, các nhà máy phải chấp nhận điều chỉnh giá bán theo biến động của chi phí sản xuất đối với một số dòng sản phẩm, dự án đặc thù để duy trì hoạt động.

Xuất khẩu xi măng, clinker sụt giảm do: Cạnh tranh về giá giữa các nhà xuất khẩu trong nước; chính sách bảo hộ của các nước (áp thuế chống bán phá giá đối với xi măng nhập khẩu từ Việt Nam); cạnh tranh từ các nguồn cung dư thừa tại Trung Quốc, Trung Đông, Đông Nam Á... gây áp lực rất lớn đến sản lượng và giá xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10% từ ngày 01/01/2023, nhiều đơn vị sản xuất xi măng không thể xuất khẩu sản phẩm, do giá thu về không bù đắp được biến phí dẫn tới gây áp lực trở lại cho thị trường trong nước.

Thời gian qua, nhu cầu xây dựng dân dụng và công trình đầu tư công giảm, thị trường bất động sản phục hồi chậm. Do đó, doanh nghiệp xi măng trên địa bàn Nghệ An gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Trong khi lượng xi măng trong nước dư thừa, nhu cầu thế giới giảm mạnh, thì giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, cạnh tranh giá khốc liệt, dẫn đến các nhà máy xi măng địa bàn tỉnh hoạt động cầm chừng, kinh doanh thua lỗ.

Trong 7 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh sản xuất được trên 4,1 triệu tấn xi măng, giảm 4,66%/so với cùng kỳ, hiện các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh đang tồn kho hàng nghìn tấn clinker và xi măng.

Lượng tiêu thụ xi măng tại các đại lý rất chậm, tồn đọng nhiều so với các năm.

Lượng tiêu thụ xi măng tại các đại lý rất chậm, tồn đọng nhiều so với các năm.

Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam 2 (huyện Anh Sơn) cũng gặp khó khăn tương tự, từ đầu năm 2024 đến nay đã có 2 tháng phải dừng sản xuất. 7 tháng đầu năm, nhà máy sản xuất 201.438 tấn clinker, 325.347 tấn xi măng, doanh thu 371 tỷ đồng, giảm 9,1% so với cùng kỳ. Thị trường nội địa và xuất khẩu khó khăn nên clinker sản xuất ra phải xả bãi khá nhiều.

Ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Xí nghiệp tiêu thụ Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai cho biết: Từ đầu năm đến nay, thị trường xi măng trong nước lẫn xuất khẩu đều khó khăn. Giá xi măng xuống thấp, hiện có giá 1,6 triệu đồng/tấn (giảm 100.000 đồng/tấn so với cùng kỳ). Thời gian qua, các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều chung cảnh bế tắc đầu ra dẫn đến sản xuất, kinh doanh thua lỗ. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai sản xuất 780.000 tấn xi măng và 150.000 tấn clinker, tổng sản phẩm tiêu thụ khoảng 930.000 tấn nhưng bị lỗ hơn 50 tỷ đồng.

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, đơn vị đã thực hiện tiết giảm chi phí sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiết giảm tiêu hao nguyên nhiên vật liệu. Tiếp tục chăm sóc khách hàng cũng như tìm các thị trường nội địa, xuất khẩu. Phía Công ty đang thực hiện bám sát tình hình thực tế, phối hợp chặt chẽ giữa sản xuất, tiêu thụ và quản lý tồn kho để rà soát, xây dựng các kịch bản, linh hoạt lựa chọn phương án chạy lò hiệu quả.

Trước tình hình, dự báo ngành Xi măng sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh có nguy cơ tạm dừng sản xuất. Sở Xây dựng khuyến cáo các doanh nghiệp ngành Xi măng phải theo dõi sát tình hình thị trường, tìm các giải pháp chủ động ứng phó linh hoạt, tăng cường năng lực cạnh tranh, tìm kiếm các thị trường mới.

Đặc biệt, Nghệ An cần đẩy nhanh phát triển đầu tư công, cũng như đẩy nhanh tiến độ các công trình dự án lâu nay còn chậm, phát triển nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mẫu, xây dựng hạ tầng giúp các nhà máy tiêu thụ sản phẩm xi măng.

Quang Hợp

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nghe-an-kho-khan-trong-tieu-thu-san-pham-nha-may-xi-mang-phai-hoat-dong-cam-chung-380747.html