Nguyễn Trường Tộ - Nhà cải cách toàn diện

Trong 'Nguyễn Trường Tộ - Người Việt Nam sáng suốt nhất ở thời kỳ rối ren nhất trong lịch sử Việt Nam', tác giả - giáo sư - nhà giáo nhân dân Từ Ngọc Nguyễn Lân đã khắc họa bức tranh toàn cảnh về một vĩ nhân với mong muốn canh tân đất nước bằng một góc nhìn vượt xa thời đại.

Như tiêu đề tựa sách, tác phẩm tập trung vào giai đoạn nước nhà rối ren với sự phân vân trong việc quyết định hướng đi ở những ngày đầu khi Pháp bắt đầu chiến lược xâm lược thuộc địa: nên chủ hòa hay chủ chiến, và liệu rằng nên mở cửa đất nước hay tiến hành bế quan tỏa cảng? Giữa tình cảnh ấy, một con người với kiến thức sâu rộng và lòng yêu nước đặt lên trên hết đã xuất hiện. Qua các bản điều trần về nhiều chủ đề, từ giáo dục, thương mại, quy hoạch… cho đến khai mỏ, ngoại giao, kinh tế… tác giả Từ Ngọc Nguyễn Lân đã cho ta thấy chân dung và nhiều nỗi niềm của một bậc học thức, tài hoa cũng như một nhân cách lớn.

Chân dung cố GS-NGND Nguyễn Lân (1906-2003). Ảnh: Gia Đình cung cấp

Chân dung cố GS-NGND Nguyễn Lân (1906-2003). Ảnh: Gia Đình cung cấp

Cuốn sách mở đầu bằng những phác thảo sự nghiệp của Nguyễn Trường Tộ. Một mặt vừa giúp hiện lên chân dung của nhà canh tân, mặt khác vừa lý giải cho nguyên nhân hình thành những ý tưởng vượt xa thời đại cũng như vì sao các đóng góp này không được lắng nghe. Sinh thời có được may mắn khi được giám mục người Pháp Gauthier dạy cho tiếng Pháp cũng như đưa sang nước Ý và Pháp vào năm 1860, Nguyễn Trường Tộ đã thu nhận hết cả sức cường mạnh của “người” và cái kém cỏi của “mình”. Bằng các chi tiết kể lại, tác giả Từ Ngọc Nguyễn Lân cho ta thấy ông là người rất trọng thực hành, người không ưa “đóng cửa đọc sách” chuyên về lý thuyết mà lúc nào cũng muốn nghiên cứu kỹ lưỡng để hiểu thấu được cội rễ sức mạnh của những người Âu, mong muốn đưa chúng về với nước mình.

Xuất phát từ thôi thúc đó, trong những năm tháng ở Paris, tác giả cho biết Nguyễn Trường Tộ đã khảo cứu một cách tường tận từ chính trị, văn học, khoa học, thương mại cho đến kỹ nghệ, thiên văn, địa lý, kinh tế, binh pháp... Ông không chỉ học qua sách vở hay ghế nhà trường mà còn lặn lội vào các xưởng thợ, nhà máy, xem từng li từng tí để hiểu rõ được nguyên lý của từng phát minh, dù là kỹ nghệ đúc sắt hay xưởng chế đồ hỏa mai. Từ việc thu lượm được những kiến thức vô cùng quảng bác từ Đông sang Tây cùng bộ óc tỉ mỉ và biết tổng hợp những cái hay ấy mà khi về nước, ông đã mang đến những bản điều trần như cách mà Nhật Bản, Thái Lan ở buổi bấy giờ đã làm theo và rất thành công, không chỉ trong việc giữ cho nước nhà độc lập mà còn lướt êm trên sóng của nền văn minh.

Tượng Nguyễn Trường Tộ tại trường THPT Nguyễn Trường Tộ (thành phố Vinh, Nghệ An). Ảnh: Kinh tế Đô Thị

Tượng Nguyễn Trường Tộ tại trường THPT Nguyễn Trường Tộ (thành phố Vinh, Nghệ An). Ảnh: Kinh tế Đô Thị

Tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ dễ thấy không thoát khỏi sự ảnh hưởng của Khổng giáo trong việc đối nhân xử thế hay quan niệm sống, tuy vậy ông không hấp thu một cách hoàn toàn mà luôn tiếp biến và biết so sánh để điều chỉnh sao cho phù hợp. Chẳng hạn tuy vẫn là một nhà nho, nhưng ông lại ghét cay ghét đắng những kẻ hủ nho. Ông cho rằng chính cái học không thiết thực, chỉ cúi đầu vào sách và học những cái viển vông quá lứa lỡ thì... đã khiến quốc gia yếu hèn, dân trí thấp kém cũng như hủ tục cứ tồn tại mãi với núi với sông.

Từ đó Nguyễn Trường Tộ đưa ra những cải cách như đưa sách vở từ phương Tây ở các bộ môn tương đối quan trọng như nông nghiệp, kỹ thuật... về nước và nhờ cha xứ phương Tây rành rẽ tiếng Hán hoặc tiếng Nôm chuyển ngữ. Ông cũng gợi ý nên thống nhất chữ viết là chữ Nôm mà không phải là chữ Hán vay mượn hay các ký tự Latin hóa do thái độ với người Công giáo còn khá cực đoan.

Ngoài ra, ông cũng gợi ý việc học các tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha cũng như Java để có thể thoải mái giao tiếp, từ đó tiến lên học điều văn minh. Về mặt giáo dục, Nguyễn Trường Tộ cũng kêu gọi không coi văn chương là môn duy nhất khi chọn người tài, mà nên mở rộng thêm các môn như luật học, sinh ngữ học, nông học, cách trí học, kỹ nghệ học…

Không dừng ở đó, những kế hoạch dài hơi, mang tầm vĩ mô cũng rất được Nguyễn Trường Tộ quan tâm chú ý. Từ đào thêm sông để buôn bán, thương thuyền phát triển cho đến việc mở những xưởng đóng tàu ngay tại nước ta hay thi hành chính sách khai hoang và di dân ở những nơi nào ruộng nương chưa được mở mang, sau đó tiến hành điều tra nhân khẩu, đặt lệ đạc điền và họa đồ cương giới. Nhưng ông cũng thận trọng bổ sung thêm khai hoang không phải là phá rừng, từ đó xin nhà nước đặt giới hạn cho các khu rừng cấm, để những người tham, người dốt không thể phá tan những khu vực này. Có thể thấy rằng ở những bước đầu các đề xuất của ông không riêng lẻ, cục bộ, địa phương, mà còn thể hiện góc nhìn liên ngành cũng như phát triển đồng bộ giữa nhiều khía cạnh. Điều đó phần nào đó cho ta thấy ông là nhà canh tân theo đúng mọi nghĩa, không chỉ để đất nước tiến lên mà còn cân bằng và theo thuật ngữ ngày nay, là phát triển bền vững.

Bìa sách Nguyễn Trường Tộ - Người Việt Nam sáng suốt nhất & thời kỳ rối ren nhất trong lịch sử Việt Nam. Ảnh: Minh Anh

Ngoài những việc mắt thấy tai nghe như trên, điều bất ngờ là Nguyễn Trường Tộ cũng có rất nhiều đóng góp trong những lĩnh vực mà rất ít người buồn lòng để tâm. Chẳng hạn vì sinh ra và lớn lên ở vùng có nhiều khu mỏ, nên ông đã gợi ý cho vua Tự Đức việc khai thác các mỏ này, dùng công nghệ nào... để tránh kỵ khí hoặc vách đào sạt. Ông cũng có những bản điều trần kêu gọi thay đổi quy hoạch đường phố, từ trồng thêm cây xanh cho đến xin sắp đặt lại đường sá, hào rãnh, cầu cống, chợ búa... sao cho khả quan và hợp vệ sinh. Ông quan tâm đến mặt xã hội, khi chia cứu tế ra làm hai phần gồm trẻ mồ côi và người cơ khổ, nhưng cũng đề xuất nên xóa bỏ ăn mày để tránh những người hay ăn lười làm, ảnh hưởng tiêu cực, trong khi những người cơ khổ khi được cưu mang cũng nên được dạy một môn nào đó để tự nuôi mình...

Bên cạnh những lĩnh vực ngách Nguyễn Trường Tộ cũng đưa ra rất nhiều đóng góp mang tính vị lai mà vẫn còn đúng cho đến giờ đây, chẳng hạn như việc đánh thuế lũy tiến không theo kiểu cào bằng, quân bình mà người giàu hơn sẽ chịu nhiều hơn, từ đó những người kém may mắn hơn cũng sẽ nhẹ gánh, đỡ đần phần nào. Ngoài ra ông cũng đều xuất đánh thuế thật cao thuốc lá, rượu bia, thuốc phiện... để dân ta không bị sa đà vào các “món” này do thực dân mang sang. Ông cũng đề nghị đánh thuế thật nặng để “bảo hộ mậu dịch” các mặt hàng nhập khẩu như trà hoặc lụa Trung Quốc để đảm bảo tiêu thụ trong nước ổn định, không bị phá giá...

Tranh vẽ Tu viện Saint Paul do Nguyễn Trường Tộ thiết kế và xây dựng năm 1864.

Tranh vẽ Tu viện Saint Paul do Nguyễn Trường Tộ thiết kế và xây dựng năm 1864.

Không dừng ở đó, qua các phân tích của tác giả Từ Ngọc Nguyễn Lân, người đọc cũng thấy được mức độ chi tiết trong các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ. Chẳng hạn ông không chỉ kêu gọi việc đưa người tài sang Tây du học, mà còn tính đến những điều ảnh hưởng có thể xảy ra, như sa vào đam mê lạc thú, không chuyên tâm học, từ đó ông đã đề xuất bản thân sẽ là người đưa họ sang đó cũng như giám sát. Hay trong việc sản xuất vũ khí, trước việc ngân khố là có giới hạn, ông cũng đề xuất hãy mua một món và về nghiên cứu, từ đó tự mình sáng chế ra món tương tự. Việc mua hỏa thuyền cũng tương tự thế, ông cũng đề xuất triều đình rất nên cân nhắc vay tiền nước ngoài, đổi lại đem hàng hóa của ta khấu nợ hoặc nhường cho họ một vài cửa bể thông thương để đánh thuế mà trừ dần...

Từ những điều trên ta không chỉ thấy một Nguyễn Trường Tộ có những góc nhìn mới mẻ, đi trước thời đại mà còn chạm đến mức độ chi tiết, trù tính rất xa trong chính những gì đã khơi gợi. Hơn một thế kỷ đã trôi qua kể từ thời đại của ông, nhưng có thể thấy những đóng góp ấy vẫn còn giá trị và rất thiết thực. Nguyễn Trường Tộ - Người Việt Nam sáng suốt nhất ở thời kỳ rối ren nhất trong lịch sử Việt Nam đã cho ta thấy ông hoàn toàn xứng đáng được xếp ngang với Fukuzawa Yukichi hay Khang Hữu Vi như một trong những nhà canh tân hàng đầu châu Á thế kỷ 19.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nguyen-truong-to-nha-cai-cach-toan-dien-45327.html