Đình Mỹ Thành và các đạo sắc phong Thành Hoàng
Đình Mỹ Thành, nơi lưu giữ bốn sắc phong của các vua Triều Nguyễn ban cấp cho thần Thành Hoàng làng Tây Phú. Ảnh: ĐÀO NHẬT KIM
Cách TP Tuy Hòa gần 7km về hướng tây cạnh quốc lộ 25, đình Mỹ Thành là một di tích lịch sử - văn hóa có giá trị trên vùng tả ngạn sông Đà Rằng. Đây là công trình kiến trúc được xây dựng trong quá trình khai hoang lập làng của cư dân địa phương.
Nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử
Đình Mỹ Thành tọa lạc ở thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa. Đây là một vùng quê ruộng đồng bằng phẳng, cư dân nhiều đời gắn bó nghề nông và một số ngành nghề thủ công như đan đát, bó chổi, nghề mộc… thu hút nhiều lao động tham gia hình thành nên làng nghề truyền thống.
Theo lời kể của những người cao tuổi ở địa phương, đình Mỹ Thành vốn trước đây là lẫm làng được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII do họ Đào chủ xướng. Lúc bấy giờ, sau khi cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn kết thúc, nhiều dòng họ từ tỉnh Bình Định và vùng Thanh Nghệ vào khai hoang lập làng ở đồng bằng Tuy Hòa. Trong số các dòng họ góp sức khai phá lập làng ở đây như Ngô, Lưu, Phan, Nguyễn… thì họ Đào có nhiều công lao trong việc ổn định làng xóm, lập hương điền, hương bằng, xây dựng lẫm, ấp nên được tôn là Tiền hiền sáng tạo.
Vùng đất này vào triều vua Gia Long thứ 15 (1816) nguyên là giáp tây xã Phú Lộc thuộc tổng Thượng huyện Đồng Xuân, giới cận được xác định: phía tây giáp xã An Thành, nam giáp xã Phú Lộc, đông giáp xã Phú Lộc giáp đông, bắc giáp thôn Đại Phú. Đến năm 1832, vùng này được đổi tên là xã Tây Lộc, sau đó không rõ năm nào được đổi là xã Tây Phú. Căn cứ vào sắc phong thần Thành Hoàng cho làng năm 1852, có lẽ địa danh Tây Phú xuất hiện khoảng sau năm 1832 đến trước năm 1852. Lúc đổi là Tây Phú thì dân số của làng khá đông, nên chia làm 2 ấp Mỹ Thành và Mỹ Hòa cùng chung ngôi đình Tây Phú. Sau năm 1945, đình Tây Phú hư sập không có điều kiện tu sửa bị bỏ hoang, nên lẫm làng Mỹ Thành được sửa lại bề thế hơn đảm nhận chức năng đình làng. Toàn bộ sắc phong của đình Tây Phú hiện nay được thờ tự tại đình Mỹ Thành.
Đình Mỹ Thành lúc mới lập bằng tranh tre mái lá, cột vì kèo, mặt quay về hướng nam nhìn ra cánh đồng Bầu Tre trải rộng đến làng xóm xã Phú Lộc. Năm Ất Sửu 1925, đình được xây dựng với vách gạch, tường bằng vôi sống trộn mật mía và nhớt cây bời lời, mái đình lợp ngói âm dương. Lúc bấy giờ đình có 2 gian: gian Tiền đường dùng làm điện thờ, gian Hậu đình là nơi chứa lúa và hội họp chức sắc trong làng. Trong quá trình tồn tại, đình Mỹ Thành là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương. Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, hàng ngàn người dự mít tinh tại đây nghe lãnh đạo của Việt Minh phổ biến chủ trương cứu nước và sau đó nổi dậy giành chính quyền các nơi trong tổng Hòa Tường và làng Tây Phú. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược năm 1947, đình Mỹ Thành là nơi du kích xã luyện tập quân sự và chốt giữ, chặn đánh các cuộc tấn công bảo vệ xóm làng. Đầu năm 1948, tại đây đội Bạch đầu quân của làng làm lễ xuất quân cùng cả xã tham gia cuộc hành quân biểu dương tinh thần yêu nước của các phụ lão.
Đình Mỹ Thành được trùng tu quy mô vào năm 1967, gian Tiền đường được tu sửa, nâng cấp cổ lầu. Tầng lầu dùng làm nơi thờ phụng sắc thần và Tiền hiền, Hậu hiền, có cả Tả ban, Hữu ban. Trên khám thờ sắc thần có tấm biển gỗ ghi 4 chữ Hán “Mỹ Thành từ đường”. Tầng dưới làm nơi hội họp bàn việc làng. Trước sân đình là bức bình phong và hai trụ biểu có chạm nổi hình rồng trông khá uy nghi. Đến năm 1970, cổng đình được xây dựng bề thế và đắp nổi hàng chữ Hán “Đình môn Mỹ Thành” cùng nhiều câu đối phản ánh ước mơ, khát vọng của các tầng lớp Nhân dân về cuộc sống thanh bình, sung túc:
- Phong vũ điều hòa bá tánh giai cầu nguyện
Bội thu nông sản hương thôn đắc lạc quan
- Mỹ lệ sơn hà thôn xã thanh bình toàn tứ quý
Thành công nông nghiệp Nhân dân phú túc đạt thiên niên
Tạm dịch
- Mưa gió thuận hòa trăm họ đều cầu nguyện
Thu hoạch nông sản thôn quê được mừng vui
- Núi sông đẹp đẽ làng xóm yên bình cả bốn mùa
Nông nghiệp thành công Nhân dân giàu có đến ngàn năm
Thời kỳ trước 1975, ban quản lý đình cùng cư dân địa phương tổ chức tế xuân thu nhị kỳ, với mục đích cầu cho quốc thái dân an, sự thịnh trị của làng xóm, mùa màng tươi tốt đến mọi nhà. Mỗi lần tế, ban hội đình cùng Nhân dân trong làng đủ các tầng lớp nam, phụ, lão, ấu tề tựu đông vui. Đây cũng là dịp những người xa quê trở về thắp hương cầu nguyện cho làng xóm ngày càng no ấm, Nhân dân đoàn kết yên vui. Hiện nay, việc tế tự tiến hành giản lược, chỉ cúng thần và Tiền hiền vào ngày 10 tháng 7 (âm lịch) với nghi thức truyền thống, có cờ trống, nhã nhạc. Vào tiết Thanh Minh tháng 3, khi cúng miễu âm có kết hợp tế lễ cầu yên tại đình.
Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, làng Mỹ Thành bị bom đạn cày xới. Đặc biệt, trong tết Mậu Thân 1968, các xóm Đông lý và Trung lý là nơi giao tranh ác liệt giữa quân giải phóng và quân đội Sài Gòn. Máy bay địch quần đảo bắn phá làm hầu hết nhà cửa khu vực gần đình bị cháy trụi, nhưng đình vẫn không hề hấn gì. Nhiều người trong làng tin rằng nhờ có thần linh phù hộ nên đình vẫn bình an vô sự.
Nơi lưu giữ bốn sắc phong thần
Ngoài giá trị về mặt lịch sử, đình Mỹ Thành còn lưu giữ bốn sắc phong thần. Đây là những sắc phong của các vua triều Nguyễn từ Tự Đức đến Đồng Khánh, Duy Tân ban cấp cho thần Thành Hoàng làng Tây Phú. Trải qua bao biến cố lịch sử cùng với những tác động của thiên tai, các đạo sắc phong ở đình Mỹ Thành còn được lưu giữ rất cẩn thận, được xem là báu vật vô giá của tiền nhân truyền lại cho cộng đồng cư dân nơi đây. Hiện tại, các sắc phong được bảo tồn nguyên vẹn, nét vẽ long vân vẫn ánh màu vàng tươi, kích thước mỗi sắc là 115cmx50cm. Qua tìm hiểu nội dung các sắc thần cung cấp nhiều thông tin về sự thay đổi địa danh, phong tục tín ngưỡng của làng thời kỳ trước 1945.
Đạo sắc thứ nhất ban tặng vào ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (1852), phong cho thần Thành Hoàng làng Tây Phú. Nội dung sắc phong ghi rõ: “Sắc cho thần Thành Hoàng Tây Phú, nguyên được tặng Bảo an Chính trực Hữu thiện giúp nước hộ dân có nhiều linh ứng. Đến nay cả vâng mệnh lớn, kính nghĩ ơn thần, gia tặng Bảo an Chính trực Hữu thiện Đôn ngưng chi thần. Vẫn chuẩn cho xã Tây Phú huyện Tuy Hòa phụng sự như cũ. Thần hãy giúp đỡ, bảo vệ cho lê dân của ta. Kính thay”.
Đạo sắc thứ hai ban tặng vào ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880), phong cho Thành Hoàng làng Tây Phú là Bảo an Chính trực Hữu thiện Đôn ngưng chi thần. Đạo sắc thứ ba ban tặng vào ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1886), phong cho làng Tây Phú theo lệ cũ phụng thờ thần Thành Hoàng Bảo an Chính trực Hữu thiện Đôn ngưng chi thần vì thần đã có công giúp nước, che chở muôn dân. Đạo sắc thứ tư ban tặng vào ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1809), phong cho làng Tây Phú, trước đây đã thờ Bảo an Chính trực Hữu thiện Đôn ngưng Dực bảo Trung hưng Thành Hoàng chi thần.
Đình Mỹ Thành và các sắc phong Thành Hoàng là những hiện vật thiêng liêng trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân cư làng Mỹ Thành nói riêng và làng xã Việt Nam nói chung. Đây là những tài liệu quý lưu giữ phong tục, tập quán, tín ngưỡng thờ thần của cư dân địa phương, nguồn tư liệu quan trọng góp phần nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa truyền thống của vùng đất Hòa Thắng xưa. Nghiên cứu một cách đầy đủ và tìm hiểu sâu sắc về sắc phong để thấy được tầm quan trọng của nó với lịch sử, hiện tại và tương lai.
TS ĐÀO NHẬT KIM
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/94/281623/dinh-my-thanh-va-cac-dao-sac-phong-thanh-hoang.html