Đinh Ngọc Hệ bất ngờ xin thay đổi lời khai
Ngày 10/12, Tòa án Quân sự Trung ương mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn Văn Hiến, nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Đinh Ngọc Hệ (tức Út 'trọc') và đồng phạm.
Trong 7 bị cáo có đơn kháng cáo, ông Nguyễn Văn Hiến xin tòa phúc thẩm cho áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc hưởng án treo. Bùi Như Thiềm, Bùi Văn Nga, Đoàn Mạnh Thảo kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt hoặc xin hưởng án treo.
Các bị cáo Đinh Ngọc Hệ, Trần Trọng Tuấn kháng cáo kêu oan; bị cáo Phạm Văn Diệt kháng cáo xin xem xét lại tội danh và xin giảm nhẹ hình phạt, hủy bỏ hình phạt bổ sung với mình.
Trong vụ án, những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan kháng cáo gồm Công ty BOT Việt Trì, Công ty cổ phần Yên Khánh Hải Thành; Công ty Xăng dầu Thái Sơn Bộ quốc phòng, Công ty trách nhiệm hữu hạn BOT và BT quốc lộ 20, Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Công ty Dịch vụ và Du lịch biển đảo Hải Thành, ngân hàng BIDV.
Trước đó, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân đã tuyên phạt Nguyễn Văn Hiến 4 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Đinh Ngọc Hệ (Út “Trọc”, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thái Sơn) 20 năm tù (tổng hợp hình phạt chung với bản án trước đó, bị cáo phải chấp hành bản án 30 năm tù); bị cáo Phạm Văn Diệt (nguyên Giám đốc điều hành Công ty Yên Khánh) bị tuyên phạt 15 năm tù và Vũ Thị Hoan (nguyên Giám đốc Công ty Yên Khánh) lĩnh 7 năm tù cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bùi Như Thiềm (nguyên Trưởng phòng Kinh tế Quân chủng Hải quân) 9 năm tù; Đoàn Mạnh Thảo (nguyên Trưởng phòng Tài chính quân chủng Hải quân) nhận mức án 7 năm tù; nguyên Giám đốc Công ty Hải Thành Bùi Văn Nga 8 năm tù và Trần Trọng Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Công ty Hải Thành, 4 năm tù cùng về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Tại phiên tòa ngày 10/12, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến cho biết giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ông cho rằng bản án 4 năm tù tòa án hải quân tuyên cho mình là nặng.
Nguyên Thứ Trưởng bộ Quốc phòng trình bày, về hành chính, ông là người có chức vụ cao nhất nhưng về lãnh đạo, ông là người chấp hành nghị quyết của Thường vụ quân chủng. Ông không đồng tình việc cấp sơ thẩm quy kết ông thiếu kiểm tra đôn đốc, không chỉ đạo kiểm tra dẫn đến việc quân chủng mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất.
Ông Hiến nói: “Tôi có kiểm tra và có chỉ đạo cụ thể. Sau đó, tôi chỉ thị thành lập đoàn kiểm tra tất cả dự án, trong đó có dự án về khu đất”. Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng thừa nhận trách nhiệm của mình khi chưa đủ sát sao, quyết liệt nhưng đề nghị cấp phúc thẩm xem xét bối cảnh.
Ông Hiến cũng cho rằng, cấp sơ thẩm chưa đánh giá hết công lao của mình và khai, bản thân từng chiến đấu tại Quảng Trị trong năm 1972; có nhiều thành tích, được Nhà nước tặng huân huy chương, bằng khen; được tặng Huân chương Angkor vì giúp xây dựng Hải quân Campuchia…
Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng thông tin thêm, công ty Hải Thành đã nộp về Quân chủng Hải quân hơn 400 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án nhưng cấp sơ thẩm không ghi nhận. Đây cũng chính là tình tiết giảm nhẹ cho bản thân ông và các bị cáo thuộc Quân chủng Hải quân.
Về phần mình, bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) cũng giữ nguyên kháng cáo kêu oan, vì cho rằng cấp sơ thẩm phạt mình 20 năm tù về tội lừa đảo là không đúng. Bị cáo khai Phạm Văn Diệt là người báo cáo về việc Yên Khánh và Hải Thành là công ty liên doanh, giấy chứng nhận quyền sử dụng các lô đất ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, đã được chuyển cho công ty liên doanh.
Còn Công ty Hải Thành đã được Quân chủng Hải quân ủy quyền để góp vốn. Do đó, đất là tài sản chung của công ty liên doanh. “Trong hợp đồng cũng ghi rõ Công ty Hải Thành từ bỏ các quyền lợi, chỉ nhận lợi nhuận từ các khoản thu và giao toàn quyền điều hành hoạt động quản lý cho Công ty Yên Khánh”, bị cáo Hệ trình bày.
Ngoài ra, ông Hệ cũng khai theo hợp đồng liên doanh, nếu trong 49 năm Công ty Yên Khánh không xây dựng tòa nhà trên 3 khu đất mà bán, sang nhượng hay chuyển đổi đất, thì đó mới là hành vi lừa đảo. “Còn đến năm thứ 49, Công ty Yên Khánh vẫn trả tiền đầy đủ như cam kết thì không thể nói là lừa đảo”, Đinh Ngọc Hệ phân trần.
Điều bất ngờ là, bên cạnh kêu oan bị cáo Hệ thừa nhận đã nhờ cháu gái là Vũ Thị Hoan đứng tên tài sản và công ty cho mình đồng thời khẳng định Hoan không có tội. Trước đó, trong phiên xét hỏi buổi sáng, bị cáo này vẫn khai không nhờ Hoan đứng tên Công ty Yên Khánh và không chỉ đạo điều hành công ty này.
Theo lý giải của Đinh Ngọc Hệ, trước khi bị khởi tố vụ mua bằng đại học để được làm sĩ quan, đã có đoàn thanh tra các công ty. Lúc đó, Phạm Văn Diệt và các giám đốc điều hành ở ngoài đều nói ông không liên quan vì không có cổ phẩn cổ phiếu, cháu ông đứng tên. Ông không nên nhận công ty là của ông và phải nói không liên quan đến công ty.
Khi vụ án được xét xử sơ thẩm, Phạm Văn Diệt và những người khác đều khai tài sản, công ty là của mọi người, không liên quan gì đến Đinh Ngọc Hệ. Do đó, Hệ đã sử dụng những lời khai này để trả lời cho các phiên tòa tiếp theo.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dinh-ngoc-he-bat-ngo-xin-thay-doi-loi-khai-116496.html