Đình Phục Cổ - Di tích độc đáo ở Minh Hòa

PTĐT - Đối với mỗi người dân xã Minh Hòa (Yên Lập) và những người con xa quê, đình Phục Cổ được coi là nơi lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương và giáo dục cho các thế hệ con cháu về truyền thống 'Uống nước nhớ nguồn' của dân tộc.

Đình được xây dựng trên một khuôn viên sơn thủy hữu tình, có kết cấu kiến trúc chữ Đinh(J) với hai tòa đại bái và hậu cung nằm tại vị trí trung tâm của chiến khu cách mạng Phục cổ. Đây là vùng đất có ý nghĩa lịch sử và có địa thế đẹp, dân cư đại đa số là đồng bào người Mường với những nét văn hóa đặc trưng. Hằng năm, Ủy ban nhân dân huyện Yên Lập tổ chức Lễ hội mở cửa rừng tại Đình Phục Cổ, mang đến các hoạt động tham quan du lịch cho du khách.Theo những tư liệu còn lưu lại đình Phục Cổ thờ Vua Quang Trung - vị Hoàng đế Tây Sơn, được nhân dân phong là người Anh hùng áo vải của dân tộc và thất vị đại vương gồm: Nhị vị Đức ông thần đại vương; Chu Chúa đặc thần đại vương; Nhai Tằng thần đại vương; Nguyên Mệnh thần đại vương và Nhị Mẫu thần đại vương. Đây đều là những nhân vật lịch sử, được coi là thần thành hoàng làng đã có công với dân làng, luôn phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân làng được bình an.

Đình Phục Cổ (thuộc khu 4, xã Minh Hòa) là đình duy nhất ở tỉnh thờ Vua Quang Trung.

Đình Phục Cổ (thuộc khu 4, xã Minh Hòa) là đình duy nhất ở tỉnh thờ Vua Quang Trung.

Đình Phục Cổ có 4 ngày cầu chính trong năm đó là: Ngày Rằm tháng Giêng - Lễ hội thường niên; ngày 1 tháng 5 âm lịch - Lễ cầu hạ điền; ngày 5 và mùng 6 tháng 11 âm lịch - cầu chính và ngày 25 tháng 12 âm lịch - Lễ đóng cửa rừng. Hằng năm, cứ đến các ngày lễ cầu chính dân làng lại chuẩn bị phần lễ và phần hội theo nghi lễ truyền thống. Sau phần lễ linh thiêng là đến phần hội với các trò chơi dân gian như: Ném còn, đẩy gậy, đu trà, hò trà, đánh cồng chiêng, hát ví, hát rang…mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mường.
Ngày 10/6/1945 (tức ngày 1/5 âm lịch) – ngày Lễ cầu hạ điền truyền thống năm xưa, lá cờ đỏ sao vàng được giương cao tại đình làng Phục Cổ. Lực lượng vũ trang của Chiến khu Phục Cổ (gần 70 người) đã long trọng tuyên thệ trước đông đảo nhân dân, sau đó mở rộng hoạt động ra các vùng lân cận. Trong kháng chiến chống Pháp, đình Phục Cổ là nơi tập luyện, tập kết của du kích giành lại chính quyền, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.Trước kia, đình Phục Cổ được làm bằng gỗ, mái lợp tranh, trải qua thời kỳ dài, đình bị hư hỏng. Năm 2009, chính quyền và nhân dân xã Minh Hòa đã vận động người dân quyên góp để phục dựng lại ngôi đình trên nền móng cũ nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc xưa. Năm 2018, đình Phục Cổ được tu sửa lại một số cột trên nền móng cũ.

Trụ, cột được tu sửa trên nền móng cũ.

Trụ, cột được tu sửa trên nền móng cũ.

Theo ông Lê Quang – Trưởng phòng văn hóa huyện Yên Lập: “Để đông đảo du khách, người dân trong và ngoài huyện biết đến đình Phục cổ và Lễ hội mở cửa rừng huyện Yên Lập, Ủy ban nhân dân huyện có kế hoạch mở rộng quy mô tổ chức Lễ hội mở của rừng tại Đình Phục cổ (vào ngày mùng 6 tháng giêng hằng năm), nhằm lưu giữ các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng và thu hút du khách về tham quan”
Căn cứ vào các giá trị lịch sử, văn hóa và hệ thống cổ vật mang ý nghĩa to lớn, Di tích đình Phục Cổ được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2011. Đây là một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và là điểm tham quan văn hóa hấp dẫn du khách gần xa.

Lan Anh – Tuệ Minh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dat-nguoi-phu-tho/di-tich-danh-thang/202103/dinh-phuc-co-di-tich-doc-dao-o-minh-hoa-176018